Sở Công Thương TP.HCM đề nghị UBND 24 quận/huyện chỉ đạo ban quản lý các chợ kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ kinh doanh các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ thịt heo không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch. TP.HCM: Lập khẩn nhiều chốt chặn, kiểm soát Chiều 23-5, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết tới thời điểm hiện tại TP.HCM có hơn 4.000 hộ nuôi heo với gần 253.000 con. “Trước tình trạng dịch tả heo châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương lân cận, nguy cơ dịch bệnh nói trên thâm nhập TP.HCM rất cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đàn heo nuôi ở TP.HCM” - ông Nguyên nhận định. Theo ông Nguyên, hiện sáu vựa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (tỉnh này đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi) nhập heo sống từ các tỉnh phía Bắc và sau đó xuất đi các tỉnh khác. Đây chính là nguy cơ dễ phân tán virus dịch tả heo châu Phi và lây lan nguồn bệnh. “Ngày 22-5, cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện 75 con heo sống nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An (địa phương này đã bị dịch tả heo châu Phi) có giấy kiểm dịch được chuyển tới một vựa heo ở tỉnh Tiền Giang. Nhiều con trong số heo này sau đó được cấp giấy kiểm dịch chuyển tới cơ sở ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để giết mổ. Heo sau khi giết mổ được phân phối nhiều nơi nên nguy cơ lây truyền bệnh dịch tả heo châu Phi càng cao” - ông Nguyên nêu quan điểm. Ông Nguyên cho biết thêm phương tiện vận chuyển và con người từ vùng dịch bệnh vào TP.HCM cũng dễ mang và phát tán virus dịch tả heo châu Phi. Người đi mua heo cũng là nguồn lây lan bệnh nếu không thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. “Để ngăn chặn dịch tả heo thâm nhập, cơ quan chức năng và các quận/huyện lập thêm các trạm chốt chặn để kiểm soát heo và thịt heo đưa vào TP. Bên cạnh đó, các đoàn liên ngành quận/huyện và TP tăng cường giám sát các tuyến đường cửa ngõ để chặn heo và thịt heo không nguồn gốc tuồn vào TP. Cơ quan chức năng tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện tốt an toàn sinh học” - ông Nguyên nói. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra thịt heo đưa vào chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: TRẦN NGỌC Miền Đông: Xuất hiện 14 ổ dịch ở Bình Phước Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, mới đây tỉnh đã phát hiện thêm hai ổ dịch tả heo châu Phi mới tại thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng. Như vậy, tính đến nay tỉnh Bình Phước đã phát hiện 14 ổ dịch, tổng số heo bị tiêu hủy trên 300 con. Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh lây lan nhanh trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo cũng như môi trường, đời sống của người dân. Do đó, Tỉnh ủy Bình Phước vừa ban hành công văn tăng cường mọi biện pháp chống dịch, không để dịch tả heo châu Phi lan rộng, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống dịch. Miền Tây: Họp khẩn, lập chốt chặn, khử trùng ô tô Trước đó, ngày 22-5, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết trên địa bàn phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên vừa xuất hiện một ổ dịch tả heo châu Phi. Theo cơ quan chức năng, bước đầu xác định nguyên nhân xảy ra ổ dịch có thể là do nguồn thức ăn cho heo được sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt từ các quán ăn. Sau khi phát hiện ổ dịch trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang đã khẩn trương lập tám chốt kiểm dịch tạm thời đường bộ, hai chốt đường thủy kiểm soát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới) và chốt trên sông Hậu (TP Long Xuyên). Đồng thời thực hiện các giải pháp theo dõi, giám sát đàn heo để lấy mẫu khi có nghi ngờ, vệ sinh tiêu độc sát trùng toàn bộ vùng có nguy cơ. Còn tại Vĩnh Long, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tả heo châu Phi tỉnh đã có cuộc họp khẩn, triển khai công tác phòng, chống dịch sau khi phát hiện hai ổ dịch trên địa bàn. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long, ngày 20-5, tại khóm 1, phường 8, TP Vĩnh Long đã xuất hiện một ổ dịch tả heo châu Phi với 22 con heo mắc bệnh. Đến tối 21-5, thêm một ổ dịch tả heo châu Phi nữa được phát hiện tại khóm 6, phường 5, TP Vĩnh Long. Số lượng heo mắc bệnh là 100 con. Hiện 122 con heo mắc bệnh trên đều đã được tiêu hủy. Tại Cà Mau, tất cả tuyến đường bộ và đường thủy vào tỉnh này đang được lực lượng chức năng của tỉnh tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn nguồn dịch tả heo châu Phi thâm nhập. Ở một số tuyến đường có xe đi qua vùng dịch, tất cả ô tô đều được đề nghị ghé trạm để cán bộ phun thuốc khử trùng. Chiến dịch phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại tỉnh Cà Mau đã tiến hành khẩn trương hơn một tuần qua. Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải, trực tiếp chỉ đạo với nhiều cuộc họp liên ngành, kiểm tra thực tế diễn ra liên tục. Phạt tiền tiểu thương chợ Bình Điền Chiều 23-5, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM ra quyết định phạt một số trường hợp kinh doanh thịt heo không đạt chất lượng trong chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM. Theo đó, ông Trần Kim Sơn bị phạt gần 14 triệu đồng vì kinh doanh trên 230 kg thịt heo nhạt màu, các hạch xung huyết, mặt cắt cơ rỉ dịch, không bảo đảm ATTP. ông Lâm Trung Hiếu cũng bị phạt hơn 6 triệu đồng do đưa trên 120 kg thịt heo sậm màu, các hạch xung huyết… vào kinh doanh trong chợ. Cùng với đó, ông Nguyễn Ngọc Minh bị phạt trên 9 triệu đồng do đưa 95 kg thịt heo không dấu kiểm soát giết mổ vào chợ kinh doanh… Có biện pháp phòng ngừa tích cực cho TP.HCM Nguy cơ dịch tả heo châu Phi thâm nhập TP.HCM rất cao nếu không có những biện pháp phòng ngừa tích cực. Hiện Ban ATTP TP.HCM giám sát và kiểm soát chặt nguồn thịt heo từ các tỉnh đưa vào hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Ban cũng phối hợp với quận/huyện kiểm tra các điểm kinh doanh thịt heo trong chợ truyền thống. Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .