Hình ảnh thầy cô và HS cùng thực hành quay chậu cảnh tại Trường THPT Số 2 Bảo Yên Đa dạng các hoạt động trải nghiệm Đến Trường THPT số 2 huyện Bảo Yên (Lào Cai), ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là một không gian học tập thân thiện, sáng tạo trong giờ học Toán. Các em HS rất hào hứng, phấn khởi khi giáo viên Toán hướng dẫn các em quay chậu cảnh tại trường. Với hoạt động này, HS không chỉ hiểu rõ kiến thức bài “mặt tròn xoay”, hiểu biết về nghề làm chậu cảnh, các em còn được thực nghiệm tự tạo mặt tròn xoay. HS được tự tay làm từ khâu đắp ụ cát tạo cốt cho đến khi hình thành chậu. Chìa khóa để mở ra cánh cửa thu hút hứng thú, tình yêu, niềm đam mê học tập môn Toán của HS, trước hết là quyết tâm đổi mới, là tư duy sáng tạo của các thầy cô giáo trong quá trình dạy học. Hoạt động ngoại khóa với nhiều nội dung kiến thức thiết thực, gần gũi với thực tế, câu lạc bộ Toán tổ chức đan xen với nhiều hoạt động giúp các em HS thể hiện được năng lực cá nhân, cũng như vận dụng được kiến thức Toán học vào thực tế đời sống. Theo thầy Bùi Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 huyện Bảo Yên, với phương châm “đổi mới, sáng tạo trong từng tiết dạy”, các thầy cô đã thực hiện đổi mới đồng bộ từ khâu xây dựng kế hoạch giảng dạy bộ môn bám sát đối tượng, đổi mới trong khâu vận dụng linh hoạt các phương pháp, nhằm tạo hứng thú cho học trò; đổi mới ở hình thức khởi động, củng cố, hướng dẫn chuẩn bị bài; đổi mới ở cả hình thức kiểm tra đánh giá. Với tinh thần ấy, mỗi tiết, mỗi giờ học sẽ là một hành trình khám phá, một cách khai thác, một cách hình dung để tiết học thật gần gũi, dễ hiểu, vừa hấp dẫn, sinh động vừa gần hơn với đời sống và suy nghĩ của học trò. Đưa HS về với thực tiễn đời sống sau những bài học trên lớp với mục tiêu giáo dục “học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, trong những năm qua, nhiều trường học ở Lào Cai cũng đẩy mạnh thực hiện các mô hình gắn với đặc thù vùng miền, nhằm đưa HS đến gần với thực tiễn đời sống hơn. Cô Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) cho biết, những năm qua, Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng đẩy mạnh mô hình đưa kịch vào trường học trong dạy học. Bước đầu, mô hình này đạt hiệu quả nhất định. Giáo viên biết biên soạn tài liệu và tìm dữ liệu trong SGK để tổ chức cho HS, với các nội dung và chương trình: Sân khấu hóa nội dung các câu chuyện cổ tích; sân khấu hóa chủ đề “Trò chơi dân gian”; sân khấu hóa “Học Luật Giao thông”; học Lịch sử qua sân khấu hóa; rèn kỹ năng sống qua sân khấu hóa…Nhờ có mô hình này, các hoạt động văn hóa được lồng ghép vào chương trình học chính khóa đã tạo được sự hấp dẫn và hứng thú cho các em HS. Ảnh minh họa Tạo môi trường học tập thân thiện Với đặc thù của địa phương, Trường THPT số 1 Bảo Yên (Lào Cai) đã lựa chọn mô hình trường học gắn với cộng đồng. Tại đây, HS được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông bằng những hoạt động trải nghiệm. Tự hào là những người con mang khí chất mạnh mẽ của núi rừng, các em hào hứng say sưa kể về những điệu múa, những lễ hội, những độc đáo về ẩm thực của đồng bào vùng cao… Ấn tượng nhất là những nét đặc sắc trong dân ca, dân vũ gắn với đời sống sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ đơn thuần là việc giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng, mà thông qua những môn nghệ thuật, thể thao đặc trưng của từng dân tộc, các em có cơ hội giới thiệu đến bạn bè những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình với niềm tự hào sâu sắc. Có thể khẳng định, việc xây dựng mô hình trường học gắn với cuộc sống ở vùng cao đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện, từng bước cụ thể hóa triết lý: Học đi đôi với hành, GD kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn tại địa phương. Em Giàng Thị Sai, HS lớp 12 A9, Trường THPT số 1 Bảo Yên đã uốn chiếc kèn lá trên môi, thể hiện tâm trạng cô Mỵ trong đêm tình mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Chiếc kèn lá đơn sơ nhưng lại vang lên những âm thanh dìu dặt, tha thiết, như tiếng lòng bạn trẻ nao nức mỗi lần xuống núi. Với tiết mục này, các HS toàn trường được đắm mình trong những làn điệu dân ca đầy mê hoặc và ấn tượng; từ đó góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, tăng cường sự gắn kết giữa HS các dân tộc với nhau. Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT Bảo Yên cho biết, mô hình trường học gắn với cuộc sống đã góp phần thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, gắn học tập với thực hành, gắn lý thuyết với thực tiễn, từng bước tiếp cận Chương trình GDPT mới và định hướng nghề nghiệp. Mô hình mới đã tạo ra môi trường học tập thân thiện, giúp HS hiểu giá trị của lao động, gắn kiến thức lý thuyết đã học với thực tiễn lao động, sản xuất. Các mô hình cũng hướng đến việc phát triển kỹ năng sống, giá trị sống, khả năng sáng tạo, hợp tác, làm việc với cộng đồng, giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, phát triển nghề của địa phương... Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .