Triệt để phòng ngừa 4 tỉnh phát hiện nhiều ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu nhất là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Phòng ngừa triệt để là giải pháp quan trọng nhất được các địa phương này triển khai, cố gắng không để trường hợp xấu xảy ra là thí sinh nhiễm bệnh đến trường thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Đắk Nông bố trí 13 điểm thi cho hơn 6.200 thí sinh dự thi. Để phòng chống bệnh bạch hầu, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết: Sở GD&ĐT phối hợp để xây dựng kịch bản chống bệnh này; trong đó ưu tiên hàng đầu là giải pháp phòng ngừa. "Kế hoạch đang trong quá trình xây dựng, nhưng về cơ bản có 3 nội dung: Triển khai các biện pháp tuyên truyền về dịch bệnh trong toàn dân, đặc biệt với cơ sở giáo dục và HS lớp 12; Phối hợp với Sở Y tế thực hiện biện pháp phòng ngừa triệt để dịch bệnh từ trong cộng đồng, trong đó có việc rà soát HS lớp 12 đã và chưa tiêm vắc-xin phòng bạch hầu; Xây dựng kế hoạch dự phòng trường hợp xấu nhất xảy ra khi có thí sinh nhiễm bệnh đến trường thi" - ông Nguyễn Văn Toàn cho biết. Hiện các điểm thi tại Đắk Nông, ngoài dự phòng cho thí sinh tự do và thí sinh giáo dục thường xuyên, còn bố trí phòng thi dự phòng cho thí sinh không may nhiễm bệnh đến trường thi, cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV), y tế. Nếu có thí sinh nhiễm bệnh sẽ chuyển đến phòng thi dự phòng để làm bài, cách ly an toàn. Các điểm thi cũng được bố trí đo thân nhiệt để phát hiện trường hợp mắc bệnh. Tại Kon Tum, Sở GD&ĐT có văn bản yêu cầu các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên các huyện phối hợp với chính quyền, cơ quan y tế địa phương triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết Dengue, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Nắm bắt kịp thời những vùng dịch trên địa bàn, hạn chế HS, cán bộ, GV từ vùng dịch trở về làm lây lan cho HS nhà trường. Thông báo cơ quan y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời. Đối với trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú, sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng nhà trường quán triệt cán bộ, GV, nhân viên, đặc biệt là HS thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Xây dựng phương án tổ chức ôn tập kiến thức cho HS chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT ở vùng có dịch. Các điểm thi phải bố trí một số phòng dự phòng cho cán bộ coi thi, HS thi nếu có các biểu hiện dịch bệnh Covid-19 hay bạch hầu để kịp thời cách ly, xử lý. Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất Dù xác định phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu, các địa phương đều lên kế hoạch để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất xảy ra: Có trường hợp mắc bệnh, nghi nhiễm bệnh đến trường thi. Tại Gia Lai, các ca dương tính với bệnh bạch hầu tập trung tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa. UBND huyện Đăk Đoa đã quyết định khoanh vùng làng Bông Hiot để cách ly. Ông Nguyễn Tư Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai thông tin: Làng này không có HS nào tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Mặc dù vậy, địa phương đã lên phương án để lường những rủi ro có thể xảy ra, bảo đảm an toàn cho HS, cán bộ, GV, đặc biệt trong kỳ thi. "Bệnh viện tỉnh, bệnh viện tuyến huyện đã sẵn sàng các điều kiện để đón người bệnh cách ly. Trong trường hợp có thí sinh nghi mắc bệnh sẽ động viên các em thực hiện cách ly; đồng thời bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các em. Trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, bị ốm cũng là trường hợp được xét đặc cách tốt nghiệp THPT" - ông Nguyễn Tư Sơn cho hay. Về phía ngành Giáo dục, sở GD&ĐT có văn bản yêu cầu triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh tại cơ sở giáo dục, giữ môi trường học đường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng. Các cơ sở giáo dục được đặt điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần đặc biệt lưu ý công tác vệ sinh để kỳ thi diễn ra an toàn. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hành vi tự chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, môi trường đã hình thành và thực hiện tốt trong trường học thời gian qua… Cũng là địa phương phát hiện nhiều trường hợp bị bạch hầu, Đắk Lắk đã có phương án cụ thể liên quan đến nội dung này trước và trong kỳ thi. Thông tin từ ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, trước ngày thi phải tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn sạch sẽ trường học, lớp học. Bố trí khu vực để nước sát khuẩn, phân công cán bộ, GV hướng dẫn HS sát khuẩn tay; đeo khẩu trang đúng cách trước khi vào trường. Sắp xếp chỗ ngồi giữa 2 HS có khoảng cách bảo đảm an toàn. Chỉ đạo cán bộ y tế phối hợp với trạm y tế xã, phường thường trực trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sau mỗi buổi thi, tổ chức vệ sinh, khử khuẩn lớp học theo quy định; kiểm tra, bổ sung xà phòng, nước sát khuẩn và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi thi tiếp theo. Không cho phụ huynh HS, người không có nhiệm vụ vào trong trường. Nhà trường bố trí địa điểm đón, giao nhận HS tại cổng trường. Theo ông Khoa, trường hợp người nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ sẽ được vận chuyển đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị. Cán bộ y tế trường học phối hợp với trạm y tế xã hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương đưa người có biểu hiện nghi ngờ đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị. Việc vận chuyển người nghi ngờ phải thực hiện đúng theo quy định về phòng chống lây nhiễm. Các cơ sở giáo dục tại Kon Tum được yêu cầu tiến hành cho HS, cán bộ, GV, nhân viên khai báo y tế; lập danh sách HS, cán bộ, GV, nhân viên ở vùng có dịch hoặc mắc bệnh bạch hầu; phân công cán bộ, GV, nhân viên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại đơn vị mình. Việc phòng, chống dịch bệnh bạch hầu phải được tiến hành cùng với phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .