Các kỹ sư, nhân viên lao động kỹ thuật cao làm việc trong một công ty phần mềm tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D. Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ trước cuộc gặp này, tùy vị trí và góc nhìn nhưng mỗi người không chỉ mong chia sẻ tâm tư riêng mà còn muốn được nói thay cho đồng nghiệp, bạn bè đang sát cánh cùng họ mỗi ngày. Môi trường làm việc, nâng cao tay nghề Chờ đợi cuộc gặp này, anh Nguyễn Vũ Đạt (Công ty cao su Thống Nhất, TP.HCM) cho rằng có nhiều yếu tố giữ chân người lao động, song môi trường làm việc đôi khi sẽ quyết định việc đi hay ở của họ. Môi trường ấy, theo Đạt, không gì ngoài được làm việc trong đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp người lao động thể hiện hết khả năng, người quản lý hiểu và tạo điều kiện cho họ, giúp tăng cơ hội làm việc cho mỗi công nhân. Từng nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng của Liên đoàn Lao động TP.HCM, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bằng khen Thủ tướng cho những sáng kiến giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng cho doanh nghiệp, anh Đạt nói việc thu hút nhân tài, người có trình độ cao mấy năm gần đây có thay đổi nhưng lại chưa nhiều chính sách hỗ trợ họ trong quá trình làm việc. "Tôi kỳ vọng sẽ thay đổi, tạo nhiều điều kiện về môi trường làm việc, nâng cao tay nghề, cơ hội thăng tiến cho lao động kỹ thuật cao hơn nữa" - anh Đạt chia sẻ. Từ quan sát cá nhân sau 20 năm làm việc, anh Lê Thành Uy (Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam, Hải Phòng) muốn đề xuất Chính phủ xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ công nhân lành nghề bậc cao môi trường nghiên cứu, sáng tạo. Lý giải, anh Uy nói yêu cầu về công nghệ, tự động hóa ngày càng cao, nếu không tạo được môi trường như thế sẽ khó để bắt kịp nhu cầu đổi mới sáng tạo hiện nay. Thường xuyên tham gia đào tạo công nhân, anh Uy còn mong hệ thống giáo dục, đào tạo đầu tư đồng bộ chương trình. "Học viên hiện chủ yếu được đào tạo về lý thuyết, trong khi kỹ năng làm việc, thực hành không đáp ứng được yêu cầu công việc. Cơ sở đào tạo cần trang bị thiết bị hiện đại giúp người học tiếp cận công nghệ mới, có thể liên kết gửi học viên đến học ở doanh nghiệp, để khi hoàn thành khóa đào tạo họ có thể đáp ứng ngay công việc" - anh Uy nhìn nhận. Không gian sáng tạo, thu nhập tương xứng Anh Phan Anh Hây (Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, TP.HCM) cho rằng nâng cao tay nghề cho công nhân cũng chính là giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Anh mong muốn cách quản trị phải hiện đại hơn, không phải kiểm soát mà chính là hỗ trợ công nhân, cho họ không gian sáng tạo khi làm việc. Anh Hây cho biết ba năm tu nghiệp tại Nhật đã giúp anh học được nhiều điều ở môi trường làm việc kỷ luật và trang thiết bị hiện đại. "Khi làm việc trong trạng thái được khích lệ, cơ sở tốt, nếu được vừa học vừa làm, tôi tin công nhân sẽ gắn bó và đóng góp tốt hơn cho doanh nghiệp" - anh bày tỏ. Tôi biết đã thống nhất nguồn vay hỗ trợ công nhân mua nhà lãi suất ưu đãi nhưng hiện chưa đến tay nên muốn hỏi Thủ tướng bao giờ công nhân sẽ tiếp cận được nguồn này Anh PHAN ANH HÂY Trải nghiệm 30 năm làm việc, anh Phan Quang Liền (Công ty cổ phần Dệt may 29-3, Đà Nẵng) muốn đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ công nhân lao động kỹ thuật thực hiện các ý tưởng, sáng kiến phục vụ công việc. Từng là công nhân kỹ thuật làm việc trực tiếp với máy móc, anh thấy đội ngũ lao động kỹ thuật chưa có nhiều hỗ trợ cần thiết để phát huy hết sự sáng tạo, chưa có điều kiện thử nghiệm những ý tưởng mang lại lợi ích cho công việc. Ngoài ra, trả lương tương xứng với khả năng, mức độ đảm bảo công việc cũng là điều anh Liền muốn chia sẻ tại cuộc gặp vì là yếu tố quan trọng thúc đẩy khả năng lao động. Điều này được anh Nguyễn Vũ Đạt đồng tình và cho rằng mức thu nhập gần đây có tăng nhưng chưa tương xứng. "Tôi biết là khó song có thể thí điểm đánh giá hiệu quả để trả lương theo năng lực làm việc, đừng cào bằng. Điều này khối tư nhân làm được, nếu các đơn vị nhà nước không làm e sẽ mất dần nguồn lao động tay nghề cao" - anh Đạt phân tích. * Bà LÊ BÍCH LOAN - Quyền trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM: Nâng tỉ lệ lao động kỹ thuật cao Bà LÊ BÍCH LOAN - Quyền trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM Tỉ lệ lao động kỹ thuật cao tại khu công nghệ cao có tăng nhưng so với các nơi khác vẫn chưa đạt. Đến năm 2018 vẫn còn 52% lao động phổ thông làm việc tại đây. Tôi mong Chính phủ tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tay nghề cho người lao động qua đào tạo, đổi mới trang thiết bị, tiếp cận công nghệ mới, quy trình sản xuất tự động hóa hơn nữa. Chúng ta không thể dùng người có trình độ đại học vào sản xuất trực tiếp, sẽ rất lãng phí nhân lực trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phải đòi hỏi doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo khi hoạt động trong khu công nghệ cao. Cũng cần cải cách thể chế để khu công nghệ cao huy động được tài lực, trí lực, thành trung tâm thúc đẩy khoa học công nghệ, đóng góp cho nền kinh tế tri thức. Hoàn thiện quy chế pháp lý như: cơ chế một cửa, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực bộ máy ban quản lý... bởi chúng ta đặt nhiệm vụ cao nhưng thẩm quyền cho khu công nghệ cao lại chưa cân xứng. * Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM: Hỗ trợ nâng cao tay nghề Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY (chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) Đúc kết thực tế từng nhóm ngành, nghề cụ thể, Công đoàn TP đã phát động trong công nhân lao động TP lao động giỏi, lao động sáng tạo. Nhiều hội thi tay nghề giỏi hằng năm của các công đoàn cơ sở và TP không ngoài mục tiêu vừa giúp người lao động nâng cao tay nghề, vừa giúp người quản lý kiểm tra trình độ, đánh giá được thực trạng đội ngũ hiện có. Giải thưởng Tôn Đức Thắng của Liên đoàn Lao động TP.HCM 19 năm qua đã vinh danh rất nhiều lao động có tay nghề, kỹ thuật cao với nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến trong quá trình làm việc, làm lợi và tiết kiệm tiền tỉ cho doanh nghiệp. Mới nhất còn có lớp đại học liên kết giúp không chỉ nâng cao trình độ mà còn mở ra nhiều cơ hội để công nhân tìm được công việc phù hợp khi có nhu cầu chuyển đổi việc làm. Q.NGUYÊN ghi Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .