Công ty Thiết kế web

Miền Tây 'đau đầu' đối phó hàng ngàn vụ sụt, lún

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi truonghuong, 6/3/20.

  1. truonghuong

    truonghuong Active Member

    [​IMG]


    Đường Tắc Thủ - Vàm Đá đoạn đi qua khu vực Nông trường 402 thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng - Ảnh: NGUYỄN HÙNG


    Ông Nguyễn Văn Thống (ấp Ông Bích Lớn, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: "Năm nay đường sá trong khu vực hỏng hết. Tui vừa vui vì tuyến đường qua nhà mình được bêtông hóa thì nay nó sụt lún khiến đi lại, nhất là vận chuyển nông sản của người dân trong vùng gặp muôn vàn khó khăn".

    Sụt lún do hạn hán?

    Vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời bị sụt lún khắp nơi. Xã Khánh Bình Đông hiện có trên 200 điểm sụt đất, nằm rải rác ở 14 ấp, có những đoạn đường đã sụt lún hoàn toàn, có đoạn đã và đang có dấu hiệu tiếp tục sụt lún. Đáng chú ý là tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

    Ông Đỗ Văn Sử - chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông - cho biết đã kiến nghị UBND huyện Trần Văn Thời hỗ trợ kinh phí khắc phục những điểm sụt lún nghiêm trọng. Bên cạnh đó, địa phương huy động nguồn lực doanh nghiệp, trong dân để khắc phục hư hỏng.

    Theo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, điều nghịch lý là ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị sụt lún khắp nơi, trong khi ngoài vùng ngọt hóa lại không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, một số nơi tại vùng ngọt hóa ở huyện U Minh không ảnh hưởng. Nguyên nhân là tại các vùng này hệ thống kênh mương vẫn còn nhiều nước.

    Từ thực tế này, UBND huyện Trần Văn Thời đưa ra nhận định nguyên nhân dẫn đến sụt lún, sạt lở đất chủ yếu là do nắng hạn kéo dài, các tuyến kênh, rạch bị cạn nước làm mất áp lực, trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, sự chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, đồng thời chiều rộng bờ kênh, rạch từ mặt đường đến mép kênh hẹp dẫn đến nguy cơ sụt lún, sạt lở đất cao.

    Ngoài ra, người dân trên tuyến kênh, rạch thiếu ý thức trong việc khai thác đất quá mức từ đáy kênh bằng máy bơm hút và máy đào làm cho đáy kênh rộng và sâu cục bộ dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.

    Sạt lở "ngoạm" hết bề ngang tuyến đường

    Tại tỉnh Tiền Giang, mùa khô năm 2020 đánh dấu một sự bất thường mà từ trước đến nay rất hiếm khi xảy ra. Ngay từ đầu mùa khô, rải rác trong vùng ngọt hóa Gò Công đã xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún.

    Đầu tiên là những điểm sạt lở dọc theo mé của các tuyến kênh khi mực nước bị giật xuống, khô cạn, tiếp đến là những tuyến đường dọc theo các tuyến kênh cũng bị "kéo xuống".

    Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ngày 25-2 trên tỉnh lộ 873, đoạn qua xã Bình Xuân, thị xã Gò Công. Cả một đoạn đường dài gần 50m bỗng chốc sụt lún, trôi xuống sông Vàm Vé. Những ngày sau đó vết lún càng lan ra, đe dọa đến ngôi nhà của bà Văn Thị Bạch Tuyến nằm bên kia đường.

    Nhà bà Tuyến nằm cách sông Vàm Vé bởi con lộ 873. Vụ sụt lún sau khi "ngoạm" hết toàn bộ bề ngang tuyến đường hơn 6m đã tiếp tục lấn sâu vào sân nhà bà Tuyến, làm sập tường bao và thềm ba phía trước nhà.

    Bà Tuyến cho biết tình trạng sạt lở bờ sông ở ngay trong vùng ngọt hóa rất hiếm khi xảy ra bởi sông không có nước chảy. "Nhưng lần này lại xảy ra ngay tại nhà tôi. Ngôi nhà phải dành dụm cả đời mới cất được giờ đã bị nứt toạc, không dám ở".

    Ngoài điểm sạt lở này, Tiền Giang còn có nhiều điểm sạt lở khác nằm dọc hai bên hệ thống kênh dẫn nước. Điển hình như vụ sạt lở dọc theo kênh 14 tại huyện Gò Công Tây.

    Đánh giá về nguyên nhân gây sạt lở, ông Lễ Văn Nghĩa - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết hệ thống kênh 14 là kênh dẫn nước ngọt mới được nạo vét. Bùn đất sau khi nạo vét được dùng để đắp hai bên kênh làm đường giao thông.

    "Bước đầu, các chuyên gia thủy lợi đánh giá nguyên nhân là do kênh bị vét quá sâu, trong khi đất đắp lên hai bên bờ kênh bị khô, rút nước nên mất độ kết dính gây sạt lở" - ông Nghĩa nói.

    Biện pháp "chữa cháy" ngăn sụt đất

    Trước thực trạng hạn hán đã và đang diễn ra gay gắt, kênh mương vùng ngọt hóa bị khô cạn, sụt lún bủa vây, UBND tỉnh Cà Mau đã tính đến giải pháp "chữa cháy" như chặt hạ bớt cây xanh ven kênh, rạch, đưa nước mặn vào các tuyến kênh khô hạn... để "giải cứu" tình trạng sụt lún vùng ngọt hóa. Tuy nhiên, giải pháp này không được Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đồng ý. Cà Mau đang tìm kiếm giải pháp khác.

    Để "cứu" đê Biển Tây trong giai đoạn trước mắt, không để xảy ra sụt lún tiếp tục, ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết tỉnh đã thống nhất phương án khắc phục sự cố bằng cách đào con kênh khác để lấy đất dồn vào chân đê Biển Tây.

    Con kênh đào ở phía sau khu dân cư hiện hữu và song song với thân đê (cách thân đê hơn 100m về phía trong nội đồng).

    Phần đất đào lên sẽ dùng để lấp đầy con kênh hiện hữu nằm dọc theo chiều dài công trình đê Biển Tây (đoạn Đá Bạc đến cống Kênh Mới). Trường hợp không đủ đất, tỉnh sẽ bơm thêm một lượng bùn bổ sung để lấp đầy kênh.

    Trong khi đó, TS Trần Tân Văn - viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam - cho rằng sạt lở các tuyến đường ở Cà Mau khá nghiêm trọng.

    "Cơ bản tôi đồng ý với nhận định nguyên nhân là do nước ở các kênh dẫn hạ thấp quá nhiều so với hằng năm. Mấy năm trước không có vấn đề gì xảy ra do mực nước dưới kênh không hạ thấp nhiều quá" - TS Văn nói.

    Về đề xuất phương án chặt cây, theo TS Văn, đây không phải là cách làm hay vì trồng được một hàng cây mất năm, bảy năm mới lớn, mà chặt đi lần sau rất khó trồng lại. Ông đề xuất về lâu dài tỉnh có thể trồng dọc theo bờ kênh loại cỏ rất nổi tiếng là cỏ vetiver.

    "Chúng ta trồng một vài hàng khi nước cạn thì rễ ăn tiếp sâu xuống, nó bảo vệ được bờ đường" - TS Văn đề xuất.


    * PGS.TS Tô Văn Thanh (phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam):

    Khẩn trương bổ sung nước cho kênh rạch

    Để khắc phục tình trạng sụt, lún trước mắt cần khẩn trương bổ sung lượng nước tối thiểu cho kênh rạch nhằm duy trì bệ phản áp cho đường, đê. Trường hợp không có nước, có thể bơm bùn, cát vào kênh để tái tạo cân bằng đất và nước cho đê, đường giao thông. Tăng cường gia cố bờ kênh, chân đê, đường bằng các giải pháp công trình: sử dụng cừ, gia cố đất khoảng lưu không của đê, đường...

    Về lâu dài cần quy hoạch lại sản xuất ở vùng ngọt hóa ven biển nhằm giảm áp lực nhu cầu nước ngọt cho sản xuất, nhất là cho trồng lúa để duy trì lượng nước cần thiết trong kênh rạch vừa đảm bảo phản áp cho đê, đường vừa có thể lưu thông đường thủy.

    Hạn chế và tiến đến dừng hẳn việc khai thác nước ngầm. Đặc biệt là cần xây dựng tiêu chuẩn thiết kế, thi công xây dựng riêng cho trường hợp đê, đường giao thông trên đất yếu và trong điều kiện khô hạn kéo dài ở ĐBSCL.

    * PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ):

    Chọn giải pháp thuận thiên

    Sụt lún ở Cà Mau mới đây là bất thường so với những vụ sụt lún khác, vừa có yếu tố con người (làm mất nước trên lớp mặt) và cả yếu tố tự nhiên (biến đổi khí hậu gây khô hạn cực đoan).

    Về giải pháp, cái khó bây giờ là nước bị mất rồi thì phải tìm cách trả lại nước ở đó. Nhưng có 2 luồng ý kiến là lấy nước mặn hay nước ngọt để trả lại. Với nước ngọt, chắc chắn không đủ. Còn bơm nước mặn trở lại vùng ngọt hóa sẽ làm cho các dự án vùng ngọt hóa bị phá sản. Cũng có giải pháp đào kênh, bơm nước từ biển lên vùng đó để tạo lớp đệm nhằm giảm tác động. Nhưng phải cẩn thận trong các quyết định, phải có thử nghiệm, quan sát từ từ.

    Về lâu dài cần chọn giải pháp thuận thiên. Vùng mặn phải giữ mặn, phát triển sản xuất nông nghiệp như nuôi tôm. Còn vùng mặn biến thành vùng ngọt là không hợp lý, làm "nghịch thiên" và trái với tinh thần nghị quyết 120 của Chính phủ.

    H.T.DŨNG - C.QUỐC thực hiện


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này