Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn Rõ trách nhiệm người đứng đầu, không để dự án "xếp hàng" Cho rằng cần rút kinh nghiệm khi để Luật Đầu tư công có đời sống khá ngắn (ban hành năm 2014, có hiệu lực từ 2015, mới thi hành 3 năm), đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đồng tình sửa đổi, bổ sung luật vì một số quy định hiện hành đang gây ách tắc đầu tư công. Nêu vấn đề tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng nay 12-11, bà Mai nói: "Trong dự thảo luật, vai trò của người đứng đầu còn mờ nhạt, đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong các công đoạn đề xuất, thẩm định, phê duyệt… chủ trương đầu tư. Ở các nước họ rất chú trọng hiệu quả sau đầu tư, ở ta vẫn thiếu vắng quy định". Đại biểu Lê Quân - thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - thì chia sẻ câu chuyện thực tế: Một trường thuộc bộ quản lý có khoản tiết kiệm 50 tỉ đồng, đề nghị xây nhà thi đấu thể thao. Lãnh đạo bộ đồng ý nhưng theo quy định phải gửi Bộ Kế hoạch đầu tư xem xét, và phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, rất mất thời gian và chưa biết khi nào dự án được thực hiện. "Bộ chúng tôi chủ quản nhiều trường, không muốn 'ôm' quyền phê duyệt những dự án kiểu như thế này, bởi lãnh đạo bộ không thể nắm hết. Đề nghị điều chỉnh quy định, với các đơn vị sự nghiệp, nếu có tiết kiệm từ nguồn thu thì được tự quyết định và chịu trách nhiệm về các dự án của mình, bộ chỉ quản lý về chiến lược phát triển của các nhà trường", ông Lê Quân nói. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc - chủ tịch HĐND TP Hà Nội - cũng cho rằng nếu quy định quá cứng nhắc về thủ tục, thẩm quyền, nhiều dự án đầu tư công sẽ bị chậm trễ. Đặc biệt, nếu quy định tất cả các dự án đầu tư công cấp tỉnh đều phải trình ra HĐND quyết định, trong khi HĐND chỉ họp 2 kỳ mỗi năm thì sẽ xảy ra tình trạng dự án "xếp hàng" chờ phê duyệt. Bà Ngọc đề nghị trong thời gian HĐND không họp thì Thường trực HĐND được trao thẩm quyền quyết định các dự án thuộc thẩm quyền của TP, đầu tư bằng nguồn vốn của TP, và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Q.P Sửa luật không phải để quay lại với sự dễ dãi Trao đổi lại với đại biểu, bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định ưu điểm của Luật Đầu tư công năm 2014 là khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải với nhiều quyết định “vô tội vạ” diễn ra trước đó. “Giai đoạn 2011-2016 có hơn 20.000 dự án đầu tư công, nhưng giai đoạn này (2016-2020) chỉ có hơn 9.200 dự án, trong đó hơn 8.000 dự án giai đoạn trước chuyển sang, như vậy thực tế nhiệm kỳ này chỉ có 412 dự án mới”, bộ trưởng Dũng cho biết. "Nhiệm kỳ này chúng ta phần lớn giải quyết các dự án tồn tại từ trước, rất ít mở dự án mới. Trước đây có tình trạng nhiều dự án quyết định mà không có nguồn lực, nhiều dự án tăng vốn…, dẫn đến nợ đọng rất lớn". Theo bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một trong những nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua chậm là do các bộ, ngành, địa phương chưa quen với các quy định mới, đặt biệt là sự chặt chẽ của các thủ tục nhằm ngăn chặn sự “vung tay quá trán”. “Đang được quyết định rất thoải mái, khi siết chặt thì cũng gây sự khó chịu, vì phải thay đổi quán tính trong đầu tư công”, ông Dũng nói. “Sửa luật lần này không phải là để quay lại sự dễ dãi như trước, mà cái nào không phù hợp thì sửa, nhưng vẫn phải chặt chẽ. Nguyên tắc sửa lần này là phân cấp triệt để, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm”. Bộ trưởng đồng tình với đại biểu về việc phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dự án đầu tư công, đặc biệt là tiêu chí hiệu quả, để qua đó kiên quyết loại bỏ những dự án hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả. Luật sư Trương Trọng Nghĩa: "Nhiều doanh nghiệp không muốn chung chi, chỉ muốn đóng thuế minh bạch, đầy đủ" - Ảnh: B.D Doanh nghiệp muốn đóng thuế minh bạch nhưng cán bộ thuế gây khó dễ Thảo luận về Luật Quản lý thuế sửa đổi sáng 12-11, nhiều đại biểu chỉ ra nghịch lý hiện nay: Doanh nghiệp chỉ muốn đóng thuế một cách đầy đủ, minh bạch nhưng lại bị cán bộ thuế gây khó dễ, đòi phải chung chi. Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng tình trạng nợ thuế, trốn thuế đang ảnh hưởng nặng nề, khiến ngân sách bị hụt thu. "Nhưng đáng buồn hơn là việc cán bộ ngành thuế, vốn ăn lương Nhà nước, hưởng lương một phần từ nguồn thuế của dân và doanh nghiệp, nhưng lại cố tình đi tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế, điều này đã xảy ra hàng chục năm nay", ông Nghĩa nói. "Vừa rồi có doanh nghiệp tại TP Hải Phòng gửi thư cho Tổng Bí thư, có đề cập việc nhũng nhiễu, gây khó dễ này. Chủ trương phía trên thì thông suốt, ủng hộ doanh nghiệp nhưng phía dưới thì gây khó khăn". Theo ông Nghĩa, mục đích của việc cán bộ thuế bắt tay doanh nghiệp là nhằm thoả thuận chung chi, cũng có doanh nghiệp đồng tình, sẵn sàng "hợp tác" bởi điều đó có lợi cho họ. "Nhưng rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài, không muốn chấp nhận việc đó. Ngoài việc phải chấp hành luật ở Việt Nam, họ còn phải chấp hành luật của nước chủ quản, với những quy định về đạo đức kinh doanh hết sức khắt khe. Họ chỉ muốn được hướng dẫn thủ tục để đóng thuế, hoàn thành một cách minh bạch nhất nghĩa vụ tài chính đối với Việt Nam", ông Trương Trọng Nghĩa phản ánh. Do đó, đại biểu TP.HCM cho rằng dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi phải dành một chương để quy định trách nhiệm của cán bộ ngành thuế. "Phải nói cho rõ họ có trách nhiệm gì, quyền lợi gì, nếu làm sai thì bị xử lý như thế nào chứ không chỉ nói chung chung là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân....", ông Nghĩa đề nghị. Đồng tình quan điểm này, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho rằng phải quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý thuế, cán bộ làm công tác đốc thúc thuế. "Phải phân định rõ, cố gắng hạn chế tối đa những thủ tục hành chính rườm rà mà cán bộ thuế có điều kiện tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế các tiêu cực phát sinh", bà Châu nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .