Luật Giao thông đường bộ sẽ không quy định cấp bằng lái xe Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15-9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Nhất trí tách thành hai Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB lần này có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, luật chỉ quy định về GTĐB gồm kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB. “Như vậy, dự luật GTĐB lần này sẽ không còn quy định, điều chỉnh về đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện GTĐB; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB… Thay vào đó, những việc đó sẽ do (dự án) Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB quy định” - ông Thể cho biết. Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung các quy định về cơ chế đầu tư xây dựng, kinh doanh đường cao tốc để phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam. Bổ sung quy định kiểm soát khí thải định kỳ, đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông đối với mô tô, xe máy… Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhất trí với việc tách Luật GTĐB năm 2008 ra thành hai dự án luật (thêm Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB). Theo Chính phủ, việc tách hai nội dung lớn là GTĐB và bảo đảm trật tự an toàn GTĐB, đồng thời xây dựng thành hai dự án luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong đó, dự án Luật GTĐB (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng GTĐB, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhận thấy một số quy định trong dự thảo Luật GTĐB trùng lặp với quy định của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB… Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần này không còn quy định quản lý đào tạo, sát hạch lái xe. Ảnh: HOÀNG GIANG Cần tăng diện tích đất cho giao thông Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng một số ý kiến đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh như sau: “Luật này quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB; an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTĐB; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB”. Về tỉ lệ quỹ đất dành cho GTĐB trong đô thị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng nguyên nhân ùn tắc giao thông gia tăng ở các đô thị, nhất là Hà Nội và TP.HCM, hiện nay có phần do tỉ lệ đất dành cho giao thông đô thị quá thấp so với số lượng xe. Đặc biệt, các đô thị xây dựng mới sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật GTĐB năm 2008. Sẽ thu phí cầu, đường do Nhà nước đầu tư Điểm mới của dự thảo Luật GTĐB là bổ sung quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, cầu, hầm có quy mô lớn với mục tiêu tạo nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư. Cạnh đó, sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, nhất là tại khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm… dẫn đến ùn tắc giao thông. Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị như Luật GTĐB hiện hành (từ 16% đến 26%). Về đề xuất sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn, phù hợp với chính sách hạn chế phương tiện cá nhân tại các TP. Cân nhắc quy định chứng chỉ hành nghề lái xe Đối với việc quy định chứng chỉ hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì cho rằng đây là một loại giấy phép mới, làm phát sinh thủ tục hành chính. Hơn nữa, việc cấp chứng chỉ hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải và cấp giấy phép lái xe có sự trùng lặp về nội dung đào tạo, kiểm tra. Trùng lặp về mục tiêu quản lý là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa nhưng lại do hai ngành khác nhau thực hiện (ngành công an và ngành giao thông vận tải). “Việc bổ sung quy định trên sẽ tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của tài xế và/hoặc doanh nghiệp khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép…” - Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhấn mạnh. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .