Bắt đầu từ các bước lên lớp Cô Hồ Thu Giang, Tổ trưởng Tổ Sinh học và Công nghệ Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ chia sẻ: Việc đổi mới phương pháp dạy học được tích cực áp dụng tại nhà trường trong những năm học gần đây. Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học theo dự án, theo chủ đề, vấn đề đổi mới hoạt động lên lớp theo 5 bước đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã mang lại hiệu quả giáo dục cao. “Tiến trình lên lớp đã có những thay đổi với 5 bước bao gồm các hoạt động: Gợi mở, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng các kiến thức và cuối cùng là tìm tòi mở rộng, nâng cao kiến thức cho học sinh”, cô Hồ Thu Giang nhấn mạnh. Cô Hồ Thu Giang cũng đưa ra ví dụ cụ thể đối với bài dạy về Di truyền học quần thể trong chương trình Sinh học THPT. Theo đó, bài này sẽ được tiến hành trong hai tiết học. Dạy theo 5 bước đổi mới hoạt động lên lớp, trước khi bước vào bài học, giáo viên sẽ phân công từng nhóm học sinh tìm hiểu các nội dung của chủ đề bài học. Một nhóm sẽ tìm hiểu khái niệm, đặc điểm về quần thể, di truyền về quần thể. Một nhóm sẽ trình bày về cấu trúc di truyền của quần thể tự phối. Một nhóm sẽ trình bày về cấu trúc di truyền của quần thể ngẫu phối. Nhóm còn lại sẽ thực hiện các bài tập vận dụng về di truyền học. Khi đưa ra các tiểu chủ đề nhỏ, học sinh sẽ tự phân công trong nhóm để tìm hiểu trên cơ sở nội dung cơ bản đã có trong tài liệu lý thuyết, từ đó có hướng để tìm hiểu về bài học, bám sát kỹ vào từng nội dung. Đến tiết học, trên cơ sở các nội dung đã chuẩn bị, học sinh sẽ lên trình bày theo nhóm. Tuy nhiên, giáo viên sẽ gọi lên trình bày một cách ngẫu nhiên để học sinh luôn có ý thức tự tìm hiểu bài trước khi đến lớp. Sau khi từng nhóm trình bày, các nhóm khác sẽ đóng góp các ý kiến bổ sung để làm rõ thêm vấn đề trong bài học. Nhóm trình bày sẽ đặt câu hỏi cho các bạn nhóm khác. Ngược lại, nhóm ngồi nghe sẽ đặt câu hỏi cho các bạn nhóm báo cáo. Những câu hỏi hay sẽ được khuyến khích bằng điểm số để kích thích sự tham gia của cả lớp. Thông qua những hoạt động học tập này, các em cũng có sự đánh giá với nhau về mức độ hiểu bài, cũng như ứng dụng vào việc làm bài tập. Sau khi học sinh trao đổi và đã khẳng định được các nội dung bài học, giáo viên sẽ tổng hợp lại lượng kiến thức để các em nắm chắc trọng tâm bài học. Với cách tổ chức lên lớp theo 5 bước này, học sinh sẽ được hoạt động tối đa, tự hình thành kiến thức trên cơ sở chủ động. Học sinh được thực hành nhiều hơn trong từng môn học. Ảnh: TG Nhiều ưu việt Cô Đỗ Hà Loan, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS An Thới (TP Cần Thơ) chia sẻ: Để học sinh năng động, chịu khó suy nghĩ tìm tòi, việc đổi mới các bước lên lớp cần được các thầy cô ứng dụng linh hoạt, đặc biệt phù hợp với các đối tượng học sinh. Ví dụ, dạy một bài đọc hiểu về một tác phẩm, phần khởi động, giáo viên nên đưa ra những câu hỏi nhẹ nhàng để số đông học sinh thực hiện được, tạo sự hào hứng trong lớp học. Giáo viên cũng có thể gợi ý cho học sinh đọc một bài thơ, hay hát một đoạn ca khúc gần gũi với bài học. Với không khí thoải mái sẽ tạo cho các em tâm thế vui vẻ khi bước vào bài học. Trong bước hình thành kiến thức cho học sinh, trước đây giáo viên thuyết trình là chính, thì nay sẽ yêu cầu các em thực hiện các nội dung theo phiếu học tập (do giáo viên thiết kế và học sinh chuẩn bị theo từng câu hỏi). Các nhóm trong lớp sẽ phân công nhau trình bày các nội dung đã chuẩn bị. Những câu hỏi theo các mức độ từ việc phát hiện các chi tiết trong tác phẩm cho tới những câu hỏi cần sự cảm nhận, đánh giá ở mức độ cao hơn. Tới hoạt động luyện tập, giáo viên có thể cho học sinh viết những suy nghĩ cảm nhận của mình về tác phẩm, về nhân vật, về một chi tiết đặc sắc... Khi các em được trực tiếp tìm hiểu về tác phẩm, các em sẽ hiểu bài và nhớ lâu hơn, đồng thời bày tỏ được suy nghĩ của mình về tác phẩm. Trong quá trình dạy, giáo viên sẽ chốt lại vấn đề và nâng lên những tầng bậc ý nghĩa sâu hơn. Đặc biệt với cách dạy này, học sinh được rèn về các kỹ năng từ đọc hiểu cho tới biết cách phân tích, trình bày một vấn đề, khuyến khích tư duy độc lập của học sinh. Trong bước vận dụng, học sinh được tìm hiểu với những liên hệ gần hơn với thực tế. Tiếp theo giáo viên sẽ gợi ý cho học sinh tìm hiểu thêm một số tài liệu có liên quan để có kiến thức rộng hơn. Thầy Nguyễn Thanh Bình, Tổ trưởng môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) cũng cho biết: Khi áp dụng việc thay đổi trong cách tổ chức các bước lên lớp, học sinh thực sự hào hứng hơn khi tiếp cận kiến thức. Với môn Vật lý, việc đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng tới bước cho học sinh thực hành làm bài tập nhóm, bài tập gắn với thực tế giúp các em được trải nghiệm nhiều hơn. Trong quá trình thực hành, học sinh có điều kiện quan sát, đánh giá học hỏi lẫn nhau. Những học sinh có sự chuẩn bị bài tốt sẽ hướng dẫn cho các học sinh trong nhóm mình. Ví dụ, với bài dạy về lực đàn hồi, lực ma sát, GV hướng dẫn học sinh quan sát trên thực tế. Đồng thời, giáo viên đưa ra những câu hỏi, yêu cầu các em lý giải vì sao lại có những hiện tượng đó xảy ra. Sau đó, các em sẽ được tham gia vào các thí nghiệm để thấy rõ hơn các hiện tượng này. Vai trò của giáo viên là tổng kết, khắc sâu kiến thức cho học sinh. “Thay đổi các bước lên lớp có những ưu điểm: Học sinh có nhiều kỹ năng, hoạt động nhóm, tự học để có kiến thức của bài. Các em còn có kỹ năng thuyết trình, lắng nghe thu nhận thông tin và trình bày. Học sinh có sự chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức. Với giáo viên, cách dạy này cần được chuẩn bị khoa học về nội dung bài giảng”. Cô Hồ Thu Giang Châu Anh Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .