Mô hình này tuy mới nhưng hiệu quả mang lại cho các cơ sở đào tạo, sinh viên, giảng viên đã hiện hữu. Xu hướng tất yếu Trong khi liên kết giữa trường đại học và DN ở Việt Nam để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) vào cuộc sống còn nhiều hạn chế, việc trường ĐH-CĐ tự thành lập công ty để "gỡ khó" và tăng tốc quá trình chuyển giao sản phẩm NCKH của giảng viên, SV là động thái đáng mừng. Thực tế, Luật Giáo dục đại học 2019, Nghị định 115 của Chính phủ về DN Khoa học Công nghệ đều đề cập đến vấn đề này với sự khuyến khích lớn. Đây là cơ sở và nền tảng để các trường ĐH-CĐ làm tốt hơn nữa việc chuyển giao thành tựu NCKH, phát triển kinh tế, hỗ trợ và phục vụ người học. Tiên phong trong việc thành lập công ty trong nhà trường có thể kể đến Trường ÐH Khoa học Tự nhiên (ÐHQG Hà Nội) với Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (thành lập năm 2004). Kế đến là Trường ĐH Bách khoa TPHCM với Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM (năm 2018), Trường ĐH Y Dược TPHCM có mô hình bệnh viện ĐH Y Dược vô cùng thành công, mới đây là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) với Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa (năm 2019). Cá biệt, có nhiều trường số lượng công ty được thành lập khá lớn, với vai trò và nhiệm vụ được phân theo từng mảng cụ thể. Đơn cử, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM hiện có 4 công ty: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Công nghiệp thực phẩm (FOODTECH), Công ty dịch vụ Kế toán - Kiểm toán, Công ty Du lịch HUFI travel, Công ty Dịch vụ kỹ thuật và Huấn luyện an toàn HUFI. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng có 10 công ty thuộc Trung tâm ươm tạo DN. TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Từ khi có các công ty trên, hoạt động chuyển giao thành tựu NCKH của giảng viên, SV phát triển rõ nét với mức tăng trưởng từ 700 - 800 triệu đồng/năm. Với SV, môi trường thực hành, thực tập tốt hơn rất nhiều. Tương tự, Trường ĐH Y Dược TPHCM hằng năm có được nguồn thu ổn định từ mô hình Bệnh viện ĐH Y Dược để tái đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ cho SV, gia tăng thu nhập cho giảng viên. Quan trọng hơn theo đại diện nhà trường, mô hình công ty trực thuộc trường đã giúp cho đội ngũ giảng viên, SV có một môi trường NCKH, thực hành chuẩn chất lượng ngay trong quá trình học tập, giảng dạy. Ảnh minh họa/ INT Cần cơ chế giám sát đủ sâu Nhìn nhận xu hướng DN trong trường học sẽ tạo động lực phát triển lớn cho các trường khi nguồn thu từ hoạt động chuyển giao NCKH được đẩy mạnh, tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Kinh tế quốc tế (Bộ KH&CN), khi triển khai mô hình trên, nhất là với các trường công lập nếu thiếu cơ chế giám sát dễ dẫn đến việc các công ty này có thể bị lợi dụng như tấm bình phong để biến công thành tư, trở thành "sân sau" của một vài người nhằm vụ lợi cá nhân. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, công ty thuộc trường ra đời nhằm làm cầu nối giữa trường đại học với các DN và địa phương. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ cho công tác đào tạo và NCKH, chuyển giao kỹ thuật, cũng như giúp nhà trường phát huy vai trò của mình đối với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, do DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với các nguồn thu - chi, thuế, phí… phải đóng nên các trường vẫn cần một cơ chế giám sát đầy đủ để tránh nảy sinh những vấn đề không hay. "DN trong trường đại học phải tuân thủ và thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa thực hiện luật DN, vừa phải làm tròn vai một đơn vị thuộc trường. Vì vậy, giám đốc DN phải hội đủ 2 tố chất: Nhà DN và nhà khoa học. Quan trọng hơn cả là trường cần phải có cơ chế giám sát tài chính, tài sản công để tránh thất thoát" - TS Lý nói. Nhìn nhận cơ chế giám sát các công ty (hạch toán kinh tế độc lập) thuộc trường có vai trò quan trọng để ngăn ngừa các tiêu cực có thể nảy sinh, minh bạch các nguồn thu - chi, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Hiện tài chính của 4 công ty trong nhà trường được Phòng Kế hoạch - Tài chính giám sát chặt chẽ, đường hướng phát triển, kinh doanh và mở rộng kinh doanh của các công ty đều phải báo cáo và nhận được sự thông qua của ban giám hiệu nhà trường. Điều này theo ông Thanh để các công ty phát triển đúng với mục đích ban đầu khi thành lập, mặt khác, hạn chế thấp nhất những rủi ro, "mặt trái" của mô hình DN trong nhà trường có thể nảy sinh. TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng nhìn nhận: Việc thành lập doanh nghiệp, công ty hoặc cơ sở sản xuất thực nghiệm để phát triển thương mại hóa các thành tựu NCKH và chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu của giảng viên và SV là phù hợp thực tế và nên đẩy mạnh. Bởi ngoài việc tạo ra nguồn thu lớn, trực tiếp cho nhà trường, nó còn giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm NCKH từ trường đại học ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, nếu việc thành lập các công ty chỉ đơn thuần phục vụ hoạt động dịch vụ thì cần phải có cơ chế giám sát đầy đủ và chặt chẽ. "Với khối trường tư thục không có gì phải bàn cãi nhưng với hệ thống trường công lập, thí điểm tự chủ tài chính cần phải xem xét thật kỹ hoạt động của các doanh nghiệp trong nhà trường song hành với Luật Đầu tư, Ngân sách để tránh nảy sinh việc chuyển công sang tư, nảy sinh lợi ích nhóm. Để giám sát các công ty trên, vai trò của Hội đồng trường vô cùng quan trọng. Nhưng thực tế, không nhiều Hội đồng trường được quyền can thiệp, giám sát cơ chế tài chính của các đơn vị này", TS Lê Lâm nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .