Mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở (căn hộ du lịch condotel, biệt thự du lịch…). Đa số doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) và chuyên gia đều đánh giá đây là một động thái tích cực của cơ quan chức năng để mở đường cho các sản phẩm BĐS du lịch phát triển lành mạnh, minh bạch. DN BĐS: Đây là bước khởi đầu Việc condotel có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu chắc chắn sẽ tạo một nền tảng pháp lý ổn định, giúp các DN BĐS tự tin hơn trong việc triển khai dự án. Đồng thời, thận trọng và tính toán một cách kỹ càng hơn, từ đó hạn chế rủi ro tranh chấp với nhà đầu tư. Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển BĐS An Gia (An Gia Investment), cho biết các DN BĐS rất vui mừng trước văn bản này. “Tuy nhiên, đây chỉ khởi đầu. Chúng ta vẫn đợi văn bản hướng dẫn chi tiết tiếp theo của bộ để xem giải quyết cái cũ hay tạo tiền đề phát triển lâu dài cho loại hình này luôn” - ông Tín nói. Ông Tín cho biết hiện nay với loại hình condotel, đa phần DN BĐS lớn đã bán hết sản phẩm. Do đó, khi có văn bản hướng dẫn thì có thể giải quyết cấp sổ cho người mua, bớt đi tranh chấp, khiếu nại. Đồng tình, đại diện truyền thông của Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng dù văn bản mới là những hướng dẫn chung nhất nhưng cũng là tín hiệu tốt. Các DN cần bám sát bước đi tiếp theo của cơ quan chức năng. “Condotel chúng tôi phát triển nhiều ở các TP ven biển. Trước đây còn một số vướng mắc nên địa phương chưa biết xử lý ra sao. Hiệp hội BĐS cũng từng gửi kiến nghị nhiều lần. Theo văn bản mới này thì mọi chuyện đang dần đi theo hướng thuận lợi” - đại diện này nói. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra việc công nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư cá nhân khi mua condotel giúp cho các dự án được xây dựng đúng chất lượng, đúng giấy phép xây dựng. Nhà đầu tư cá nhân yên tâm về quyền sở hữu của họ khi mua sản phẩm. “Tuy nhiên, thị trường condotel khó tăng trưởng trong năm nay bởi dịch COVID-19 khi chưa được khống chế thì sẽ ảnh hưởng lớn đến du lịch” - ông Hiếu nói. Bàn về lâu dài, ông Hiếu dự đoán việc có hành lang pháp lý, thị trường minh bạch không chỉ kích thích DN xây dựng thêm các cơ sở lưu trú mà còn gia tăng sản phẩm cao cấp, đặc biệt trong phân khúc bốn, năm sao, điều mà du lịch nước ta còn đang thiếu. “Dù được phép cấp giấy khai sinh nhưng không phải dự án nào cũng đủ điều kiện. Vì vậy nhà đầu tư vào condotel vẫn phải thận trọng xem xét pháp lý, năng lực của chủ đầu tư…, nhất là ở thời điểm này” - ông góp ý. Nhà đầu tư condotel rất mong chờ loại hình BĐS này có được khung pháp lý rõ ràng. Ảnh: Q.HUY Vẫn còn nhiều điều cần lưu ý Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu quan điểm đây chưa phải là một văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là một văn bản mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ TN&MT cho Sở TN&MT các tỉnh, thành liên quan đến chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, chứng nhận công trình xây dựng không phải là nhà ở. Bộ chỉ đang hướng dẫn dựa trên cơ sở các quy định đã có như Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS. Văn bản nói trên chưa giải quyết triệt để được các tranh cãi liên quan đến công trình xây dựng không phải nhà ở lâu nay. Văn bản này chỉ thừa nhận quan điểm condotel là phòng khách sạn xây dựng theo kết cấu căn hộ chung cư nhằm mục đích kinh doanh du lịch. Do đó, condotel chính là căn hộ du lịch được quy định tại Điều 48 Luật Du lịch, mục đích sử dụng đất là thương mại - dịch vụ là điều không thể bàn cãi (tương ứng với mục đích sử dụng đất này thì thời hạn sử dụng đất là 50-70 năm tùy đặc thù từng dự án). “Vấn đề cốt lõi chúng ta quan tâm là Luật Đất đai hiện hành, mà luật này chưa quy định cụ thể về loại hình condotel nên chưa có chuyện cấp sổ đỏ như mọi người đang nhầm tưởng. Các chủ đầu tư không nên tưởng rằng Nhà nước đã đồng ý cấp sổ đỏ cho condotel” - ông Cường phân tích. Văn bản trên chỉ cho phép các sở TN&MT ở địa phương rà soát, nghiên cứu từng dự án để tiến hành việc cấp giấy chứng nhận theo quy định. Theo tinh thần đó có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, nếu các Sở TN&MT không nghiên cứu để vận dụng đúng thì sẽ làm cho pháp lý của các loại hình BĐS này thêm rối. Ví dụ, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình cho cả dự án (cấp cho chủ đầu tư) hay cấp cho từng căn hộ (cho bên nhận chuyển nhượng từ chủ đầu tư) cũng như các tiện ích đi kèm từng dự án để khai thác... là những vấn đề chưa được hướng dẫn rõ ràng. Bổ sung thêm, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu Global Home, chỉ ra văn bản của Bộ TN&MT vẫn thiếu hướng dẫn số phận của các BĐS ấy sau khi hết thời hạn sử dụng 50-70 năm sẽ ra sao. Chưa kể một vướng mắc của condotel hiện nay là tồn tại sự chồng chéo giữa các văn bản pháp lý. Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT thì loại hình condotel được thực hiện theo các văn bản quy định về du lịch, trong khi condotel vẫn đang bị quy định về chung cư ràng buộc. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), góp ý các văn bản của Bộ TN&MT, Bộ VH-TT&DL chỉ mới đề cập đến loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch mà chưa nói đến nhà phố du lịch còn gọi là boutique du lịch (không quá nhiều phòng) hoặc shoptel (dịch vụ mua sắm kết hợp khách sạn) trong các khu du lịch nghỉ dưỡng. HoREA kiến nghị bộ bổ sung Văn bản 703/TNMT-TCQLDD để hướng dẫn cấp sổ cho cả nhà phố du lịch. Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện “Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư” xác định khái niệm “căn hộ du lịch”, thay thế khái niệm “căn hộ lưu trú” để thống nhất với Luật Du lịch và đề nghị giải thích khái niệm “căn hộ du lịch” là “căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp, hoặc tòa nhà độc lập phục vụ mục đích cho thuê lưu trú …”. Đồng thời, kiến nghị Bộ VH-TT&DL xem xét đề xuất bổ sung loại hình nhà phố du lịch vào Điều 48 Luật Du lịch để thống nhất quản lý. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .