Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) - Ảnh: Quochoi.vn Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay 14-11, ông Nguyễn Bắc Việt nhận định rằng để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, quan trọng nhất là phải tăng trách nhiệm của người đứng đầu. "Người đứng đầu dù nhiều việc tới đâu cũng phải có thói quen chịu khó dành thời gian đọc đơn thư của dân. Chỉ có đọc, nắm bản chất câu chuyện thì mới có những chỉ đạo đúng cho cấp dưới thi hành", ông Việt nói. Đại biểu Ninh Thuận kiến nghị quy định ngay trong Luật Xây dựng về việc thiết kế phòng tiếp công dân tại các cơ quan Nhà nước theo hướng giản dị, gần gũi, không quá hào nhoáng, tráng lệ để người dân không bị choáng, e sợ khi bước vào trình bày vấn đề của mình. "Cán bộ tiếp dân cũng phải có thái độ nhã nhặn, khiêm tốn. Phải ưu tiên quan điểm áp dụng những quy định nào có lợi nhất cho dân, cái gì mà có lợi nhất cho dân thì kiên quyết làm và ngược lại, nếu nhận thấy bất lợi thì phải tìm cách gỡ", ông Việt nói. Nhiều đại biểu cũng chia sẻ nhận định rằng khiếu nại tố cáo tăng thời gian qua là do thái độ coi thường đối thoại với dân, thậm chí là thách thức người dân đi tố cáo. Nhiều nơi không coi trọng việc tiếp công dân, người dân phải ôm đơn thư đi lòng vòng, hết lên trên lại về cấp dưới, dưới lại đùn đẩy cho cấp trên. "Thực tế địa phương nào quan tâm lưu ý đến việc giải quyết quyền lợi cho dân thì nơi đó tình hình khiếu nại tố cáo sẽ giảm", đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) thì lưu ý tình trạng cán bộ kém năng lực, đạo đức công vụ chưa được chú trọng, kém lắng nghe, kém tôn trọng người dân. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng lãnh đạo phải tăng cường tiếp xúc dân, tiếp công dân và tiến hành đối thoại để an dân, từ đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại yếu kém, xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thậm chí cảnh báo các cơ quan cấp trên cần cảnh giác trước những bản báo cáo đẹp của cấp dưới, nhiều báo cáo đúng mà khi hậu kiểm lại sai. Ông Nhưỡng lấy ví dụ về một vụ án qua hai cấp xét xử ở Hà Tĩnh, khi dân đi khiếu nại, kiên trì đòi quyền lợi thì cơ quan Trung ương vào kiểm tra mới vỡ lẽ là toà cấp dưới đã áp dụng sai luật, sai quy định. Dó đó, đại biểu Bến Tre lưu ý các tỉnh, các cơ quan Trung ương trong các vụ việc có đơn thư khiếu nại của dân gửi lên phải hết sức lưu tâm đọc, xem xét để giải quyết chứ không nên tin tưởng một cách tuyệt đối dựa vào những báo cáo từ cấp dưới. Cần xây dựng bộ dữ liệu cập nhật trạng thái đơn thư Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng thời gian qua có tình trạng đi khiếu nại thuê, lợi dụng khiếu nại để lừa đảo, nhiều người dù không giải quyết được quyền lợi nhưng vẫn nhận lời của người dân từ đó trục lợi. Để hạn chế sự quan liêu cũng như những sai sót không đáng có trong việc giải quyết đơn thư tố cáo, đại biểu Hạnh đề nghị Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng một phần mềm, thiết kế một bộ dữ liệu liên thông từ địa phương tới cấp cao nhất để cập nhật trạng thái giải quyết đơn thư khiếu nại. Phần mềm đó phải tương tác tốt để một tờ đơn của dân gửi đi thì dân biết là đã đi tới đâu, cơ quan nào đã thụ lý, thụ lý như thế nào. Cơ quan cấp trên cũng có thể giám sát, theo dõi toàn bộ quá trình xử lý để có ý kiến khi cần thiết. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .