Không phụ thuộc vào sách giáo khoa Theo PGS Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình nhiều SGK, nên việc dạy học, kiểm tra đánh giá và thi phải theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào các ngữ liệu cụ thể trong SGK, qua đó đảm bảo công bằng cho học sinh học các bộ sách các nhau. Đây cũng là tinh thần của một chương trình phát triển phẩm chất, năng lực. Làm rõ hơn điều này, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: SGK là phương tiện để tổ chức hoạt động dạy học, trong đó, học sinh làm việc với các ngữ liệu cụ thể (kênh chữ, kênh hình) trong SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức theo quy định của chương trình. Dù ngữ liệu trong SGK khác nhau nhưng kiến thức "chứa" trong đó để học sinh tiếp nhận, vận dụng là giống nhau, vì phải đáp ứng theo yêu cầu của chương trình. Do đó, khi chuyển trường, học sinh học SGK khác, làm việc với ngữ liệu khác, vẫn không bị ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức để phát triển phẩm chất, năng lực. Ví dụ, cùng dạy về chủ đề "sống cần kiệm", ngữ liệu trong SGK khác nhau có thể chọn câu chuyện khác nhau để giao cho học sinh khai thác. Nhưng kết quả cuối cùng, học sinh vẫn nắm được và vận dụng được kiến thức về sống cần kiệm. Ngay cả việc vận dụng kiến thức về sống cần kiệm để giải quyết tình huống trong thực tiễn, thì tình huống cần giải quyết cũng có thể là khác nhau với 2 học sinh khác nhau, nhưng đều có thể đánh giá được sự phát triển năng lực, phẩm chất của 2 em đó về vấn đề này. “Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này” – PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay. Ảnh minh họa/ INT Hình thức kiểm tra, đánh giá cơ bản ổn định PGS Nguyễn Xuân Thành thông tin: Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá, thi - về cơ bản là giữ ổn định. Điểm khác chỉ là ở nội dung của các bài thi. Trong đó, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Ví dụ: Để đánh giá về phẩm chất, năng lực của học sinh đối với chủ đề "sống cần kiệm", thay vì yêu cầu học sinh phát biểu "thể nào là sống cần kiệm" thì đề thi đánh giá năng lực phải ra một tình huống cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể, đứng trước tình huống đó yêu cầu học sinh phải xử lý. Chính cách xử lý đó của học sinh sẽ thể hiện được sự nắm vững kiến và phát triển phẩm chất năng lực của học sinh với chủ đề này. Hoặc, với Vật lý, thay vì kiểm tra những kiến thức về chuyển động thẳng, thì có thể yêu cầu học sinh thiết kế một đường trượt tuyết cho người yêu thích tốc độ từ đỉnh một quả đồi xuống, với 3 phương án: đường thẳng, đường vồng lên, đường lõm xuống, để học sinh phải lựa chọn và giải thích. "Một chương trình, nhiều SGK, nhưng việc dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi là theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình - điều đó là thống nhất, nên sẽ đảm bảo công bằng cho mọi học sinh học các SGK khác nhau" - PGS Nguyễn Xuân Thành. Không yêu cầu ghi nhớ kiến thức máy móc Trong các bài học, học sinh được tổ chức để hoạt động chiếm lĩnh kiến thức và vận dụng kiến thức với sự hỗ trợ của SGK và các phương tiện dạy học khác. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy học được thực hiện thông qua các sản phẩm hoạt động học nói trên. Các bài kiểm tra, đánh giá và thi cũng không yêu cầu ghi nhớ kiến thức một cách máy móc mà yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển về phẩm chất, năng lực của học sinh. Chia sẻ điều này, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm: Việc đánh giá định tính sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh được thực hiện trong quá trình tổ chức hoạt động học, thông qua những sản phẩm học tập mà học sinh đã hoàn thành. Qua đó, giáo viên sẽ có những nhận xét, đánh giá để giúp học sinh tiến bộ. Ví dụ: Khi học sinh được giao nhiệm vụ giải 1 bài tập, hay viết 1 đoạn văn, thì giáo viên có thể quan sát, đánh giá lời giải, hay bài viết để qua đó có những nhận xét mang tính định tính, để giúp học sinh hoàn thiện. Điều trên, tuy rằng có tính chủ quan của giáo viên, nhưng nó lại có một căn cứ quan trọng, đó chính là nội dung của hoạt động đó mà câu trả lời hay bài viết phải đáp ứng. Còn đánh giá để cho điểm là đánh giá định lượng, thông qua các bài kiểm tra, hay các sản phẩm học tập như bài trình bày hay bài viết, thì sẽ có tiêu chí, bảng kiểm, thang điểm, để quyết định điểm số này (như chấm 1 bài văn). Điều đó sẽ đảm bảo sự khách quan trong đánh giá. Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực là đánh giá việc sử dụng kiến thức, kĩ năng của người học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn. Trong quá trình dạy học theo phương pháp dạy học tích cực, học sinh được tổ chức để thực hiện các hoạt động học và tạo ra các sản phẩm học tập cụ thể: hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập... “Việc đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh sẽ dựa trên những sản phẩm đó. Vì vậy, không lo việc không có đủ phương tiện, công cụ để đánh giá” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ. Tất cả SGK đều được biên soạn theo chương trình, đảm bảo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình. Các tiêu chí để biên soạn SGK, trong đó có cấu trúc mỗi bài học trong SGK đã được quy định trong Thông tư 33, gồm 4 phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Cách thể hiện trong các SGK khác nhau có thể khác nhau về kênh chữ, kênh hình, ngữ liệu, nhưng phải bảo đảm yêu cầu của chương trình. Việc kiểm tra, đánh giá, thi theo chương trình, không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong SGK. Đó chính là ưu điểm của chương trình định hướng phát triển năng lực; cũng là ưu điểm của một chương trình, nhiều SGK. PGS Nguyễn Xuân Thành Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .