Công ty Thiết kế web

Giao lưu trực tuyến: Phương pháp giảng dạy hiệu quả môn học GDQP-AN

Thảo luận trong 'Giáo dục' bắt đầu bởi mccadword, 25/12/19.

  1. mccadword

    mccadword Member

    Môn học GDQP-AN đang được đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI.

    Đổi mới phương pháp giảng dạy GDQP-AN là công tác đặc biệt quan trọng, trong đó đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt. Công tác này đang được tiến hành từ đổi mới chương trình đào tạo đến nội dung, phương pháp giảng dạy GDQP-AN. Trong đó, đổi mới tổ chức chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, tăng cường vấn đề về an ninh, đảm bảo an ninh học đường cho HS-SV.

    Đổi mới nội dung chương trình theo hướng phân cấp đồng bộ giữa các cấp học, bậc học; các nội dung đã học ở cấp dưới không lặp lại ở cấp học cao hơn. Chương trình mới sẽ tăng nội dung thực hành, giảm lý thuyết; kết hợp chặt chẽ giữa học tập và rèn luyện toàn diện cho sinh viên.

    [​IMG]

    Chủ đề cuộc giao lưu.

    Hiện nay, Bộ đã và đang tập trung đổi mới chương trình GDQP-AN trình độ Trung cấp SP, Cao đẳng SP và ĐH (Sửa đổi Thông tư 03/2017). Năm 2020 sẽ sửa đổi thông tư 02/2017 về chương trình GDQP-AN các trường THPT để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và khả năng của Các cơ sở giáo dục và đào tạo.

    Cùng với đó, môn học đang được đẩy mạnh đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giảng dạy, kiểm tra đánh giá sát với năng lực, khả năng của người học…

    Buổi giao lưu với hai vị khách mời:

    - Đại tá TS. Vũ Minh - Chuyên viên Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Bộ GD&ĐT.


    - Cô giáo Ngô Thị Út - Giáo viên GDQP-AN Trường THPT Trần Phú, Sở GD&ĐT Hà Nội.

    Đây sẽ là dịp để giáo viên giảng dạy môn học GDQP-AN có thêm dịp trao đổi kinh nghiệm về ““Phương pháp giảng dạy hiệu quả môn học GDQP-AN” về những thuận lợi, khó khăn, những cách làm hay trong công tác này.

    Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi đến các khách mời qua địa chỉ: gdtddientu@gmail.com.

    >>> Nhấn F5 để cập nhật...

    GD&TĐ

    Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
    Ông có thể cho biết, giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 sẽ được hưởng những chế độ gì? Sau khi ra trường sẽ được bố trí công tác như thế nào?
    Lê Tuấn Anh, TP.Hồ Chí Minh

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Theo quyết định số 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo giáo viên, giảng viên GDQP-AN cho các trường THPT, Trung cấp chuyên nghiệp, TC nghề, CĐ nghề và các cơ sở GD Đại học thì người học, ngành đào tạo GDQP-AN được hưởng các chế độ: Học phí, quân trang, hỗ trợ trang bị, thiết bị học tập, sinh hoạt, bảo hiểm y tế, hỗ trợ các hoạt động công tác Đảng, công tác Chính trị như quy định hiện hành đối với học viên sỹ quan cấp phân đội học tạo trường Sỹ quan lục quân (Bộ Quốc phòng).

    Ngoài ra, học viên văn bằng 2 còn được sự quan tâm, tạo điều kiện của các Sở GD&ĐT, cơ sở gửi đi học. Sau khi học xong sẽ được bố trí đúng vị trí chuyên môn tại các cơ sở GD.

    Các tiết học lý luận GDQP-AN vốn rất dài lý thuyết, làm thế nào để tích hợp kiến thức lịch sử địa phương vào môn học
    Trần Hoàng Thanh Trúc (Đà Nẵng)

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Phần lịch sử địa phương là một nội dung được chú trọng trong giảng dạy môn học GDQP-AN. Thông qua nội dung này giáo dục cho học sinh sinh viên lòng tự hào về truyền thống của quê hương, dân tộc.

    [​IMG]

    Đại tá - TS.Vũ Minh: Phần lịch sử địa phương là một nội dung được chú trọng trong giảng dạy môn học GDQP-AN. Ảnh: Xuân Phú.

    Có rất nhiều cách để tích hợp nội dung lịch sử địa phương vào các bài học về GDQP-AN như: Mời các nhân chứng lịch sử của địa phương nói chuyện truyền thống; Tổ chức các hoạt động tri ân anh hùng liệt sĩ của địa phương. Có thể đưa thêm các tư liệu, hình ảnh lịch sử truyền thống địa phương vào trong phần trình chiếu bài giảng lý thuyết.

    Thấy được tầm quan trọng của lịch sử địa phương với môn học trong định hướng đổi mới chương trình GDQP-AN đối với các cấp học, bậc học, Bộ GD&ĐT đã dành thời lượng nhất định để các cơ sở giáo dục đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy.

    Trong phân phối chương trình, phần lịch sử đất nước và lịch sử quân đội nhân dân ít có sức thu hút học sinh, làm thế nào để tăng tính hấp dẫn các em?
    bangnguyen***@gmail.com

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Mặc dù là kiến thức Lịch sử nhưng phần nội dung về lịch sử đất nước và lịch sử quân đội nhân dân rất hấp dẫn học sinh. Quan trọng nhất vẫn là cách truyền đạt của người thầy.

    Để tăng tính hấp dẫn cho bài học, người thầy phải biết lựa chọn những chiến dịch, trận đánh, những tấm gương tiêu biểu của các anh hùng trong quân đội để tích hợp vào các bài giảng giúp người học cảm nhận được bề dày truyền thống của dân tộc và quân đội ta trong suốt chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Ngoài ra, cần kết hợp nội dung lý thuyết với các hoạt động trải nghiệm: tham quan các đơn vị quân đội, bảo tàng lịch sử để tăng tính hấp dẫn cho môn học. Đây cũng là một trong những nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy môn học GDQP-AN.

    Bà có thể chia sẻ phương pháp dạy học của mình hoặc của giáo viên Hà Nội để lôi cuốn học sinh trong các giờ học lịch sử GDQP-AN.
    Mai Anh Ngọc (Gia Lai)

    Cô giáo Ngô Thị Út :
    Trong suốt quá trình giảng dạy môn học hơn 10 năm qua, tôi nhận thấy để lôi cuốn được học sinh trong giờ học lý thuyết; cụ thể là những bài học lịch sử truyền thống đánh giặc giữ nước, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, trước tiên người giáo viên phải làm cho học sinh hiểu được giá trị lịch sử, và biết được những hy sinh, mất mát mà ông cha ta đã phải trải qua để đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

    Giáo viên giảng dạy tích hợp liên môn cùng với sử dụng công nghệ thông tin để nêu vấn đề và giải quyết vấn đề cụ thể. Giáo viên lấy học sinh làm trung tâm, chia học sinh làm việc nhóm và đại diện nhóm lên thuyết trình.

    Phương pháp này tạo khả năng sáng tạo, làm việc tập trung, đồng thời cũng tạo sự hứng khởi môn học khi học sinh thuyết trình tốt, giáo viên có thể thưởng điểm để động viên, khuyến khích các nhóm học sinh khác nỗ lực trong học tập.

    Việc sử dụng công nghệ thông tin sẽ cho học sinh thấy những hình ảnh trực quan, sinh động, những video, thước phim quý, từ đó học sinh có thể khái quát, nhận thức được bài học nhanh hơn.

    Ví dụ như bài giảng về giới thiệu súng tiểu liên AK và súng trường CKC, giáo viên có thể sử dụng máy chiếu, máy trình chiếu vật thể để phóng to các bộ phận nhỏ của súng để học sinh quan sát dễ hơn. Đặc biệt là khi giáo viên giới thiệu về sự chuyển động của súng thì việc sử dụng công nghệ thông tin là hết sức quan trọng để mô tả sự chuyển động của các bộ phận của súng trong quá trình hoạt động...

    Mục đích của những bài thực hành trong môn học GDQP-AN; Làm thế nào để các em nắm được và hiểu hết ý nghĩa của nó đối với cuộc sống sau này?
    Hoàng Minh Thy (Nghệ An)

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Môn học GDQP-AN trang bị cho học sinh, sinh viên những hiểu biết cơ bản về chủ trương, đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và những kỹ năng cơ bản về quân sự, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

    Môn học GDQP-AN cũng rèn luyện cho học sinh, sinh viên tính kỷ luật trong sinh hoạt tập thể, kỹ năng sống, giáo dục trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Sau khi học xong môn học này, học sinh sinh viên có tác phong sinh hoạt tốt hơn trong cuộc sống, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng. Có một số nội dung của môn học có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống như: cứu hộ, cứu nạn, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và những biểu hiện tiêu cực.

    Những động tác thực hành, vận động của môn học có làm khó các giáo viên nữ không? Làm sao để giáo viên nữ làm chủ các kỹ thuật và giảng dạy lại cho học sinh?
    Lê Huyền Châu (Cầu Giấy, Hà Nội)

    Cô giáo Ngô Thị Út :
    [​IMG]

    "Để giáo viên nữ làm chủ các kỹ thuật, động tác vận động thì bản thân giáo viên phải tự rèn luyện nhiều hơn" - Cô Ngô Thị Út.

    Môn học GDQP-AN là môn học mới, bước đầu xây dựng và hoàn thiện đội ngũ giáo viên còn một số hạn chế về thuyên chuyển giáo viên từ môn lịch sử, văn học, ngoại ngữ... sang giảng dạy GDQP-AN, chính vì một bộ phận giáo viên này chưa đáp ứng được yêu cầu về thể lực để giảng dạy một số nội dung thực hành.

    Để giáo viên nữ làm chủ các kỹ thuật, động tác vận động thì bản thân giáo viên phải tự rèn luyện nhiều hơn để tăng cường thể lực, chuẩn động tác cũng như sức bền thể lực để giảng dạy tốt môn học này...

    Là giảng viên nữ, cô có gặp khó khăn gì không khi giảng dạy môn học này? Cách khắc phục của cô là gì?
    Bùi Duy Kha (GV Hà Nội)

    Cô giáo Ngô Thị Út :
    Đây thực sự là câu hỏi đúng với nhiều trường hợp giáo viên được học chuyển văn bằng để giảng dạy GDQP-AN. Vì là môn đặc thù có 50% lý thuyết và 50% thực hành, giáo viên dạy môn học này phải có đầy đủ trình độ lý luận và thể lực để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn học.

    Đối với cá nhân, xuất thân là một vận động viên thể thao và sự đam mê giảng dạy môn học GDQP-AN nên có nhiều lợi thế và tôi thấy rất phù hợp với việc giảng dạy môn học này.

    Ông có những lưu ý gì về yêu cầu đặt ra khi kiểm tra, đánh giá môn học trong lý thuyết? Trong thực hành?
    Lưu Minh Giảng (GV Quảng Ninh)

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Yêu cầu đặt ra khi kiểm tra, đánh giá môn học GDQP-AN cả lý thuyết và thực hành đều phải sát mục tiêu môn học và đối tượng đào tạo.

    Về lý thuyết, giáo viên phải lựa chọn những nội dung phù hợp với phân phối chương trình và cũng khuyến khích giáo viên sử dụng phương pháp trắc nghiệm trong kiểm tra các nội dung lý thuyết.

    [​IMG]

    Đại tá - TS.Vũ Minh: "Riêng nội dung bắn súng chỉ lựa chọn những học sinh tiêu biểu thực hành bắn đạn thật để đảm bảo an toàn".

    Về thực hành, quá trình tổ chức kiểm tra cần lưu ý lựa chọn các động tác cơ bản về đội ngũ cũng như chiến thuật. Riêng nội dung bắn súng chỉ lựa chọn những học sinh tiêu biểu thực hành bắn đạn thật để đảm bảo an toàn.

    Việc đánh giá kết quả học tập môn học trong trường THPT được thực hiện theo quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT; Học sinh và sinh viên các trường TC sư phạm, CĐSP và Đại học thực hiện theo thông tư liên tịch số 18/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ LĐ TB và XH, quy định tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập.

    Các giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin vào giảng dạy môn học? Những giải pháp nào đang được khuyến khích để nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh?
    Nguyễn Bình An (Hưng Yên)

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Cũng như các môn học khác, môn học GDQP-AN hiện nay cũng áp dụng CNTT vào giảng dạy. Các giải pháp hiện nay mà các cơ sở GD đang ứng dụng phổ biến là: Sử dụng các băng, đĩa hình để giới thiệu lịch sử truyền thống dân tộc, truyền thống quân đội; Phần mềm trình chiếu; Sử dụng phần mềm kiểm tra đánh giá kết quả.

    Trong năm 2019, Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp với Học viện Kỹ thuật quân sự xây dựng phần mềm chuyên dụng cho giảng dạy GDQP-AN cả lý thuyết và thực hành, đã đưa vào tập huấn theo kế hoạch của Bộ vào dịp tháng 7/2019.

    Sau khi hoàn thành đổi mới chương trình GDQP-AN cho các đối tượng thì sẽ cập nhật vào phần mềm để phổ biến rộng rãi cho các cơ sở ứng dụng vào giảng dạy.

    Hà Nội có những định hướng cho giáo viên GDQP-AN lồng ghép, đưa kiến thức lịch sử tiêu biểu của Thủ đô tích hợp giảng dạy, giới thiệu trong giờ GDQP-AN như thế nào, thưa cô?
    Trần Thế Hoành (Hà Tĩnh)

    Cô giáo Ngô Thị Út :
    Chủ trương định hướng của Hà Nội nói riêng và ngành giáo dục nói chung từ trước đến nay vẫn thực hiện lồng ghép kiến thức thực tế thông qua nhiều hình thức như: Hoạt động ngoại khóa, tổ chức học sinh tham quan các bảo tàng lịch sử, quân đội...

    [​IMG]

    Giờ dạy lịch sử QĐND Việt Nam của cô Ngô Thị Út.

    Hoạt động giảng dạy của giáo viên như các sự kiện lịch sử của Hà Nội như: Hồ Hữu Tiếp với xác B52 và rất nhiều hoạt động khác.

    Hoặc như cây cầu Long Biên, sân bay Gia Lâm, kho xăng Đức Giang... đều được lồng ghép vào tiết học lịch sử Thủ đô để giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha, góp phần hình thành và nâng cao ý thức quốc phòng trong thế hệ học sinh hôm nay.

    Làm thế naò để học sinh ngắm bắn tốt? việc tổ chức để các em được bắn đạt thật phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
    trannhiha***@gmail.com

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Bắn súng là môn đòi hỏi kỹ năng tổng hợp cao. Muốn học sinh bắn tốt thì trước hết người thầy phải có khả năng và trình độ trong thực hiện các thao tác bắn.

    [​IMG]

    Theo Đại tá - TS Vũ Minh, để thực hành bắn đạt kết quả cao đòi hỏi người học phải tích cực luyện tập, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị và khai thác có hiệu quả máy bắn tập MBT-03 đã được trang bị cho các nhà trường... Ảnh minh họa.

    Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học, trong đó có nội dung bắn súng.

    Để thực hành bắn đạt kết quả cao đòi hỏi người học phải tích cực luyện tập, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị và khai thác có hiệu quả máy bắn tập MBT-03 đã được trang bị cho các nhà trường để nâng cao khả năng thực hành cho học sinh.

    Việc tổ chức bắn đạn thật đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ các quy định trong thực hành bắn để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao. Người học phải được học và luyện tập trước các nội dung bắn súng. Học sinh tham gia bắn đạn thật phải được lựa chọn từ các học sinh có kết quả luyện tập tiêu biểu.

    Khi thực hành bắn phải tuân thủ nghiêm các quy định của các đơn vị quân đội bảo đảm cho các nhà trường thực hành bắn.

    Trường tôi đang rất thiếu trang thiết bị phục vụ công tác dạy học, hỗ trợ thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, vậy công tác hỗ trợ tìm kiếm mua sắm ở đâu?
    Đinh Quang (Hà Nội)

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    [​IMG]

    Đại tá TS. Vũ Minh trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ.

    Hiện đã có rất nhiều cơ sở được giao nhiệm vụ sản xuất các trang thiết bị dạy học môn GDQP-AN. Bên cạnh đó, Hội đồng GDQP-AN trung ương, Bộ Quốc phòng đang thực hiện đề án hoán cải súng tiểu liên AK cấp 5 để cung cấp cho các cơ sở giáo dục đào tạo.

    Đối với các cơ sở đang thiếu thiết bị cho môn học, có thể gửi công văn trực tiếp tới Vụ GDQP-AN (Bộ GD&ĐT) để được tham mưu cho các cơ sở phù hợp, bảo đảm cung cấp trang thiết bị dạy học đúng theo yêu cầu.

    Theo bà, làm thế nào để học sinh bớt nhàm chán với những giờ lý luận, lịch sử của môn học.
    hoangvanlinh@gmail...

    Cô giáo Ngô Thị Út :
    Không riêng gì GDQP-AN mà tâm lý chán nản của học sinh còn có ở nhiều môn học khác nữa. Chính vì vậy theo tôi, để có một giờ học thu hút và hấp dẫn được các em là phải do phương pháp giảng dạy của người giáo viên.

    Ví dụ như: với bài lịch sử truyền thống đánh giặc giữ nước (của lớp 10), giáo viên phải lồng ghép các kiến thức về lịch sử, văn học, kết hợp với hình ảnh. Sau đó giáo viên có thể cho học sinh làm việc nhóm, thảo luận những vấn đề nhỏ để trẻ có thể trực tiếp tham gia bài bằng những ý kiến nhỏ của mình.

    Bằng việc kết hợp các phương pháp dạy học đó, giáo viên đã tạo sự gắn kết và phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong giờ học; Làm cho các em không còn cảm giác khô khan, nhàm chán trong giờ học.

    Môn học GDQP-AN đang đặt ra những vấn đề đổi mới như thế nào, thưa ông?
    Trần Nghĩa (Từ Liêm, Hà Nội)

    Đại tá - TS.Vũ Minh:
    Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó có môn học giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP-AN), hiện nay, Vụ GDQP-AN (Bộ GD&ĐT) đang thực hiện đổi mới toàn diện môn học này trong đó tập trung đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy và học.

    Đổi mới về chương trình: Hiện nay Bộ đang tiến hành sửa đổi thông tư 02/2017 về chương trình GDQP-AN cho các trường THPT và Thông tư 03/2017 về chương trình GDQP-AN cho các trường Trung cấp sư phạm, CĐSP và cơ sở giáo dục đại học theo hướng thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn và đối tượng người học.

    Về đổi mới phương pháp, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng, chương trình GDQP-AN đang được triển khai cho các cơ sở GD đạo tạo theo hướng tăng cường tích hợp CNTT vào hoạt động dạy và học để nâng cao chất lượng môn học.

    Hiện trang thiết bị, điều kiện dạy học thực hành của Hà Nội có đủ đáp ứng yêu cầu môn học? Khó khăn của Hà Nội chủ yếu là gì, thưa bà? Giải pháp phục những khó khăn?
    Nguyễn Ngọc Dung (Thanh Hóa)

    Cô giáo Ngô Thị Út :
    Trường THPT Trần Phú luôn tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho giảng dạy môn học. Về cơ sở vật chất tương đối đầy đủ đáp ứng cho việc giảng dạy môn học tại trường.

    [​IMG]

    Cô Ngô Thị Út - Giáo viên GDQP-AN Trường THPT Trần Phú, Sở GD&ĐT Hà Nội.

    Tuy nhiên, là trường ở vùng lõi của thành phố Hà Nội, còn có khó khăn về sân bãi; Gây khó khăn cho nội dung ném lựu đạn, một số động tác chiến thuật trên chiến trường;

    Chúng tôi khắc phục bằng cách tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, thuê sân bãi để giảng dạy tập trung. Đấy là những bài học thực tế gắn bài học với thực tế cuộc sống và để học học sinh có trải nhiều trải nghiệm hơn là bó gọn trong khuôn viên nhà trường.

    Gửi câu hỏi ở đây
    Vui lòng viết tiếng Việt có dấu

    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này