Thủ khoa đầu vào chọn ĐH tư thục Với 26,2 điểm cho 3 môn thi, Nguyễn Châu Phát nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin (CNTT), Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) và trở thành thủ khoa đầu vào. Phát vinh dự nhận dược học bổng trị giá 100% học phí toàn khóa học. Nguyễn Châu Quyền – anh trai song sinh của Nguyễn Châu Phát cũng đăng ký xét tuyển vào ngành CNTT với số điểm 23,1 và lọt vào top 48 SV được nhận học bổng bán phần. Ít ai biết rằng, trước Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, gia đình Phát – Quyền phải gánh chịu nỗi đau mất người thân khi ba của 2 em qua đời vì tai nạn giao thông. Suất học bổng của 2 anh em, vì vậy, ngoài khích lệ tinh thần, còn là sự hỗ trợ tài chính có ý nghĩa để các em yên tâm theo đuổi con đường học vấn. Chia sẻ về lý do chọn trường tư thục với mức học phí cao trong khi số điểm xét tuyển đủ “mở cửa” trường ĐH công lập, Phát cho biết: “Em thích học chuyên sâu về đồ họa nhưng do không có điều kiện luyện thi môn Vẽ nên không thi vào khối H và V được. Khi tìm hiểu chương trình học của một số trường công lập có ngành CNTT, em chọn Trường ĐH Đông Á vì phần đồ họa chiếm thời lượng nhiều”. Ý thức rõ điều kiện kinh tế của gia đình khó khăn, Quyền và Phát xác định sẽ phải đạt mức điểm xét tuyển đủ để được học bổng toàn phần giúp giảm bớt gánh nặng học phí. Tuy nhiên, mức học bổng khủng chưa phải là điều mà hai anh em sinh đôi người Phú Yên nhắm tới, mà xa hơn là cơ hội đi học ở Nhật Bản khi trở thành SV ĐH Đông Á. TS Lương Minh Sâm – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á chia sẻ: “Đích đến của nhà trường là tạo môi trường để SV hội nhập, làm việc tốt trong môi trường quốc tế”. Với chiến lược đó, ĐH Đông Á ký kết với hàng chục đối tác để tiếp nhận SV quốc tế sang trao đổi, giao lưu và tham gia chương trình thực tập nghề nghiệp 1 năm (internship) đồng thời cử SV ĐH Đông Á ra nước ngoài giao lưu và thực tập. Tính đến tháng 12/2019, có 801 SV ĐH Đông Á tham gia giao lưu SV quốc tế và internship tại các doanh nghiệp nước ngoài. Riêng tại Nhật Bản, SV được hưởng mức lương thực tập nghề nghiệp 1.500 USD/tháng và 2.200 - 2.500 USD/tháng đối với SV đã tốt nghiệp đi làm. Các chương trình giao lưu SV quốc tế khám phá nền văn hóa khác nhau, trau dồi kỹ năng, ngoại ngữ đến thực tập nghề nghiệp 1 năm tại doanh nghiệp nước ngoài là bước khởi đầu thuận lợi cho SV ĐH Đông Á đi làm việc ở Singapore, Nhật, Đức, Đài Loan... theo hợp tác của nhà trường. Ảnh minh họa/ INT Phân luồng của xã hội PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), khi nhận xét về tình trạng một số trường được xem là tốp trên vẫn tuyển thiếu chỉ tiêu, cho rằng: “Thị trường lao động tác động lớn đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Những năm gần đây, ĐH không còn là lựa chọn duy nhất, bởi nếu đầu tư không bảo đảm, phụ huynh và người học sẽ chọn con đường khác, như học nghề, học cao đẳng”. Nâng cao chất lượng để cạnh tranh, thu hút SV giỏi, từ việc đổi mới chương trình đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học đến cập nhật thường xuyên nội dung, phương pháp giảng dạy để tạo ra thế hệ SV mới thích nghi với môi trường sản xuất đang thay đổi nhanh chóng là cách mà các trường ĐH không thuộc tốp đầu đang nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), “đây là “con đường” đòi hỏi các trường phải có sự đầu tư lâu dài, nhất là về mặt đội ngũ. Quan điểm của nhà trường là lấy người học làm trung tâm nhưng hạt nhân cốt lõi của trung tâm ấy là người thầy với vai trò thu hút – lan tỏa và truyền cảm hứng”. Chính vì vậy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đã nỗ lực kết nối và triển khai có hiệu quả với các dự án để tăng cường năng lực giảng dạy – nghiên cứu của giảng viên, đáp ứng yêu cầu giáo dục 4.0. Chỉ mới 3 năm tuyển sinh bậc ĐH, trong đó, có 2 năm tuyển sinh đầy đủ 16 ngành đào tạo khi trở thành trường ĐH dựa trên sự sắp xếp lại trường CĐ Công nghệ và Khoa Sư phạm Kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đều tuyển đủ và vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Với quan điểm bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tự động hóa, liên quan đến nhiều ngành, Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) chủ trương trong dạy – học cần tính đến khả năng tích hợp, liên môn đồng thời tổ chức sân chơi học thuật mang tính liên ngành để SV làm quen với việc sử dụng nhiều loại hình công nghệ giải quyết các vấn đề mà xã hội, doanh nghiệp yêu cầu. Mô hình CDIO mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đang triển khai sẽ cho phép các kỹ sư tương lai trải nghiệm đầy đủ và sâu sắc công việc chủ đạo mà họ phải thực hiện trong tương lai. Cùng với mô hình Học kỳ doanh nghiệp, thúc đẩy việc đưa SV ra nước ngoài thực tập, mô hình các nhóm SRT (Học tập – nghiên cứu Study Research – Team) thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong SV là cách mà trường ĐH phát triển theo hướng ứng dụng như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật theo đuổi để xây dựng thương hiệu nhằm thu hút tuyển sinh bằng chính nội lực. Những thay đổi, cải tiến trong công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT là dịp để xã hội đánh giá lại trường ĐH, CĐ như là sự phân luồng của xã hội và cơ sở GD phải làm quen với việc này. - PGS.TS Đoàn Quang Vinh Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .