Lão nông Hà Nội kể chuyện chi tiền tỷ dựng nhà gỗ mít “khủng” Thứ Năm, ngày 02/05/2019 00:30 AM (GMT+7) Nhiều người dân, du khách trầm trồ trước độ “khủng” của ngôi nhà làm toàn bằng gỗ mít, trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Ngôi nhà làm bằng gỗ mít của gia đình ông Học. Đó chính là ngôi nhà gỗ mít của lão nông Nguyễn Quang Học (63 tuổi) ở xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Săn tìm loại gỗ mít hàng trăm năm tuổi về dựng nhà Chúng tôi có dịp gặp chủ nhân của ngôi nhà gỗ mít “khủng” vào buổi trưa hè oi ả. Dáng người mỏng, khuôn mặt gầy, ông Học nhấp chén trà rồi bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện dựng ngôi nhà gỗ mít độc đáo này. Đó là vào năm 2008, ông Học bắt đầu dành ra số tiền gần 1 tỷ đồng đi quanh vùng Thạch Thất và sang các tỉnh thành lân cận tìm mua cây mít lâu năm về dựng nhà. Cứ nghe thấy ai thông tin ở đâu bán gỗ mít là ông Học lại tìm đến hỏi mua. Những cây mít ông Học mua về dựng nhà, ít cũng phải đôi chục năm tuổi, còn lâu hơn thì hàng trăm năm tuổi. “Có lần tôi lên tận Phú Thọ tìm mua được 5 cây mít lâu năm trồng ở một quả đồi. Sau đó, tôi phải thuê người đào gốc, cắt cây và dùng xe ô tô chở về nhà. Những lần đi mua gỗ mít như vậy khá tốn kém và vất vả nhưng vì niềm đam mê tôi vẫn thấy vui”, ông Học chia sẻ. Năm 2009, ông Học bắt đầu thi công dựng ngôi nhà gỗ mít trên khoảng đất diện tích hơn 700m2. Ông Học tìm thuê những tốp thợ mộc giỏi, có tay nghề cao ở xã Chàng Sơn về thi công, dựng nhà theo lối kiến trúc cổ. Một năm sau, ngôi nhà gỗ mít với các hoa văn chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ngôi nhà gồm 5 gian, gian chính giữa là nơi thờ tự tổ tiên, hai gian hai bên kê hai bộ bàn ghế để gia đình tiếp khách. Còn hai bên buồng là nơi các thành viên trong gia đình ông Học nghỉ ngơi. Phía cổng, ông Học còn cầu kỳ mua loại đá ong về xây dựng tường, cột trụ. Các kèo, cột ông cũng sử dụng loại gỗ mít. Phần mái sử dụng ngói lợp Hạ Long. “Mặc dù mua loại đá ong đắt tiền hơn so với mua loại đá thông thường nhưng tôi vẫn thích bởi độ bền của loại đá ong được lâu hơn và nó mang nét cổ kính hơn”, ông Học nói. Chủ nhân của ngôi nhà cho biết, ở thời điểm năm 2009, ngôi nhà xây dựng xong hết chi phí 1,5 tỷ đồng. Nhưng đến nay, ngôi nhà của ông được nhiều người định giá trả mua 2,5 tỷ đồng nhưng gia đình ông nhất quyết không bán. Ước mong xây nhà cổ giữ gìn truyền thống cha ông để lại Ông Học kể rằng, ngôi nhà gỗ mít hiện nay được xây dựng trên nền nhà cổ của cha ông để lại. Trước đó, ngôi nhà được dựng bằng gỗ xoan, xây dựng theo lối kiến trúc cổ gồm 5 gian. Lão nông Nguyễn Quang Học (63 tuổi) ở xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. “Tuy nhiên, trải qua thời gian, ngôi nhà bị hỏng, mối mọt. Chính vì vậy mà từ lúc nhỏ tôi đã nung nấu ý tưởng xây dựng, phục dựng lại ngôi nhà cha ông để lại theo lối kiến trúc cổ bằng một loại gỗ tốt hơn và mãi đến năm 2009 tôi mới thực hiện được tâm nguyện này”, ông Học nói. Ông Học cho hay, hiện nay có nhiều người dân dựng nhà bằng gỗ lim, có những ngôi nhà đến cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, ông lại không lựa chọn loại gỗ này vì muốn mang đến sự mới lạ, độc đáo. “Thêm nữa, việc người dân dùng gỗ lim để dựng nhà hiện nay rất phổ thông, không còn mới lạ. Gỗ lim cũng rẻ tiền hơn so với loại gỗ mít. Và điều quan trọng hơn, tôi muốn sử dụng loại gỗ mít vì đây là loại cây rất gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam”, ông Học nói. Chủ nhân ngôi nhà cho biết thêm, gia đình ông đã phải tích góp tiền bạc rất nhiều năm, cộng thêm một khoản tiền lớn từ việc Nhà nước đền bù đất đai trước đó nữa ông mới có đủ tiền để dựng ngôi nhà gỗ như mong ước. Ông Nguyễn Văn Vinh, thợ mộc ở xã Chàng Sơn cho hay, ông đã từng xây dựng nhiều ngôi nhà gỗ trong huyện Thạch Thất. Tuy nhiên, về chất lượng gỗ thì nhà ông Học thuộc loại "đỉnh" nhất trong các ngôi nhà gỗ trong huyện, các cột trong nhà đều làm từ những cây mít từ vài chục năm đến hàng trăm năm tuổi. Ở thời điểm năm 2009, ngôi nhà của ông Học được xem là ngôi nhà gỗ mít “khủng” nhất ở miền Bắc. Ngôi nhà dựng bằng gỗ mít trị giá hơn 2,5 tỷ đồng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, hoa văn chạm khắc cầu kỳ,... Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .