Có thể hình dung triết lý đó bằng một hệ thống luận đề gợi mở tư duy giáo dục, tìm câu trả lời cho những câu hỏi: ĐH là gì? Người dạy, người học ĐH là thế nào? Quan hệ giữa dạy và học ĐH, giữa dạy học ĐH với giáo dục ĐH? Những giá trị cốt lõi của ĐH, giáo dục ĐH? Những điều kiện tiên quyết để thực hiện. 5 luận đề về tinh thần đại học GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Ít nhất cũng có năm vấn đề, năm câu hỏi đặt ra, hợp thành nội dung của triết lý; tạo một nhận thức chung, phổ biến, từ đó giải quyết các vấn đề cụ thể, trong đời sống ĐH, phù hợp với những đặc thù từng trường trong lãnh đạo, quản lý, quản trị ĐH. Theo đó, điểm nhấn, bao trùm triết lý giáo dục ĐH được đề cập trong tham luận này là “Tinh thần ĐH”. Các cơ sở đào tạo ĐH, tức là các trường ĐH, dù khác nhau về quy mô, tầm vóc, ngành nghề, loại hình, về mức độ ảnh hưởng… song đã là thực thể ĐH, mang sứ mệnh giáo dục ĐH trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế thì đều phải tự biểu hiện và tự khẳng định mình theo tinh thần ĐH. “Tinh thần ĐH” cũng chính là “chuẩn hóa” giáo dục ĐH, dù mới trên phương diện định tính và cũng chỉ dừng ở định tính, đúng với tinh thần triết lý. Còn định lượng và lượng hóa những chuẩn định tính đó lại thuộc về những thao tác của quản lý Nhà nước và quản trị ĐH, trên một mức độ nào đó mang tính kỹ thuật và công nghệ giáo dục, nằm ở địa hạt thực hành, ứng dụng triết lý. 5 luận đề về tinh thần ĐH cũng được GS.TS Hoàng Chí Bảo đề cập: Luận đề 1: ĐH là đào tạo bậc cao, là bậc cao nhất trong hệ thống các bậc học của nền giáo dục quốc dân. ĐH có sứ mệnh đào tạo chuyên gia với nghĩa là người có chuyên môn, tốt nghiệp ĐH phải có năng lực làm việc trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Luận đề 2: ĐH tiếp nối phổ thông nhưng khác về căn bản so với phổ thông. ĐH phải có sự phát triển mới về chất so với phổ thông, đặc biệt là trình độ và phương pháp tư duy sáng tạo. Luận đề 3: Đào tạo ĐH cũng là đào tạo nghề nhưng là đào tạo cao cấp về nghề, tính chuyên nghiệp phải cao, tính chuyên môn hóa phải sâu. Đòi hỏi này được đặt ra với cả thầy và trò. Luận đề 4: Môi trường ĐH, từng trường ĐH đến cả hệ thống ĐH phải là môi trường nuôi dưỡng và kích thích tự do sáng tạo, thực sự dân chủ trong giao lưu, tiếp xúc, đối thoại, thảo luận, tranh luận về học thuật, chuyên môn và tư tưởng. Luận đề 5: ĐH là nơi thể hiện rõ rệt và sâu sắc nhất sự kết hợp hữu cơ giữa giáo dục - đào tạo với khoa học - công nghệ. Trong giáo dục - đào tạo có khoa học - công nghệ, trong khoa học - công nghệ có giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục – đào tạo. Sự gắn liền mật thiết giữa giáo dục – đào tạo với khoa học – công nghệ đòi hỏi trường ĐH không chỉ là cơ sở đào tạo nên các trí thức, chuyên gia tương lai theo định hướng nghề nghiệp của mình, mà còn phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo đặc trưng và thế mạnh của mỗi trường, hoặc nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu ứng dụng. Giảng dạy với tư cách nhà khoa học GS Hoàng Chí Bảo. Giảng viên ĐH phải giảng dạy với tư cách nhà khoa học, không chỉ biểu hiện ở bằng cấp, học vị, học hàm mà phải là người thực sự nghiên cứu, có công trình nghiên cứu ở lĩnh vực chuyên sâu mà mình giảng dạy. GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, tinh thần ĐH đòi hỏi, người giảng viên ĐH với tư cách nhà khoa học cần phải đem vào trong mỗi bài giảng của mình những tư tưởng khoa học, giúp cho sinh viên nhận ra trong mỗi bài giảng của thầy những ý tưởng sáng tạo, những cái mới trong phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và phương pháp trình bày kết quả nghiên cứu. Đó không chỉ là truyền thông tin về tri thức khoa học mà còn là truyền cảm hứng về trí tuệ, cả niềm say mê học thuật, phương pháp và phong cách, tư tưởng và đạo đức trong lao động khoa học, trong đời sống tinh thần mà qua đó người thầy tác động tới sinh viên, ảnh hưởng tới sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của họ. “Chất lượng giáo dục - đào tạo ĐH được quyết định một phần lớn và chủ yếu từ chất lượng đội ngũ giảng viên. Chất lượng dạy học là cốt lõi của chất lượng giáo dục. Hoạt động dạy học trực tiếp diễn ra trên giảng đường. Hoạt động giáo dục rộng lớn hơn về nội dung, đa dạng hơn về phương pháp, bao quát nhiều hơn các mối quan hệ, chứ không chỉ có quan hệ thầy – trò, diễn ra trong và ngoài nhà trường, gắn với xã hội và cộng đồng, làm nên sự phong phú của đời sống ĐH. Chất lượng giáo dục ĐH lấy chất lượng dạy học làm tiêu điểm, đồng thời chú trọng đến tác dụng và hiệu quả của mọi hoạt động có tính giáo dục trong đời sống ĐH để thúc đẩy chất lượng dạy học và phục vụ chất lượng đào tạo mà sản phẩm chính là con người – người sinh viên, từ khi vào trường đến khi tốt nghiệp” - GS.TS Hoàng Chí Bảo cho hay. Cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH, theo GS Hoàng Chí Bảo, tập thể lãnh đạo, quản lý trường ĐH mà hiệu trưởng là người đứng đầu phải quan tâm tới sự phát triển của trường với nội dung toàn diện, không chỉ tiềm lực khoa học, thương hiệu đào tạo, mà còn là chất lượng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo dức, nhân cách cho sinh viên mà đạo đức, nhân cách của giảng viên phải thực sự là tấm gương cho sinh viên noi theo… “Sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và giáo dục ĐH đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội, trong đó nỗ lực và chủ động, sáng tạo của đội ngũ giảng viên ĐH, đội ngũ các nhà quản lý giáo dục ĐH là một nhân tố quan trọng”. GS Hoàng Chí Bảo Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .