Giao nhận hàng ở cảng Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28-12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo như trên dù ông công nhận đây là một áp lực không hề nhỏ. Ông cũng yêu cầu cần ưu tiên xử lý một cách căn cơ, bài bản những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khoảng cách giàu - nghèo. Nông nghiệp xuất khẩu hơn 40 tỉ USD Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa. Nếu năm 2016, cả nước trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp xuất khẩu hơn 40 tỉ USD. Có nhiều kỷ lục năm 2018, điểm lại, Thủ tướng cho biết lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng đề ra, GDP đạt mức 7,08%, xuất siêu đạt mức kỷ lục trên 7 tỉ USD, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam vẫn có hai năm "vàng son" về kỷ lục xuất khẩu. Một điều rất đáng mừng khác, theo Thủ tướng là nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào được chứng kiến sự lớn mạnh, quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như hai năm vừa qua. Bên cạnh đó, thu ngân sách vượt dự toán khoảng 3,5 tỉ USD, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, nợ xấu giảm sâu... Về giải pháp trong năm 2019, Thủ tướng nêu rõ cần phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, và phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch. Nguồn: Báo cáo của Bộ KH-ĐT - Dữ liệu: Đặng Tuân - Đồ họa: T.ĐẠT Tăng trưởng năm 2019 phải cao hơn Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tinh thần năm 2019 phải hơn năm 2018 trên tất cả các phương diện, đây là thử thách. Về giải pháp cho năm 2019, Tổng bí thư đã gợi mở thêm các vấn đề cần trao đổi. Tổng bí thư cho rằng năm 2019 nên tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện. Trước hết phải tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới. Duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên xử lý một cách căn cơ, bài bản những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khoảng cách giàu - nghèo và trình độ phát triển có xu hướng giãn ra, tỉ lệ số hộ cận nghèo, tái nghèo còn lớn, vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng. Tổng bí thư cũng cho rằng cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngành nông nghiệp năm nay đóng góp quan trọng vào tăng trưởng với xuất khẩu hơn 40 tỉ USD. Trong ảnh: thu hoạch lúa tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp - Ảnh: CHÍ QUỐC Thẳng thắn trước tồn tại để xử lý Chiều cùng ngày, sau phần phát biểu của các bộ ngành và địa phương, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần thẳng thắn chỉ ra những yếu kém tồn tại như sức chống chịu của nền kinh tế vẫn còn hạn chế so với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Một số vùng thiên tai, người dân trong nhà không có tài sản nào có giá trị 500.000 đồng. Thêm nữa, kỷ luật kỷ cương hành chính một số bộ, một số cơ quan trung ương và địa phương còn hạn chế. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính vẫn còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh. Ngay việc tiếp công dân vẫn chưa được nhiều địa phương làm tốt khi chỉ đạt khoảng 30%. Về phương hướng, nhiệm vụ 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu là không được thấp hơn kết quả đạt được trong năm 2018. Quy mô nền kinh tế đã lên khoảng 5,5 triệu tỉ đồng, nên việc tăng trưởng cao hơn năm 2018 không phải là chuyện dễ dàng. Để triển khai thực hiện các mục tiêu, Thủ tướng sẽ ký hai nghị quyết của Chính phủ, chậm nhất là ngày 1-1-2019. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 4 trọng tâm điều hành, 5.945 nhiệm vụ Năm 2019 Chính phủ đề ra 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Một là, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Hai là, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Ba là, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Bốn là, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Xoay quanh 4 trọng tâm này, chỉ đạo điều hành, nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 5.945 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Cẩn thận thách thức trung, dài hạn Việt Nam tiếp tục là câu chuyện tăng trưởng của châu Á trong năm 2018. Tuy vậy, thách thức trung và dài hạn chủ yếu đến từ các yếu tố nội tại. Dự báo trong dài hạn cho thấy dân số của Việt Nam, vốn đã tăng từ 60 triệu năm 1986 lên 95 triệu năm 2017, sẽ có khả năng đạt đỉnh 120 triệu trước khi giảm vào năm 2050. Cũng theo dự báo của Liên Hiệp Quốc và HSBC, Việt Nam sẽ có tỉ lệ dân số trên 65 tuổi nhiều hơn nhiều nước trong khu vực và thậm chí còn cao hơn cả Mỹ. Phần lớn các nước đã phát triển đều tận dụng thời kỳ dân số vàng để cải cách nền kinh tế, công nghiệp hóa và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng để chuyển từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang nền kinh tế có thu nhập cao trước khi dân số già. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và đang đứng trước cơ hội của công nghiệp 4.0. Hi vọng chúng ta có thể quyết liệt cải cách nền kinh tế để kịp giàu trước khi già. Ngoài ra, vẫn còn thách thức về năng suất lao động khi năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore, bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. TS Võ Mai - Phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam: Một năm thành công với nông nghiệp Năm 2018 là năm thành công của nông nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản vượt ngưỡng 40 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, GDP ngành nông nghiệp tăng 3,76% cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Bất chấp những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, hàng rào thuế và phi thuế từ các thị trường nhập khẩu, nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển vững chắc cho thấy sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nông dân và nông nghiệp đang chịu thách thức lớn từ hàng hóa nước ngoài, hàng rào thuế quan và kỹ thuật của nước nhập khẩu. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã phát triển tới ngưỡng như lúa gạo, cao su, hạt tiêu... Nếu cứ trồng thật nhiều để xuất khẩu cũng khó tạo nên tăng trưởng đột biến. Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần sớm định hướng lại, lựa chọn các ngành hàng nhiều lợi thế để đầu tư, nâng cao chất lượng, tăng giá trị. Rau quả, thủy sản là những mặt hàng còn dư địa phát triển nên cần tập trung hỗ trợ để mở rộng diện tích, thông thoáng trong nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, tái xuất. Các mặt hàng Việt Nam đang đứng đầu thế giới nhưng khó tăng sản lượng cần tập trung vào chế biến và mở rộng thị trường. TRẦN MẠNH Cải cách sẽ thúc đẩy tăng trưởng Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn về kinh tế Việt Nam 2018 cũng như những việc đang chờ Việt Nam phía trước: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 đạt hơn 7% là do sự ổn định về kinh tế vĩ mô, mức lạm phát vừa phải và tỉ giá tương đối ổn định. Triển vọng kinh tế về trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi, nhưng chúng ta cũng thấy sự gia tăng của các yếu tố rủi ro trong nước và toàn cầu. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, tỉ giá hối đoái linh hoạt, tăng trưởng tín dụng vừa phải để củng cố khung chính sách vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế. Thúc đẩy cải cách về cơ cấu, bao gồm cải cách các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công... sẽ thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. Các chính sách tạo thuận lợi cho thương mại sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh về xuất khẩu của Việt Nam. Các chính sách thúc đẩy hội nhập và thương mại toàn cầu có thể đi kèm với cải cách, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước tận dụng cơ hội do hội nhập toàn cầu mang lại. Song song với đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước nên tập trung vào việc áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt quốc tế trong quản trị, cổ phần hóa và thoái vốn sâu hơn. Vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cần tập trung vào công nghệ cao để Việt Nam có thể tạo lợi ích lớn hơn từ mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực kinh tế tư nhân trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, cần xây dựng một khung thể chế có hiệu quả, khích lệ sự đổi mới - với các công ty tư nhân làm trung tâm. Điều này rất quan trọng cho sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam. Nhiều công ty hàng đầu thế giới như Samsung và Toyota, cũng như các nhà máy sản xuất theo hợp đồng lớn như Jabil và Foxconn, có quy mô hoạt động đáng kể ở Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đã chỉ ra: sự cản trở trong sản xuất là do thiếu các nhà cung cấp trong nước có năng lực cũng như sự thiếu vắng của các chính sách hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước. Nhiều vấn đề liên quan đến chính sách và môi trường kinh doanh vẫn đang cản trở Việt Nam trong việc hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của khu vực đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần lưu ý các giải pháp như sử dụng công nghệ kỹ thuật số và các giải pháp trực tuyến trong việc cấp phép và quản lý có thể giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy nhanh thủ tục hành chính và hạn chế tham nhũng... HỒNG VÂN ghi Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .