Làm việc tại một trường mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), cô Lê Kim Thu được trả lương khoảng 7 triệu đồng/tháng với thời gian làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày, đều đặn từ thứ Hai - thứ Bảy. Tuy nhiên, từ sau Tết, cô không được trả lương và không được đóng bảo hiểm xã hội do học sinh nghỉ học, trường không đủ nguồn thu cho dù các cô vẫn đến dọn dẹp trường lớp, thông báo lịch nghỉ học cho cha mẹ học sinh. Cuối tuần nào cũng theo dõi lịch đi học trên báo chí và lại hụt hẫng khi lịch nghỉ vẫn tiếp tục kéo dài. “Không được nhận trẻ tại trường học, tôi đến tận nhà học sinh để trông trẻ, kèm thêm phụ giúp việc nhà theo giờ để kiếm thêm thu nhập”, cô Thu cho biết. Cô Nguyễn Thu Huệ, giáo viên hợp đồng tại quận Đống Đa chia sẻ: Những ngày học sinh nghỉ học, các cô giáo chỉ nhận được một phần rất nhỏ gọi là tiền giữ chân giáo viên. Do vậy, tôi cùng nhiều giáo viên khác trong trường phải xoay xở nhiều công việc để có thêm thu nhập, từ việc bán hàng online đến đi dọn dẹp nhà theo giờ. Đây là những việc thu nhập không cao, chỉ là giải pháp tình thế để sống qua mùa dịch. Dạy học 10 năm, chưa bao giờ cô Trần Thị Ngọc (quận Hà Đông) rơi vào hoàn cảnh “bi đát” như bây giờ. Nhiều nhóm lớp sẽ giải thể, cắt giảm nhân viên, trường công lập thì khó có cửa vào. Mất việc, các giáo viên không biết làm thế nào trong thời gian tới. “Mọi chi phí sinh hoạt trông cả vào thu nhập của chồng nên phải tính trước, tính sau”, cô Ngọc cho hay. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .