Giúp học sinh chọn đúng nghề Theo TS Văn Thị Thanh Nhung, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), trong trường phổ thông, giáo dục hướng nghiệp (GDHN) góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Mặt khác, GDHN giúp HS biểu hiện năng lực, sở trường lao động nghề nghiệp. Thế nhưng định hướng nghề nghiệp cho HS vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều em lựa chọn ngành học và nghề nghiệp chưa phù hợp với năng lực và sở trường cá nhân, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường… Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc bồi dưỡng năng lực hướng nghiệp chưa được chú trọng trong chương trình đào tạo GV các trường sư phạm. Từ thực tế trên cho thấy, GDHN cần thiết cho SV sư phạm. Họ sẽ thực hiện nhiệm vụ chính là giảng dạy môn học đã được đào tạo và tham gia hoạt động tích hợp, lồng ghép GDHN vào nội dung môn học. Với khối lượng công việc đảm nhiệm trong trường học, GV cần được trang bị kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cần thiết khi còn là SV để khi ra trường, họ vừa thực hiện hoạt động hướng nghiệp một cách hiệu quả, vừa có khả năng được tuyển dụng vào ngành nghề phù hợp khác nếu muốn đổi nghề hoặc chưa có cơ hội dạy học. HS THPT cần được tư vấn nghề nghiệp chính xác để lựa chọn phù hợp. Ảnh: T.G Nâng cao khả năng hướng nghiệp cho SV sư phạm Thực hiện Chương trình GDPT mới, GDHN không còn là việc riêng của GV phụ trách mà sẽ có sự vào cuộc của tất cả GV và các lực lượng trong và ngoài nhà trường. Vai trò quan trọng của đội ngũ GV trong công tác GDHN đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo GV xem xét và điều chỉnh chương trình theo hướng bổ sung học phần về tư vấn hướng nghiệp, tích hợp nội dung rèn luyện năng lực tư vấn hướng nghiệp vào các học phần nghiệp vụ sư phạm, khoa học giáo dục và tăng cường các hoạt động thực hành cho SV sư phạm. Dưới quan điểm của mình, TS Tôn Quang Cường - Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH quốc gia HN) đã chỉ ra, để tăng cường năng lực tư vấn hướng nghiệp trong đào tạo cử nhân sư phạm, mỗi trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như rà soát, bổ sung học phần có liên quan trực tiếp hoặc bổ trợ cho quá trình đào tạo năng lực tư vấn hướng nghiệp; tích hợp các nội dung liên quan đến kỹ năng tư vấn, thông tin nghề nghiệp trong xã hội… vào các học phần thuộc khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm. Cùng đó, cần đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực tập sư phạm, song song với các kỹ năng dạy học, chú trọng hình thành hệ thống kỹ năng giáo dục tổng thể. Bổ sung nội dung tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp trong chương trình thực tập sư phạm ở trường phổ thông. Bố trí học phần “Tư vấn hướng nghiệp” gần với thời điểm diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH hàng năm, giao nhiệm vụ cho SV thực hiện các hoạt động tư vấn tuyển sinh của trường sư phạm tại các trường phổ thông như một nhiệm vụ thực hành của học phần. Đặc biệt, lồng ghép các kỹ năng tư vấn hướng nghiệp vào nội dung thi nghiệp vụ cho SV sư phạm toàn quốc, hội thi hàng năm của nhà trường, các hoạt động phong trào của sinh viên… TS Văn Thị Thanh Nhung - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng nêu ra một số giải pháp: Trước hết, tích hợp đào tạo các năng lực chuyên môn và năng lực nghiệp vụ sư phạm theo hướng vận dụng sáng tạo kiến thức khoa học môn học trong thực tiễn dạy học ở địa phương. Theo đó, nên bổ sung mô đun GDHN cho HS phổ thông trong chương trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Việc định kỳ bồi dưỡng kiến thức GDHN cho GV phổ thông và giảng viên các cơ sở đào tạo nghề phổ thông cũng không thể thiếu. Đi liền đó cần bồi dưỡng cho SV kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông trong GDHN cho HS... Thực tiễn cho thấy, nhận thức về công tác định hướng nghề nghiệp hiện nay chưa mang tính bền vững. Trách nhiệm của nhà trường, GV làm công tác hướng nghiệp không chỉ là dẫn dắt HS vào các trường ĐH, CĐ… mà cần tư vấn, định hướng các em lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp với hoàn cảnh, bản thân và nhu cầu xã hội. Vì vậy, cần có chính sách đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các thầy cô giáo làm công tác này khi họ còn là sinh viên. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .