Cụ thể, trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 (ngày 17-7) với Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, UBND TP.HCM đã có kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về hai dự án tại khu "đất vàng" trên. Dự án Saigon Centre được Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp phép đầu tư lần đầu theo giấy phép đầu tư ngày 19-6-1993 với hình thức Công ty liên doanh. Ngày 28-12-1996, Bộ KHĐT cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án thành phần là Saigon Centre-IV, Saigon Centre-V, tương ứng với các nhà đầu tư Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV và Công ty TNHH Keppel Land Watco-V. Bên Việt Nam trong liên doanh được điều chỉnh qua từng thời kỳ từ Tổng Công ty vận tải thủy II và Công ty Quản lý kinh doanh Nhà sang Tổng Công ty vận tải thủy II và Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn; Tiếp đó là Tổng Công ty cổ phần Đường sông Việt Nam và Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn. Đến thời điểm này, bên Việt Nam là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH Một thành viên. Tỉ lệ vốn góp của bên Việt Nam trong liên doanh hiện nay là 16%. Dự án đã qua nhiều lần điều chỉnh giấy phép đầu tư. Đến nay, Saigon Centre-IV của Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV và Saigon Centre-V của Công ty TNHH Keppel Land Watco-V hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 6-3-2017 do Sở KHĐT TP.HCM cấp. Thời hạn hoạt động của các dự án là 50 năm kể từ ngày 19-6-1993. Hết thời hạn này, toàn bộ giá trị tài sản cố định của Công ty liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam. Về tình hình triển khai, TP cho biết dự án Saigon Centre đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 (Saigon Centre-I) và giai đoạn 2 (Saigon Centre-II, Saigon Centre-III), riêng Giai đoạn 3 (Saigon Centre-IV, Saigon Centre-V) vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng do chưa được bàn giao mặt bằng. Ngày 11-7-2018, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh thời hạn hoạt động các dự án thành “50 năm kể từ ngày được bàn giao đất”. Lý do đưa ra là đến nay nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao mặt bằng tại các khu đất có diện tích 3.376 m2 (Saigon Centre IV) và 5.247 m2 (Saigon Centre V) để triển khai. Việc điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án sẽ dẫn tới thay đổi điều kiện chuyển giao không bồi hoàn (thời gian chuyển giao theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu là đến năm 2043, nay sẽ kéo dài đến năm 2070). Đồng thời, điều này cũng làm thay đổi các điều kiện về giao thuế đất nên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Do đó, UBND TP đã có văn bản ngày 21-6-2019 báo cáo Thủ tướng việc gia hạn thời hạn hoạt động của các Dự án Saigon Centre IV, V như nêu trên. Đối với đề nghị điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án là “50 năm kể từ ngày được bàn giao đất", TP nhận thấy phù hợp với quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo Luật Đầu tư. Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian chậm không tính vào thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Thực tế đến nay nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án. "UBND TP kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét và có ý kiến chấp thuận về việc gia hạn thời hạn hoạt động của các dự án phù hợp theo quy định hiện hành" -văn bản ngày 17-7 của UBND TP nêu rõ. Sau gần 10 năm, kêu gọi đầu tư lại 'đất vàng' 164 Đồng Khởi (PLO)- Theo Sở Công Thương, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 4.059 tỉ đồng. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .