Công ty Thiết kế web

Hàng trăm triệu đồng một mét vuông đất, vẫn hiến tặng mở hẻm

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi truonghuong, 30/11/18.

  1. truonghuong

    truonghuong Active Member

    [​IMG]


    Từ con hẻm nhỏ chưa đầy 1,5m, hẻm 85 Rạch Bùng Binh (Q.3, TP.HCM) được người dân hiến đất mở rộng thoáng mát - Ảnh: TIẾN LONG


    Bằng cách kêu gọi người dân hiến đất, nhiều con hẻm lúc trước chỉ rộng 1,2 - 1,4m, ngoằn ngoèo, nay được mở rộng, nắn thẳng. Ở những con hẻm đó, một số người dân tại phường 9, quận 3 như ông Lê Văn Nguơn (86 tuổi, hẻm 57 Nguyễn Thông), bà Hàn Thị Điểm (86 tuổi, hẻm 85 Rạch Bùng Binh) đã tiên phong hiến đất mở hẻm. Cuộc đổi đời của nhiều hẻm nhỏ xuất hiện khi tấm băngrôn "Ngày hội hiến đất mở hẻm" được treo lên.

    Lẽ ra chuyện này phải làm lâu rồi

    * Đất ở quận 3 hiện trong hẻm sâu ít nhất cũng 80-100 triệu/m2, hiến chục mét vuông đất tính ra cũng gần nửa tỉ đồng, động lực nào khiến người dân mình vẫn tình nguyện hiến đất, thưa cô chú?

    - Bà Hàn Thị Điểm: Trước đây hẻm này là ruộng ao rau muống, về sau người ta san lấp, mở các đường lớn Rạch Bùng Binh, Hoàng Sa chạy ngang hẻm. Từ đây, người dân cũng quần tụ về ngày một đông. Do lúc trước quản lý lỏng lẻo, nhà càng mọc lên hẻm càng hẹp lại. Nhiều ngôi nhà lấn chiếm nằm chắn cả lối đi làm hẻm gãy khúc, ngoằn ngoèo.

    Ba lần sửa, nâng cấp, đường hẻm cũng chỉ rộng chừng 1,2 - 1,4m. Phía ngoài đường lớn mở ra, xe cộ tấp nập nhưng trong hẻm vẫn ẩm thấp, đến ánh nắng lọt vào cũng khó. Dân trong hẻm này chịu đựng cuộc sống như vậy hơn 30 năm.

    Những vụ cháy nhà liên tục xảy ra làm người dân sống trong hẻm bất an. Năm nào cũng xảy ra một, hai vụ cháy nhà. Hẻm nhỏ, xe cứu hỏa chạy đến chỉ dừng đầu hẻm, kéo được vòi nước vào, nhà dân cũng đã cháy tan tành. Có đêm người dân đang ngủ nghe hô hoán báo cháy bật dậy la hét, gọi nhau thoát thân. Lực lượng chữa cháy 10 phút sau đã có mặt nhưng chỉ đứng đầu hẻm, rồi xúm nhau dọn hẻm mới kéo ống vào được. Mất cả tiếng mới dập được lửa.

    Vì vậy, vừa nghe phường nói hiến đất làm hẻm gần như 100% dân hẻm này đồng thuận. Hồi đó dân biết 1m2 đất khoảng 80 triệu đồng, chứ vài ba trăm triệu dân ở đây cũng sẵn sàng hiến. Có nhà diện tích đất hiến tính ra giá hơn cả tỉ bạc cũng không ngại ngần.

    - Ông Lê Văn Nguơn: Hồi trước hẻm này rộng 5m, dân còn buôn bán, mở hàng quán. Sau này, người ta cứ lấn riết rồi hẻm bé tẹo. Có căn nhà giữa hẻm "phóng" bức tường ra bóp lối đi hẻm còn khoảng 1m, giờ có chủ trương mở hẻm mới bị phá dỡ.

    Con hẻm nhỏ thó cứ như lòng địa đạo, cả xóm sống giữa thành phố mà cứ như vùng sâu vùng xa. Người đau ốm phải khiêng từ hẻm ra đường xe cấp cứu mới chở đi được; xây nhà dùng xe rùa đẩy từng thúng cát, gạch; đám cưới không có chỗ dựng rạp; ma chay phải cử bốn người sức vóc khiêng quan tài ra đầu hẻm... Khổ cực chất chồng, con trẻ cưới nhau thuê phòng sống cho thoải mái, bỏ lại con hẻm toàn những người lớn tuổi.

    Nhìn cảnh đó không hiến đất mở rộng hẻm nhanh nhanh nghĩ sao đặng. Lẽ ra chuyện này phải làm lâu rồi.

    [​IMG]


    Việc mở rộng, nâng cấp hẻm 55 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM được vận động với mô hình Ngày hội hiến đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH


    Không lý lẽ nào đúng bằng lợi ích cộng đồng

    * Gắn bó lâu năm cùng con hẻm, cô chú mới hiểu được ý nghĩa, lợi ích của một con hẻm rộng rãi để tiên phong hiến đất. Nhưng đâu phải ai cũng có được suy nghĩ, sự đồng thuận ngay từ đầu?

    - Bà Hàn Thị Điểm: Hẻm mở gần 2 năm nhưng vẫn còn vài hộ chưa đồng thuận hiến đất. Họ cho rằng nhà họ thuộc mặt tiền đường khác nên việc hiến đất phía sau đuôi nhà không có ích lợi gì. Người ngoài hẻm so sánh với người trong hẻm, rồi người lề trái phân bua với người lề phải sao chỗ này lấy nhiều, chỗ kia thụt vào ít. Nghe có lý nhưng ngẫm nghĩ về lợi ích chung thì có thể họ sẽ nghĩ lại.

    Như tui nếu không tận mắt chứng kiến cảnh nhà hàng xóm ngụt cháy, không thấy cảnh đau đớn nhìn người chết cháy đen đưa ra từ những căn nhà tan hoang sau hỏa hoạn, không thấy cảnh xe cứu hỏa hú còi inh ỏi cách nhà cháy vài ba trăm mét nhưng bất lực... có thể tui cũng không nhanh chóng đồng thuận như vậy.

    - Ông Lê Văn Nguơn: Có dự những buổi họp mới hiểu cái khó khi vận động người dân hiến đất mở hẻm. Không phải ai cũng vui vẻ hiến đất. Mỗi hộ không đồng thuận có lý lẽ riêng của mình. Từng bỏ hàng tỉ đồng mua đất, họ muốn được bồi thường.

    Trong xóm có người không chịu hiến bởi 5m2 đất ấy tương đương với nửa tỉ đồng. Số tiền đó đủ mua một miếng đất ở vùng ven. Lý lẽ ấy không sai bởi chuyện hiến đất là tự nguyện.

    Nhưng không lý lẽ nào đúng bằng lợi ích cộng đồng. Đường hẻm chật chội kéo theo bất an về hỏa hoạn, sinh hoạt cưới hỏi, ma chay hay lỡ có người bệnh đưa đi cấp cứu trong hẻm cũng chật vật, khó khăn. Bức bí bởi vậy, mở rộng một con hẻm đôi khi còn làm đổi đời, đổi tâm trạng cho cả những người dân sinh sống trong sự tù túng.

    [​IMG]


    Bà Hàn Thị Điểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH


    Người dân "lời" đủ thứ

    * Hiến đất mở rộng hẻm cũng như chuyện người dân bỏ ra một khoản đầu tư, liệu sự đầu tư này có hiệu quả?

    - Bà Hàn Thị Điểm: Sống ở đây 60 năm, tính đến nay đã bốn lần mở rộng hẻm, nhưng đến lần này nhìn con hẻm rộng thoáng, người dân ngồi hóng mát tui ưng bụng lắm. Hẻm rộng, đèn đường, điện âm, cống thoát nước, đường dẫn nước sạch kéo về từng nhà dân. Giờ hẻm không còn ẩm thấp, nước sình ngập mỗi lần mưa trút xuống.

    Vui nhất là hẻm mở rộng, người dân được xin giấy phép xây dựng nhà lầu kiên cố. Nhà gỗ nhà sàn bị tháo dỡ dần, nhà phố kiên cố dần mọc lên, không còn cảnh cháy nhà liên tục như xưa.

    Hai năm nay, ngày tết cả xóm cắm cờ Tổ quốc đỏ rực từ đầu đến cuối hẻm. Trước nhà có chỗ dựng xe thông thoáng, người thân cũng không ngần ngại đến chúc tết. Rồi nhà dân có cưới hỏi, ma chay cũng dựng rạp được trong hẻm. Hẻm rộng, cuộc sống của người dân cũng thoáng ra, "tấc vàng" được hiến quá xứng đáng.

    - Ông Lê Văn Nguơn: Hiện giờ, chuyện mở hẻm có người đồng thuận người chưa. Chính quyền vẫn đang làm cuốn chiếu, nhà nào đồng thuận làm trước, chưa đồng thuận thì tiếp tục vận động.

    Vừa rồi thấy căn nhà lâu nay nằm chình ình chắn hẻm được tháo dỡ, một số nhà được cắt gọt thụt lùi vào, hẻm từ từ rộng ra đã thấy diện mạo con hẻm chuyển mình thay đổi. Hẻm mở ra rộng rãi chắc chắn khu phố sẽ đẹp, con cháu cũng có không gian vui chơi. Mở xong hẻm, khu đất thoáng, nhà cửa khang trang, giá trị căn nhà tự nó tăng cao. Vì vậy, hiến đất mở hẻm người dân lãi đủ thứ, lãi bền vững.

    * Ở quận 3 còn hàng trăm con hẻm nhỏ, chật chội cần được hiến đất mở rộng, sự đồng thuận của người dân rất quan trọng, quyết định thành bại của chủ trương này. Theo chú, phải làm sao để người dân nào cũng hiểu và đồng tình?

    - Ông Lê Văn Nguơn: Nhiều con hẻm chật chội như hiện nay có một phần lỗi do chính quyền quản lý không chặt, nhà lấn hẻm không giải quyết ngay từ đầu. Ngay cả hiện nay nhiều nhà dân ngang nhiên xây nhà lấn chiếm hẻm cũng chưa được xử lý nghiêm. Người dân cũng đặt câu hỏi: Trong khi mình hiến đất giá trị trăm triệu đến hàng tỉ mở hẻm thì nhiều người lại xà xẻo từng mét "đất vàng" cho mình, vậy có công bằng hay không?

    Không phải ai cũng thấy lợi ích mà đồng tình ngay. Vì vậy, ngoài chuyện kiên trì thuyết phục, chính quyền cũng cần phải cho người hiến thấy được sự thống nhất, công bằng. Việc vận động người dân hiến đất khi ấy sẽ bớt gian nan.

    [​IMG]


    Ông Lê Văn Nguơn và vợ vui vẻ nói về chuyện hiến đất mở hẻm - Ảnh: TIẾN LONG


    * Ông NGUYỄN NGỌC BÌNH (phó chủ tịch UBND phường 9, quận 3, TP.HCM):

    Việc tìm kiếm sự đồng thuận tuyệt đối từ người dân là không dễ. Đất quận 3 tính tấc thành tiền, sự tiếc nuối, xót của hiển nhiên phải có.

    Hẻm 57 Lý Chính Thắng nối thông ra hẻm 272 Nguyễn Thông, phường 9 (Q.3) có 42 hộ nhưng mới có 30 hộ đồng thuận, 12 hộ còn lại chưa đồng ý. Tổ vận động vẫn đang kiên trì, một mặt tiếp tục vận động dân hiến đất, một phần tháo dỡ những nhà đã đồng thuận. Hi vọng người dân chưa đồng thuận thấy hẻm mở rộng, nhiều lợi ích, từ từ sẽ đồng ý hiến đất.

    Sau hẻm 85 Rạch Bùng Binh, hẻm 57 Nguyễn Thông, UBND phường sẽ tiếp tục tính toán mở rộng các hẻm khác.

    [​IMG]


    Đồ họa: V.CƯỜNG


    Cần có giải pháp tăng động lực cho người dân

    * Ông ĐỖ MINH LONG (trưởng Phòng quản lý đô thị quận 3):

    Kiên trì vận động người dân đồng thuận

    Chủ trương kêu gọi người dân hiến đất mở hẻm ở quận 3 có từ nhiệm kỳ 2005-2010 nhưng do ngân sách hạn hẹp nên thời kỳ đó mở được ít hẻm và có gián đoạn một thời gian. Đến nhiệm kỳ 2015-2020, xác định việc mở rộng hẻm có nhiều cái lợi, cả về giao thông, phòng cháy chữa cháy và phát triển kinh tế hẻm nên quận đẩy mạnh lại chương trình.

    Quận đặt ra chỉ tiêu mở rộng 28 hẻm cho suốt nhiệm kỳ nhưng mới hết năm 2018 đã có 23 hẻm được mở. Do vậy, vừa rồi HĐND quận bỏ phiếu tăng chỉ tiêu lên thêm 9 hẻm, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành mở rộng tổng cộng 37 hẻm.

    Việc mở rộng hẻm không hề đơn giản, 1m2 đất ở quận 3 không hề rẻ, hẻm nhỏ cả trăm triệu đồng, hẻm lớn giá 200 triệu đồng/m2. Nhiều hộ dân hiến đất phải mất gần tỉ đồng. Có nhà diện tích nhỏ nếu hiến sẽ giảm diện tích sử dụng. Chưa kể, nhiều nhà xây dựng kiên cố để tháo dỡ ảnh hưởng đến kết

    cấu nhà.

    Đủ thứ khó khăn nên để người dân đồng thuận hết là cả một quá trình vất vả. Thường phải mất ít nhất 2 năm mới mở rộng được một hẻm. Khó nhất là những hộ đầu hẻm, lợi ích nhận được không nhiều nhưng phần đất phải hiến chạy dọc ngôi nhà nên họ chịu thiệt rất lớn. Một số vị trí nhà, quận tính phương án hoán đổi chỗ khác để chủ nhà đỡ bị thiệt nhưng hiện vẫn chưa đạt được đồng thuận. Cần phải đàm phán thêm để công tác mở rộng hẻm đạt hiệu quả.

    * TS NGUYỄN MINH HÒA (Trường đại học KHXH&NV TP.HCM):

    [​IMG]


    TS NGUYỄN MINH HÒA (Trường đại học KHXH&NV TP.HCM)


    Thưởng cho dân

    Khi hiến đất mở rộng hẻm, người dân đã phải chịu mất đi phần đất của gia đình, bởi vậy chính quyền cần có chính sách thưởng cho người dân.

    Cụ thể, có thể cho người dân hiến đất được xây nhà có tầng cao hơn số tầng hiện có. Việc này sẽ làm tăng phần diện tích sử dụng của các hộ dân. Ngoài ra, khi hẻm được mở rộng, nếu hộ dân xây nhà mới thì chỉ nên lùi tầng trệt đồng thời nâng chiều cao tầng trệt để đảm bảo xe cứu hỏa ra vào được. Còn từ tầng hai trở lên nên cho họ xây vươn ra phần diện tích đất đã hiến. Như vậy người dân sẽ dễ đồng tình hơn.

    Mặt khác, việc mở hẻm không nên làm đại trà ở tất cả loại hẻm, mà chỉ nên lựa chọn những hẻm trục, nối thông các trục đường. Không nên mở các hẻm nhánh, hẻm cụt nhỏ tránh xáo trộn đời sống người dân. Việc mở hẻm cũng phải tìm hiểu nhu cầu của người dân, khi đó sẽ dễ nhận được sự đồng thuận cao.

    T.LONG - T.MAI ghi


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này