Khi hướng nghiệp chưa gắn với thực tế Hàng năm ở Việt Nam có hàng triệu học sinh (HS) tốt nghiệp THPT và trên dưới 1,5 triệu HS tốt nghiệp THCS. Đa số HS tốt nghiệp THCS có nguyện vọng theo tiếp lên THPT và đa số HS tốt nghiệp THPT đăng kí thi vào đại học. Tuy nhiên, không phải tất cả HS đều đạt được nguyện vọng do điều kiện gia đình, học lực của bản thân và hoàn cảnh không cho phép. Một bộ phận HS sẽ theo học nghề tại trường công nhân kĩ thuật, trung cấp nghề, cao đẳng nghề hoặc trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp. Khoảng 50 - 60% số HS không thi đỗ vào ĐH trở về địa phương tham gia lao động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với các kĩ năng giản đơn hoặc làm việc như những lao động bình thường. Và thực tế, nhiều em gặp lúng túng trong mưu sinh, kiếm sống và khó hòa nhập do “học chẳng hay, cày chẳng biết”. Có thể thấy, những hạn chế trong công tác hướng nghiệp dẫn tới hệ quả HS không hứng thú với hoạt động hướng nghiệp. Nhiều em dù đã tham gia hoạt động hướng nghiệp từ lớp 9 rồi tiếp tục lớp 10, 11, 12 nhưng chưa có ý niệm rõ ràng về ý nghĩa cũng như cách thức hướng nghiệp cho bản thân. Các năng lực hướng nghiệp như tìm hiểu bản thân, nghề nghiệp, lập kế hoạch nghề nghiệp còn hạn chế. Theo ThS Trần Thị Thu Hương – Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT), nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên do hiệu quả các hoạt động hướng nghiệp để phân luồng HS sau THCS, THPT ở nước ta còn thấp. Việc hướng nghiệp vẫn chủ yếu mang tính chất sách vở, hàn lâm, hình thức. Nội dung giáo dục hướng nghiệp chưa gắn kết với các môn học và các hoạt động trong nhà trường, chưa gắn với thực tiễn lao động sản xuất của địa phương. Mặt khác, trong các giờ hướng nghiệp, GV chủ nhiệm chủ yếu tập trung vào việc truyền thụ các nội dung có trong sách. GV cơ bản hướng nghiệp trong lớp học, không tổ chức cho HS trải nghiệm và hoạt động thực tiễn cũng như gắn kết được với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Ảnh minh họa/INT Hướng đi mới Thầy Đỗ Quang Tám – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 huyện Bảo Thắng – Lào Cai khẳng định: Hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương là hướng đi tích cực, hiệu quả đối với các nhà trường. Với gần 1.000 HS, công tác hướng nghiệp trong nhiều năm qua đã được nhà trường đẩy mạnh cho HS từ khối 10 và liên tục đến khối 11, 12 với các nội dung gắn với thực tiễn sản xuất. Thầy Đỗ Quang Tám chia sẻ: Trường học ở vùng nông thôn nên phụ huynh HS thường mong muốn con em mình sau tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học lên đại học hoặc học nghề phải chọn những nghề “làm thầy” chứ không làm thợ. Chính vì vậy, lựa chọn nghề của nhiều HS không phù hợp với năng lực, cũng như nhu cầu nhân lực tại địa phương. Trong thực tế từng có tình trạng, một xã có tới 120 HS học nghề sửa xe máy. Khi tốt nghiệp, các em không tìm được việc làm tại địa phương bởi thợ nhiều hơn việc. Bản thân gia đình cũng không có điều kiện kinh tế để mở cửa hàng cho các em làm nghề. Nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ bắt HS theo học ĐH nhưng các em lại mong muốn và quyết tâm theo học nghề nấu ăn. Nhà trường đã phải mời cha mẹ các em lên trường làm công tác tuyên truyền, giải thích để gia đình ủng hộ sự lựa chọn nghề nghiệp của con em mình. Sau khi HS này ra trường đã kiếm được công việc ổn định có thu nhập cao bởi ngành du lịch ở Lào Cai đang phát triển, nhu cầu tuyển người biết nghề nấu ăn tăng cao, số người được đào tạo đúng nghề lại thiếu. Thầy Đỗ Quang Tám cũng cho biết: Thời gian gần đây, công nghiệp ô tô khá phát triển tại địa phương, nắm bắt được điều đó, nhà trường sớm định hướng nghề nghiệp cho HS. Trường mời các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo cùng trao đổi về nghề nghiệp với HS, giúp phụ huynh HS và HS hiểu đúng về nghề, năng lực bản thân, tin tưởng vào sự định hướng nghề nghiệp của nhà trường để chọn nghề phù hợp. Chính vì vậy, số HS sau khi ra trường kiếm được việc làm đúng nghề đã học, có thu nhập ổn định cũng tăng lên đáng kể. Hiệu quả của hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh ở các địa phương qua thực tế đã được ghi nhận. Tuy nhiên, các nhà trường cần hướng nghiệp như thế nào, và bằng cách nào để hiệu quả lại là cả vấn đề. ThS Trần Thị Thu Hương – Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) chỉ ra: Hướng nghiệp không phải chỉ là nhiệm vụ của hoạt động giáo dục hướng nghiệp mà là nhiệm vụ của cả các môn văn hóa, trong đó có môn Công nghệ, của hoạt động giáo dục nghề phổ thông và các hoạt động tham quan, ngoại khóa. Hướng nghiệp gắn với thực tiễn lao động sản xuất, kinh doanh của địa phương đạt hiệu quả đến đâu tùy thuộc vào nội dung, phương pháp, hình thức gắn kết các con đường hướng nghiệp với thực tiễn lao động sản xuất. ThS Trần Thị Thu Hương đưa ra đề xuất để hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương đạt hiệu quả là nhà trường cần xây dựng các chủ đề theo hướng phát triển các năng lực hướng nghiệp cho HS. Chẳng hạn như chủ đề tìm hiểu bản thân và các yếu tố tác động/ảnh hưởng tới việc chọn hướng đi, chọn ngành nghề của HS; Tìm hiểu nghề nghiệp; Xây dựng kế hoạch nghề nghiệp… Cùng đó, nhà trường cũng cần dựa vào nhu cầu học nghề của HS và thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương để xác định các chủ đề dạy nghề phổ thông sao cho thiết thực và phù hợp với nhu cầu lao động ở địa phương. Đức Trí Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .