Khó khăn trước mắt Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, trung bình mỗi năm TP đưa vào sử dụng hàng nghìn phòng học mới, riêng năm học 2019 - 2020, con số đó khoảng 1.500. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tăng quá nhanh, tập trung ở một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, làm ảnh hưởng đến việc tổ chức học 2 buổi/ngày. Năm học vừa qua, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày toàn TP chỉ khoảng 71%. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa các cấp học và khu vực trên địa bàn lại có sự khác nhau. Tại quận 12, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở tiểu học là hơn 21% và THCS là 20%. Tương tự tại quận Bình Tân, tỷ lệ học 2 buổi/ngày của toàn quận đạt từ 30 - 40%, tại quận Tân Bình đạt khoảng 70%... Theo các nhà quản lý, việc triển khai học 2 buổi/ngày đối với các trường chính là ngoài thời gian học chính khóa bảo đảm chương trình của Bộ GD&ĐT, các em có cơ hội để học kỹ năng sống, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, chuyên đề… tăng tính thực hành, thực tiễn, góp phần đẩy mạnh chất lượng giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên, việc triển khai này phải đảm bảo về cơ sở vật chất, cụ thể là phòng học, trang thiết bị dạy học, đội ngũ và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Chỉ tính riêng huyện Bình Chánh, với quy mô dân số hơn 700.000 dân, để đáp ứng yêu cầu 300 phòng học/10.000 dân, từ nay đến năm 2020, huyện cần đầu tư mới 2.000 phòng học. Tuy nhiên, việc xây dựng trường lớp còn gặp không ít khó khăn do vướng về thu hồi quỹ đất. Báo cáo của Sở GD&ĐT TP cho thấy, để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra đến cuối năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, số phòng học cần bổ sung từ nay đến năm 2020 khoảng 7.000 phòng, mới có thể đảm bảo nhu cầu về phòng học cho người dân. Trong đó, bậc mầm non có nhu cầu bổ sung cao nhất với 3.440 phòng, kế đến là tiểu học với 2.506 phòng, hai bậc THCS và THPT cần bổ sung hơn 1.000 phòng học. Thêm vào đó, để 100% học sinh lớp 1 trong năm học 2020 - 2021 được học 2 buổi/ngày, có sĩ số theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ tính riêng bậc tiểu học cần bổ sung thêm 1.039 phòng. Tại Hà Nội, những năm qua đã triển khai việc dạy học 2 buổi/ngày tại những trường có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ. Năm 2019, thành phố có 168 trường THCS có 100% số lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ 27%. Ngoài ra còn nhiều trường có một số lớp dạy học 2 buổi/ngày. Tổng số HS được học 2 buổi/ngày của toàn thành phố đạt 32%, tăng 4% so với cùng kỳ năm học trước. Trong quá trình thực hiện cho thấy, khó khăn lớn nhất thuộc về các trường THCS và THPT, nhất là các lớp cuối cấp. Tại Trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) thời khóa biểu HS lớp 6, lớp 7 chỉ khoảng 25 tiết/tuần nên có khả năng thực hiện được việc ngày thứ 7. Tuy nhiên, việc thực hiện nghỉ ngày thứ Bảy đối với các khối lớp 8 và lớp 9 không dễ dàng do HS học khoảng 30 tiết/tuần, rất khó sắp xếp thời khóa biểu. Nghỉ ngày thứ Bảy là mong muốn không chỉ của GV, HS mà cả phụ huynh. Ảnh minh họa/ INT Ưu tiên ngân sách, quỹ đất cho giáo dục “Nói không” với việc học chính khóa vào ngày thứ Bảy, Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) tổ chức các hoạt động thể chất, ngoại khóa theo sở thích của HS nên hiệu quả học tập của các em rất cao. Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết: Lâu nay, nhà trường áp dụng việc nghỉ học thứ Bảy cho HS. Để làm được điều này, đòi hỏi Hội đồng giáo dục nhà trường phải xây dựng một kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ. HS THPT không phải học ngày thứ Bảy là khả thi nếu thực hiện những giải pháp đồng bộ kèm theo như đổi mới sách giáo khoa theo cách giảm tải, cải tiến cơ sở vật chất nhà trường. Liên quan vấn đề đầu tư, xây dựng, mở rộng trường lớp, tại cuộc họp về thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới và đầu tư xây dựng trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2020 - 2025, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Ngành Giáo dục đang xây dựng kế hoạch về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu cho Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai. Sở cũng đưa ra một số giải pháp như kiến nghị, các quận, huyện thường xuyên rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học ở các cấp học để có các giải pháp kịp thời trong bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học nhằm đảm bảo mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân số. Đối với các quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, hoặc trong quá trình đô thị hóa cao, khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số cao, tỷ lệ 2 buổi/ngày thấp, cần kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập cư, tránh làm vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, đề xuất đầu tư phát triển theo phương án liên phường, bố trí theo địa bàn khu vực. Đề nghị các quận, huyện lập kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định 02/2003 của UBND TP, định hướng đến năm 2025 phù hợp với tình hình mới về phát triển kinh tế - xã hội ở từng quận, huyện. Còn đối với các cơ sở, để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng cho việc thực hiện chương trình mới, việc ưu tiên cho lớp 1 được đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên, về sĩ số đảm bảo 35 học sinh/lớp là khó thực hiện. Cần quan tâm xem xét, điều chỉnh các quy định về quy hoạch đất cho cơ sở giáo dục để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập các trường ngoài công lập và đẩy mạnh việc ban hành các chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .