Xắn tay cùng giáo viên Theo cô Hòa, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nhấn mạnh về những ưu điểm của cái mới. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên. Ban giám hiệu phải đồng hành, thậm chí là “xắn tay” cùng giáo viên để thực hiện nhiệm vụ mới. Sẵn sàng lắng nghe và giải đáp những khúc mắc của giáo viên. Luôn động viên kịp thời và chia sẻ những khó khăn với giáo viên để cùng nhau tìm ra giải pháp thực hiện tốt nhất. “Ở trường tôi, khi đưa ra một phương pháp mới, Ban giám hiệu sẽ cùng giáo viên bàn bạc, thảo luận để xây dựng tiết học mẫu. Sau đó, chúng tôi sẽ cùng với giáo viên, tổ chuyên môn rút kinh nghiệm để tìm ra những biện pháp tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Sau khi rút kinh nghiệm, nhà trường sẽ triển khai đến các lớp. Tùy từng điều kiện cụ thể để giáo viên chủ động áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo” – cô Hòa chia sẻ. Cho rằng, để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên phải chủ động tìm tòi các phương pháp, các thủ thuật và đặc biệt là các phương tiện thích hợp để bài giảng có chất lượng và hiệu quả hơn, cô Hòa nhấn mạnh: Dạy học là một nghệ thuật. Do đó, việc giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học là hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra, là giáo viên cần nắm được năng lực, phẩm chất, trình độ của học sinh trong lớp để có phương pháp dạy học phù hợp, để đạt hiệu quả cao nhất. Cô Ngyễn Thị Hòa Lạt mềm buộc chặt Cũng theo cô Hòa, ở Trường tiểu học Lê Văn Tám, khi dự giờ đánh giá tiết dạy của giáo viên thường dựa trên các tiêu chí: Thứ nhất, trong tiết học đó, học sinh có chủ động và tích cực tham gia xây dựng bài học không? Thứ hai, giáo có phương pháp dạy học hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn học sinh hay không? Kết quả tiết dạy đó, học sinh nắm được bài đến đâu và có vận dụng được vào thực tiễn hay không? Tuy nhiên, theo cô Hòa, trong các tiết học hàng ngày, giáo viên nên quan tâm, gần gũi nhiều hơn đến học sinh của mình, nhất là với những học sinh “cá biệt”. Với những học này, không thể dùng biện pháp “mạnh” như: Quát mắng, trách phạt, dọa nạt… mà nên dùng biện pháp “lạt mềm buộc chặt”. Cụ thể: Tìm hoàn cảnh gia đình, các yếu tố tác động đến tính cách của học sinh… Từ đó phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục phù hợp với những học sinh này. Ngoài ra, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Ngoài các hoạt động giáo dục chính khóa, còn có các hoạt động ngoài giờ lên lớp phong phú. “Chúng tôi xây dựng các hoạt động giáo dục theo chủ điểm của từng tháng, từng tuần. Khi xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục rồi, sẽ triển khai đến từng lớp học, trong đó phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời kết hợp cùng phụ huynh cùng tham gia các hoạt động. Vì thế, điều quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận, tự nguyện của giáo viên và phụ huynh học sinh trong các hoạt động giáo dục của nhà trường” – cô Hòa trao đổi, đồng thời cho biết: Nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT. Nhà trường cũng chuẩn bị đội ngũ giáo viên lớp 1 có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm giảng dạy để sang năm học 2020-2021 có thể thực hiện ngay Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa lớp 1. “Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, Ban giám hiệu đưa ra thảo luận, trao đổi và giải đáp ý kiến của giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, chỉ đạo các tổ chuyên môn sinh hoạt nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm các giáo viên, chuẩn bị tâm thế tốt nhất trước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tới. Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn để bắt nhịp với yêu cầu đổi mới giáo dục” – cô Hòa chia sẻ. Minh Phong (ghi) Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .