Vùng Đankia - Suối Vàng gồm rừng - hồ nước lớn được xem là máy điều hòa và cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt - Ảnh: PHAN TẤN ĐẠT Theo đó, đến năm 2025 vùng này trở thành khu du lịch quốc gia hấp dẫn, có thể thu hút 3 triệu du khách/năm. Nhưng, làm sao để có một khu du lịch có bàn tay con người nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ, môi trường thiên nhiên không bị tổn thương và không để bị biến dạng như Đà Lạt hiện nay? Kỳ vọng thêm một Đà Lạt mới Đankia - Suối Vàng là vùng rừng và hồ nước lớn thuộc địa phận huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có diện tích khoảng 4.000ha, nằm giáp với khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Cùng với hồ Tuyền Lâm, hồ Đankia - Suối Vàng đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nước, cung cấp nước sinh hoạt, điều hòa khí hậu cho khu vực. Khu vực được quy hoạch nằm chồng lấn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Nhiều người ví von Đankia - Suối Vàng như cái máy điều hòa cho Đà Lạt. Cảnh quan, khí hậu nơi đây bị tổn thương thì TP Đà Lạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo quy hoạch này, các hoạt động xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch sẽ nằm trong diện tích 760ha. Khi Đankia - Suối Vàng được công nhận là khu du lịch quốc gia thì Lâm Đồng sẽ có 2 khu du lịch quốc gia nằm ở hai đầu TP Đà Lạt với khoảng cách khoảng 15km đường chim bay. Với những người làm chuyên môn du lịch và quy hoạch, đây là những bước để có thêm một Đà Lạt mới, nhưng không phát triển dân cư mà chỉ thực hiện các dự án du lịch, nằm cạnh Đà Lạt hiện hữu. Cũng không ít ý kiến nghi ngại rằng việc xây dựng khu du lịch quốc gia sẽ tác động tiêu cực đến sơn nguyên Đankia - Suối Vàng, làm biến dạng cảnh quan. Vùng Đankia - Suối Vàng gồm rừng - hồ rất quan trọng với cao nguyên Lâm Viên và Đà Lạt - Ảnh: PHAN TẤN ĐẠT 2 lần quy hoạch "thành phố nghỉ dưỡng" Đankia - Suối Vàng từng 2 lần được quy hoạch thành "thành phố nghỉ dưỡng" nhưng thất bại do nhà đầu tư rút. Năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng từng có văn bản chấp thuận giao vùng Đankia - Suối Vàng cho một nhóm tập đoàn trong nước đầu tư xây dựng "thành phố nghỉ dưỡng" với mức đầu tư 1 tỉ USD. Trước đó 10 năm, một số nhà đầu tư Singapore cũng lập xong dự án đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng và dự án đã được phê duyệt nhưng sau đó lại rút do khủng hoảng kinh tế năm 1997 khiến các nhà đầu tư chuyển hướng kinh doanh. Đankia - Suối Vàng có số phận của thành phố nghỉ dưỡng ngay từ khi nó được tìm ra. Bà Đinh Thị Nga, nguyên cán bộ Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, cho biết theo các tài liệu ghi lại, ông Alexandre Yersin từng đề xuất với công sứ Pháp xây dựng thành phố nghỉ dưỡng nằm bên bờ hồ Đankia. Tại đây, hồi đầu thế kỷ 20, người ta đắp hai con đập ngăn dòng chảy của sông Đạ Đung (khởi nguồn từ dãy Lang Biang) tạo thành hồ Suối Vàng... Hồ Suối Vàng bao gồm hai hồ Đankia ở phía trên và Ankroet như một nét nhấn trong một bức tranh sinh động, nguyên sơ của núi - hồ - thác. Ngày nay thường gọi vùng hồ này là Đankia - Suối Vàng. Ở đầu nguồn hồ Ankroet là nơi sinh sống của người Lạch - Bon Ja. Sợ ảnh hưởng đến nguồn nước của Nhà máy nước Suối Vàng, người Pháp đã di dời dân làng đến định cư ở thị trấn Lạc Dương bây giờ. Đồ họa: V.CƯỜNG Giữ rừng, không được san gạt đất Ông Phan Văn Đa, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các sở ngành phải có các biện pháp bảo vệ cảnh quan rừng, hồ nước ở vùng Đankia - Suối Vàng. Đồng thời quản lý chặt về xây dựng để không xuất hiện các công trình không phù hợp cảnh quan, kiến trúc ở khu du lịch trọng điểm 4.000ha. "Tuyệt đối cấm việc phá rừng, san gạt đất để làm các công trình trái phép, không phép hoặc làm các công trình có mục đích kinh doanh ngoài du lịch. Hoạt động nông nghiệp cũng phải quản lý chặt không để việc san gạt đất đai để làm nông có thể tàn phá cảnh quan. Đây là vùng du lịch cảnh quan, nếu mất mặt nước và rừng thì không còn gì để tỉnh Lâm Đồng thu hút đầu tư. Tôi nhận thấy hiện nay đã có hiện tượng lấn đất vùng mép hồ Đankia - Suối Vàng để sản xuất nông nghiệp. Cần phải nhanh chóng chấn chỉnh" - ông Đa nhấn mạnh. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .