Công ty Thiết kế web

Giáo viên trường chuyên biệt: Dạy học bằng cả trái tim

Thảo luận trong 'Giáo dục' bắt đầu bởi mccadword, 4/12/19.

  1. mccadword

    mccadword Member

    Lớp học hình vòng cung

    Đang dạy ở một trường tiểu học ở quận trung tâm Đà Nẵng, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu làm đơn tình nguyện xin về giảng dạy tại Trường Chuyên biệt Tương Lai khi ngành GD-ĐT Đà Nẵng có chủ trương kêu gọi giáo viên trẻ tình nguyện về trường.

    Phòng học của lớp D5 do cô Thu đứng lớp có 10 HS, bàn ghế được bố trí hình vòng cung, cô giáo đứng ở giữa để HS có thể theo dõi bài giảng thông qua ngôn ngữ cử chỉ. “Với HS khiếm thính, giáo viên không chỉ sử dụng ngôn ngữ của đôi bàn tay mà còn là ánh mắt, nét mặt biểu cảm để các em cảm nhận và nắm bắt nhanh bài học”. Trẻ khiếm thính thường gặp khó khăn về giao tiếp nên cô Nguyễn Thị Hồng Thu cùng các giáo viên trong tổ Khuyết tật thính giác đã áp dụng phương pháp giảng dạy song ngữ cho môn Tiếng Việt.

    Theo đó, ký hiệu sẽ được giáo viên dạy trước, viết sau; mỗi tiết dạy gồm 3 phần: Ký hiệu ngôn ngữ, viết và đọc. Sự thay đổi về mặt phương pháp đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi vốn từ của học sinh tăng lên nhiều, các em cũng chú ý và hào hứng hơn trong giờ học. Trẻ khiếm thính thường hay nói ngược, nên cô Hồng Thu cũng nhờ phụ huynh khuyến khích HS tự nhắn tin chúc mừng cô giáo trong các dịp lễ, tết hoặc xin phép nghỉ học hay muốn hỏi han, tâm sự gì với cô giáo. “Đây cũng là một cách để giúp HS thành thạo hơn trong cách diễn đạt, viết câu. Nhờ vậy, mình sẽ biết được các con có viết ngược không để còn chỉnh sửa kịp thời, giúp con quen dần với tư duy logic”.

    Lớp chỉ có 10 HS, nhưng cô giáo không vì thế mà đỡ vất vả. HS nhỏ tuổi nhất, cũng là HS ra lớp đúng tuổi, trò lớn nhất đã 14 tuổi. Ý thức bảo vệ máy trợ thính của các em chưa có và máy trợ thính cũng không hỗ trợ nhiều cho HS vì hầu hết là máy được tài trợ, không phù hợp với độ điếc của HS. Rồi có nhiều từ mang tình hình tượng mà để giải thích cho HS thì không hết nghĩa, tranh minh họa lại không có. Như để cho HS hiểu được các cấp độ của từ “xinh đẹp”, chẳng hạn như “dễ thương”, buộc GV phải đặt trong một ngữ cảnh.

    “Để duy trì nề nếp cho một lớp học với nhiều tâm lý lứa tuổi khác nhau thì GV đòi hỏi phải khéo léo, vừa phải hiểu tính cách của từng em, nắm bắt được những thay đổi tâm lý dù là nhỏ nhất để có thể có những cách xử lý tình huống phù hợp. Đối với những HS ra lớp muộn hoặc lưu ban thì độ tuổi này cần phải được trang bị các kiến thức về giáo dục giới tính, rồi những “ẩm ương” của độ tuổi mới lớn, thích khẳng định bằng cách “bắt nạt” bạn…” - cô Hồng Thu chia sẻ.

    Cho đến bây giờ, cô Thu vẫn không quên được cậu học trò đặc biệt của năm đầu tiên nhận dạy lớp khiếm thính. “Lớp có một em đa tật, bị cả tự kỷ dạng tăng động, cứ thỉnh thoảng lại vùng chạy ra khỏi lớp. Mình luôn trong tư thế sẵn sàng chạy chân đất đuổi theo trò vì HS khiếm thính nên có gọi, các em cũng không nghe được, chỉ có cách mặt đối mặt mới đưa được em trở lại lớp. Với học trò bình thường chỉ chắc mới nghĩ đến chuyện đó thôi cũng đã bực, nhưng HS của mình đã chịu nhiều thiệt thòi, cứ nghĩ thế thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.

    [​IMG]

    Thầy Nguyễn Xuân Việt dạy tiết giáo dục cá nhân cho một HS khó khăn về đọc.

    Trao yêu thương nhận lại ngọt ngào

    Một giờ dạy của thầy Nguyễn Xuân Việt (Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng) hiếm có khi nào đi đúng trình tự của các bước trong giáo án. Thậm chí, có khi suốt tiết học, thầy chỉ làm được mỗi việc là làm sao cho HS thôi không khóc, có những tiết học, thầy giáo ướt đẫm mồ hôi vì cùng với HS chơi đuổi bắt ở ngoài sân chơi.


    Năm đầu tiên nhận công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Việt phải mất 2 tháng mới bắt đầu làm quen được với công việc thực tế. “Năm đó, tôi được phân công là giáo viên hỗ trợ của lớp 2 – đây là lớp có HS khuyết tật trí tuệ nặng nhất của trường.

    Công việc của giáo viên không chỉ đơn thuần là dạy mà còn kiêm đủ thứ việc không tên khác: Vệ sinh cho những HS không làm chủ được việc tiểu tiện, đại tiện, có những em lúc nào cũng nhễu nước dãi ướt hết cả áo… Bằng tình yêu thương và cả vốn kiến thức có được từ khóa học ngắn hạn về chăm sóc, trị liệu cho trẻ khuyết tật, hơn 10 năm qua, thầy giáo Việt luôn tìm tòi những phương pháp dạy học phù hợp với bệnh trạng của từng HS. Như trường hợp của bé N.T.T.T – gặp hội chứng khó khăn về đọc, thầy Việt áp dụng phương pháp cho HS học từ nguyên khối luôn chứ không đánh vần nữa vì HS tham gia các tiết giáo dục cá nhân khi đã gần xong năm học lớp Một.

    Ví dụ như muốn HS nhớ từ “gối” thì phải gắn với cái gối, nếu không có vật cụ thể thì phải gắn với mô hình hoặc động tác minh họa. Trong 45 phút của tiết dạy, hai thầy trò chỉ nhắc đi nhắc lại 5 từ nhưng không phải lúc nào T. cũng đọc đúng. Thỉnh thoảng, thầy Việt phải dừng lại, cho T. chơi các trò chơi thăng bằng để em tập trung chú ý. Lớp học chỉ có một thầy một trò nhưng không vì thế mà giáo viên bớt đi sự vất vả.

    HS của thầy Việt đã có khoảng 15 em học hòa nhập hoàn toàn tại các trường tiểu học, THCS. Thầy Việt cho biết, với HS khuyết tật, mỗi em có một mức độ tiếp nhận, tính cách và thể trạng khác nhau nên giáo viên phải linh hoạt trong tổ chức, sử dụng phương pháp giảng dạy; xây dựng mục tiêu giáo dục dài hạn, ngắn hạn rồi chia nhỏ để “vừa hiệu quả vừa đỡ sốt ruột”.

    “Trẻ khuyết tật thường rất tinh ý, ai yêu thương, quan tâm các em thật lòng, các em đều biết cả. Khi bé biết mình được thầy cô giáo dành trọn sự yêu thương, chăm chút thì GV dễ kích thích được sự phát triển của trẻ” – thầy Nguyễn Xuân Việt chia sẻ.

    Hà Nguyên

    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này