Ngày 5-10, BV Thống Nhất (Bộ Y tế) trang trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS-TS, Anh Hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành (30-9-1919 – 30-9-2019), vị giám đốc đầu tiên của BV. Buổi lễ kỷ niệm có sự tham dự của bà Dương Thị Minh, phu nhân của GS Nguyễn Thiện Thành; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, con trai của GS cùng các thành viên gia đình; các thế hệ lãnh đạo của BV Thống Nhất, lãnh đạo các đơn vị ông đã từng công tác, các thế hệ học trò, đồng nghiệp, những người đã từng làm việc và chiến đấu cùng với ông... Vừa nghiên cứu vừa chiến đấu Tại buổi lễ, thầy thuốc ưu tú, PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, đã ôn lại những đóng góp của GS Nguyễn Thiện Thành đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt là nền y học nước nhà. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bác sĩ (BS) Nguyễn Thiện Thành vừa là một thầy thuốc cứu chữa thương bệnh binh, vừa là một chiến sĩ sẵn sàng cầm súng đương đầu với bom rơi, lửa đạn. Là một bác sĩ, ông luôn tận tụy làm việc, đau đáu với từng ca bệnh và trăn trở để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, đau đớn trước hàng ngàn tân binh bị sốt rét hoành hành, nhiều người đã ngã xuống khi chưa kịp ra mặt trận, BS Nguyễn Thiện Thành đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra phác đồ điều trị sốt rét hiệu quả, giúp bộ đội tái tạo sức khỏe, trở lại chiến trường. Đó chính là sáng chế Filatov, với tác dụng tuyệt vời trong việc tăng cường khả năng đề kháng, giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật. Bí thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng mẹ, bà Dương Thị Minh. Ảnh: HL Khi chiến trường ngớt tiếng súng, lấy hầm hào làm bục giảng, ông đã truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức đào đào tạo hàng ngàn y bác sĩ phục vụ hiệu quả những trận càn quét của kẻ thù. Dấu ấn của ông in đậm trong từng trang sử vẻ vang của Viện Quân y K71 và của toàn ngành quân y nước nhà. Sau chiến tranh, công tác tại BV Thống Nhất, với kiến thức được đào tạo bài bản về chuyên ngành Lão khoa ở Liên Xô cùng với kinh nghiệm và tầm nhìn của một người làm quản lý và là người luôn trăn trở với sức khỏe của đồng chí đồng bào mình, ông nhận thấy việc đào tạo bác sĩ có trình độ chuyên sâu về Lão khoa là rất cần thiết cho ngành y tế. Ông đã dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu, biên soạn tài liệu, xây dựng đội ngũ con người để khai mở ra Bộ môn Lão khoa đầu tiên do chính ông làm Chủ nhiệm và trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Việc nghiên cứu thành công tảo Spirulina và Kaglutam cũng là tình cảm và tâm huyết của ông trong việc nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Việc bào chế ra hai loại dược phẩm này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á sản xuất ra tảo dạng viên. Ngoài các loại tảo, GS Thành còn say mê nghiên cứu và viết sách tư liệu về nấm linh chi. “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Nguyễn Thiện Thành là dịp để chúng ta tưởng nhớ về một người thầy thuốc đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho ngành y, người đã lấy chuẩn mực y đức làm giáo án truyền dạy cho biết bao thế hệ học trò. Nhớ về ông, để chúng ta sống xứng đáng với màu áo trắng thanh cao và tinh khôi của người thầy thuốc, luôn giữ cho mình một trái tim hồng và đôi tay ấm”, PGS-TS Lê Đình Thanh nói. Hình ảnh mẫu mực Là người chủ biên và tìm hiểu tư liệu viết cuốn sách GS Nguyễn Thiện Thành - Người chiến sĩ thầy thuốc anh hùng, GS Nguyễn Đức Công, nguyên giám đốc BV Thống Nhất cho biết ông đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong công tác lãnh đạo, GS Thành luôn để lại hình ảnh người lãnh đạo, người thầy mẫu mực, nghiêm túc, đặc biệt rất đúng giờ. “Ngoài dạy học, ông còn viết được 35 cuốn sách, có sách giáo khoa thậm chí viết bằng tay là tư liệu tôi tìm thấy được trong bệnh viện khi thu thập tư liệu về ông”, GS Công kể. Cuốn sách GS Nguyễn Thiện Thành - Người chiến sĩ thầy thuốc anh hùng do GS Nguyễn Đức Công chủ biên. Ảnh: HL Là thư ký riêng gắn bó cùng GS Nguyễn Thiện Thành, ông Nguyễn Văn Thành kể lại học được ở GS Thành nhiều đức tính. “Ai mới gặp anh lần đầu cũng sợ vì anh rất nghiêm nghị, tôn trọng sự tổ chức và luôn thực hiện đầy đủ các quy định. Tuy nhiên, càng gần anh và làm việc chung, chúng tôi học được rất nhiều vì anh rất thẳng thắn nhiệt tình chỉ bảo, hết sức dìu dắt mọi người”, ông Thành nhớ lại. Vợ chồng GS Nguyễn Thiện Thành lúc còn trẻ. Ảnh: HL Ghi nhớ những công lao của GS Nguyễn Thiện Thành, người con của quê hương Trà Vinh, đại diện Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết một ngôi trường THPT chuyên và con đường mang tên vị giáo sư đáng kính đã ra đời tại quê nhà. Quỹ học bổng mang tên ông bà GS Nguyễn Thiện Thành từ năm 2009 đã cấp hơn 1.400 suất học bổng, chắp cánh ước mơ học vấn cho nhiều em học sinh, sinh viên. Quê hương Trà Vinh tự hào vì có người con ưu tú, tận tụy gương mẫu, là tấm gương cho nhiều thế hệ noi theo. Nhiều điều chưa nghe cha kể Nhớ về cha, Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân rưng rưng xúc động. Lời đầu tiên, ông kính thưa người cha đã ra đi nhưng ông tin cha vẫn đang hiện diện ở lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của mình. Sinh thời, hình ảnh người cha trong lòng bí thư Nhân là người luôn tự quyết định ở những thời khắc bắt buộc phải lựa chọn. Cuộc đời của ông đã đưa ra nhiều quyết định từ bỏ những điều kiện thuận lợi dành cho mình từ việc từ chối du học theo ngành sắp đặt mà chọn học ngành y trong nước để được chăm sóc sức khỏe, phục vụ đồng bào; rời miền Bắc vào Nam trên con tàu không số để chiến đấu trong khi có điều kiện ở lại miền Bắc; sau những năm đất nước được giải phóng, ông được đề nghị ra Hà Nội làm thứ trưởng Bộ Y tế nhưng ông đã báo cáo tổ chức cho ở lại làm giám đốc BV Thống Nhất... Ông để lại tấm gương chủ động trong mọi hoàn cảnh, không chờ người khác giao việc mà luôn tìm giải pháp giải quyết những khó khăn, bế tắc. Ngay cả khi bị bắt giam ở nhà tù Chí Hòa, ông đã suy nghĩ làm thế nào để chăm lo sức khỏe bộ đội và tìm ra phương pháp Philatov. Ra tù, ông suy nghĩ vận dụng phương pháp này bằng cách xử lý nhau thai người để điều chế ra thuốc Filatov; nghiên cứu kết hợp thuốc chữa bệnh sốt rét giảm tỉ lệ tái sốt rét và ký sinh trùng... Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và kỷ vật tấm bằng khen chiến sĩ thi đua của cha mình. Ảnh: HL Sau ngày giải phóng, ông sống cuộc sống đạm bạc hoàn toàn bằng lương rất khó khăn. Năm 1976, Bí thư Nhân về thăm cha sau khi học ở nước ngoài về thấy cha bị đau dạ dày nên ăn rất ít, bữa cơm với đậu phộng là món chính. Kỷ niệm 10 năm giải phóng, cả gia đình vẫn coi tivi trắng đen của ngôi nhà trước khi vượt biên để lại. Bí thư Nhân cùng với vợ bàn mua tivi màu cho cha nhưng tình cờ BV Thống Nhất cũng biết và tặng ông một chiếc tivi màu. Mặc dù sống gần gũi cùng cha nhưng Bí thư Nhân luôn đau đáu là có nhiều điều ông vẫn chưa biết hết về cha. Ngay cả việc cha được Bác Hồ trực tiếp khen và động viên vì đã nghĩ ra phương pháp Filatov phục vụ chiến trường vào năm 1952, Bí thư Nhân cũng chưa nghe cha kể bao giờ. Kể cả đến khi GS Thành qua đời, khi lục lại những kỷ vật của cha, Bí thư Nhân rất xúc động khi thấy tấm giấy khen chiến sĩ thi đua toàn quốc phân khu miền Tây Nam Bộ tặng. "Lúc đó, anh em tôi còn chưa ra đời, không hiểu sao ông có thể giữ được từ năm 1952 đến giờ sau bao lần ra Bắc vào Nam...100 năm trước, ba ra đời chưa có má và chúng con, hôm nay BV Thống Nhất kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ba, ba đi xa nhưng má và chúng con vẫn còn, đồng đội, đồng nghiệp, quê hương, Đảng Nhà nước, Quân đội vẫn nhớ tới ba. Chúng con xin hứa sống xứng đáng với ba, chăm sóc má, góp phần gìn giữ truyền thống gia đình”, Bí thư Nhân bày tỏ. Tiểu sử Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thiện Thành Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ – Anh hùng lao động – Thầy thuốc nhân dân (GS. TS. BS. AHLĐ. TTND) Nguyễn Thiện Thành, sinh ngày 30-9-1919, tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Năm 1935, Nguyễn Thiện Thành học trường Lycée Pétrus ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Ông từ chối học bổng loại ưu ở Pháp, ra Hà Nội thi đỗ vào Trường ĐH Y khoa Hà Nội, đã tốt nghiệp và công tác tại BV Bạch Mai (Hà Nội) Cuối năm 1947, BS Nguyễn Thiện Thành vào chiến trường Nam Bộ giữ chức vụ Trưởng Phòng Quân y Phân liên khu miền Tây Nam bộ. Năm 1950, ông bị địch bắt. Chính trong những ngày ở khám, ông tiếp cận được phương pháp Filatov thông qua một bài báo trên tạp chí y học. Filatov là phương pháp chữa bệnh do một GS tên Filatov (người Anh, sống tại Nga) phát minh. Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: Khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0-4 độ C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Cuối năm 1950, BS Thành được thả trong một đợt trao trả tù binh. Phương pháp mới nhanh chóng được ông nghiên cứu và áp dụng vào cuối năm 1951 tại Quân y viện Phân liên khu miền Tây Nam Bộ với tổ chức tế bào sống là các bánh nhau của sản phụ và dụng cụ là một chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu hôi. Kết quả, hơn 3.000 trường hợp lâm sàng đã được cấy nhau và cho thấy phương pháp Filatov không những góp phần ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn làm giảm hẳn tỉ lệ tử vong của thương bệnh binh. Sau đó, phương pháp Filatov nhanh chóng nổi tiếng khắp Nam Bộ. Nhiều người trong giới trìu mến gọi ông là “bác sĩ Filatov”. Sau năm 1975, PTS-BS Nguyễn Thiện Thành được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương kiêm Giám đốc BV Thống Nhất. Năm (1976-1987) là Đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII. Tại Quốc hội khóa VI, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội của Quốc hội. Tại Quốc hội khóa VII, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật của Quốc hội. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một quá trình phấn đấu liên tục, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự phát triển của ngành y tế quân đội và y tế nhân dân. GS đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư, là đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 1989, ông tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu thầy thuốc Nhân dân. Cùng năm, GS Nguyễn Thiện Thành được Bộ Y tế quyết định giao nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Tích tuổi học (TT. Lão khoa) tại TP.HCM. GS Nguyễn Thiện Thành, mất ngày 8-10-2013 vì tuổi cao, bệnh nặng tại nhà riêng ở khu cư xá Bắc Hải (quận 10, TP.HCM), hưởng thọ 95 tuổi. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .