Môn học đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh học tập môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS và các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học ở cấp THPT. Môn học chú trọng khơi dậy trí tò mò khoa học, bước đầu tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn, học cách giữ gìn sức khoẻ và ứng xử phù hợp với môi trường sống xung quanh. Những quan điểm được nhấn mạnh trong xây dựng chương trình Theo công bố của Bộ GD&ĐT, Chương trình môn Khoa học quán triệt các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục được nêu trong Chương trình tổng thể. Đồng thời, xuất phát từ đặc thù của môn học, những quan điểm sau được nhấn mạnh trong xây dựng chương trình: Dạy học tích hợp: Chương trình môn Khoa học được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp nhằm bước đầu hình thành cho học sinh phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu thế giới tự nhiên; nhận thức cơ bản, ban đầu về môi trường tự nhiên, về con người, sức khoẻ và an toàn; khả năng vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn. Môn học cũng chú trọng đến việc tích hợp giáo dục giá trị và kĩ năng sống ở mức độ đơn giản, phù hợp. Dạy học theo chủ đề: Chương trình môn Khoa học tổ chức nội dung giáo dục theo các chủ đề: chất; năng lượng; thực vật và động vật; nấm, vi khuẩn; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường. Những chủ đề này được phát triển từ lớp 4 đến lớp 5. Tuỳ theo từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị và kĩ năng sống; giáo dục sức khoẻ, công nghệ, giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai,... được thể hiện ở mức độ đơn giản và phù hợp. Tích cực hoá hoạt động của học sinh: Chương trình môn Khoa học tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập. Học sinh học khoa học qua tìm hiểu, khám phá, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, làm việc theo nhóm. Từ đó hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa Mạch nội dung chương trình môn Khoa học Trong môn Khoa học, học sinh lớp 4, lớp 5 sẽ được học các nội dung về: Chất; năng lượng; thực vật và động vật; nấm, vi khuẩn; con người và sức khỏe; sinh vật và môi trường. Cụ thể, về chất, học sinh lớp 4 sẽ được học về nước và không khí; học sinh lớp 5 học về đất, hỗn hợp và dung dịch, sự biến đổi của chất; Về năng lượng: học sinh lớp 4 học về ánh sáng, âm thanh, nhiệt; học sinh lớp 5 học về vai trò của năng lượng, năng lượng điện, năng lượng chất đốt, năng lượng mặt trời, gió và nước chảy. Về thực vật và động vật: học sinh lớp 4 học về nhu cầu sống của thực vật và động vật; ứng dụng thực tiễn về nhu cầu sống của thực vật, động vật trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi; học sinh lớp 5 học về sự sinh sản ở thực vật và động vật; sự lớn lên và phát triển của thực vật và động vật. Về nấm và vi khuẩn: học sinh lớp 4 học về nấm; học sinh lớp 5 học về vi khuẩn. Con người và sức khỏe: học sinh lớp 4 học về dinh dưỡng ở người, một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng, an toàn trong cuộc sống: Phòng tránh đuối nước; học sinh lớp 5 học về sự sinh sản và phát triển ở người, chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì, an toàn trong cuộc sống: Phòng tránh bị xâm hại. Sinh vật và môi trường: học sinh lớp 4 học về chuỗi thức ăn, vai trò của thực vật trong chuỗi thức ăn; học sinh lớp 5 học về vai trò của môi trường đối với sinh vật nói chung và con người nói riêng, tác động của con người đến môi trường. Chú trọng tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm Phương pháp giáo dục môn Khoa học được thực hiện theo các định hướng chung nêu tại Chương trình tổng thể, bảo đảm các yêu cầu: Tổ chức các hoạt động học tập phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Chú trọng tạo cơ hội cho học sinh học qua trải nghiệm; học qua điều tra, khám phá thế giới tự nhiên, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, xử lí tình huống thực tiễn, qua hợp tác, trao đổi với bạn; học ở trong và ngoài lớp học, ngoài khuôn viên nhà trường. Dạy học gắn liền với thực tiễn; quan tâm rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong đời sống thực của học sinh. Vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể; quan tâm đến hứng thú và chú ý tới sự khác biệt về khả năng của học sinh để áp dụng phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả nhằm hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực ở mỗi học sinh. Môn Khoa học sử dụng các phương pháp, công cụ đánh giá khác nhau như đánh giá thông qua trả lời miệng, bài viết (bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch tham quan, báo cáo kết quả sưu tầm,...); đánh giá thông qua quan sát (quan sát học sinh thực hiện các nhiệm vụ thực hành, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan,… bằng cách sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập,...); đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh;… Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .