Công ty Thiết kế web

Mùa mưa, người bị rắn cắn tăng mạnh

Thảo luận trong 'Sức khỏe' bắt đầu bởi postbai, 2/9/19.

  1. postbai

    postbai New Member

    Cả nước đang bắt đầu bước vào mùa mưa, đây là thời điểm có khí hậu thuận lợi cho các loài rắn độc sinh sản. Ghi nhận tại BV Chợ Rẫy, số ca rắn độc cắn nhập bệnh viện tăng mạnh trong thời gian gần đây.

    Bị rắn cắn bất ngờ

    Theo thống kê của khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy (TP.HCM), mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 2-3 ca bị rắn độc cắn ở nhiều nơi, từ các tỉnh miền Trung cho đến các tỉnh miền Tây Nam bộ.

    Nhập bệnh viện điều trị được một ngày tại khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, anh Nguyễn Văn Minh (30 tuổi, ngụ huyện Tánh Linh, Bình Thuận) cho biết vào sáng 29-8, khi đang trút mủ cao su ở ngoài vườn thì anh bất ngờ đạp phải con rắn chàm quạp đang ẩn mình dưới lá cao su cắn phải. “Tôi cũng có sắm đôi ủng để đi làm vườn mang nhưng đôi lúc cũng lười biếng, nếu như mang ủng thì có bị rắn cắn cũng không sao rồi” - anh Minh cho hay.

    Đang nhổ cỏ để trồng rau, bà Đỗ Thị Ngà (61 tuổi, ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) bất ngờ giật bắn người khi bị một con rắn ngoạm vào ngón tay cái của bàn tay phải. Tuy nhiên, sau khi cắn bà, con rắn vẫn không nhả ra khiến bà phải vất vả gỡ các mấu răng ra và giết chết con rắn, đem đến BV quận 9. Tại đây, xác định loại rắn cắn bà là rắn lục đuôi đỏ có thể gây rối loạn đông máu, bà được BV quận 9 chuyển BV Chợ Rẫy để điều trị tiếp. “Con rắn lẫn ở trong đám cỏ, khi tôi nhổ cỏ thì nó cũng bị bốc lên theo. Sau khi bị cắn, tôi thấy tê rần hết cả tay, mặt nóng bừng bừng, toát mồ hôi, vết cắn càng ngày càng sưng và lan rộng” - bà Ngà kể.

    Bị rắn hổ đất cắn vào ngón tay phải, chị Trương Thị Phượng (50 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) cho biết làm nghề buôn bán rắn để ngâm rượu được hơn 10 năm nay. Vào mùa sinh sản của rắn, công việc chị thường tất bật hơn. Chị cho biết: “Làm nghề bán rắn nên tôi cũng phân biệt được rắn độc và rắn lành nên chỉ thường dùng tay không bắt rắn lành. Tôi bị rắn hổ đất cắn vào tay là khi nó nằm ở trong bao lưới” - chị Phượng kể.

    [​IMG]

    Bà Đỗ Thị Ngà (quận 9, TP.HCM) với vết cắn của rắn lục đuôi đỏ trên tay phải đang được BS Thơ thăm khám. Ảnh: HL

    Không nên đắp lá cây

    Theo ThS-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, thời tiết mùa mưa rất thuận lợi cho rắn sinh sản. Hằng năm, vào thời điểm này, bệnh viện thường tiếp nhận số ca bị rắn độc cắn tăng mạnh, nhiều hơn vào mùa khô.

    Rắn độc ở Việt Nam có thể phân làm hai nhóm chính gồm nhóm rắn gây nhiễm độc thần kinh (hổ chúa, hổ đất, hổ mèo, cạp nong, cạp nia) và nhóm rắn gây rối loạn đông máu (rắn lục, chàm quạp, sải cổ đỏ).


    Bỏ thói quen ngủ dưới đất

    Đối với người dân có thói quen ngủ dưới đất, không bỏ mùng cần chú ý thay đổi thói quen vì vào mùa sinh sản, các loài rắn độc như cạp nong, cạp nia thường bò vào nhà. Khi ngủ nên đóng tất cả cửa phòng ngừa rắn vào nhà.

    Khi bị nhóm rắn gây nhiễm độc thần kinh cắn, bệnh nhân thường có phản ứng sưng đau tại chỗ, hoại tử nặng nề vết cắn, suy hô hấp tuần hoàn nếu không được chữa trị kịp thời. Các loại rắn gây rối loạn đông máu thường gây xuất huyết ở vết rắn cắn hoặc da bầm máu khắp mọi nơi, ngay chỗ chi bị cắn thường có tình trạng chảy máu trong cơ, sưng nề dữ dội. Bệnh nhân nặng có thể bị xuất huyết nội tạng, nặng nhất là xuất huyết não và tử vong. Bệnh nhân cần được xác định mức độ nhiễm độc và tiêm huyết thanh kháng nọc độc theo chỉ định càng sớm càng tốt.

    Ngoài ra, khi bị rắn cắn bệnh nhân có thể có triệu chứng sốc phản vệ do cơ thể phản ứng lại với nọc độc bơm vào máu trước khi biểu hiện các triệu chứng nhiễm độc thần kinh và rối loạn đông máu.

    Cũng theo BS Thơ, hiện nay dù việc tuyên truyền xử lý rắn độc cắn rộng rãi nhưng vẫn còn có tình trạng người dân tìm đến các thầy lang để chữa thuốc Nam, rạch hút nọc độc, tự tìm đắp những loại thuốc, lá cây dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử chi, phải đoạn chi. Nặng hơn bệnh nhân không kịp đến bệnh viện mà tử vong tại nhà.

    BS Thơ khuyến cáo người dân khi đi vào rừng hoặc vùng có cây cỏ nhiều, nên lấy cây dò trước để đánh động rắn bỏ đi. Những người có công việc thường xuyên tiếp xúc với cây cối như công nhân đi cạo mủ cao su nên mang ủng cao và giày để ngừa rắn cắn.


    Không nên băng garo chỗ bị rắn cắn

    Khi bị rắn cắn, người dân phải thật bình tĩnh, đừng hoảng hốt, cố gắng hạn chế di chuyển chi bị cắn, rửa sạch vùng bị rắn cắn, cung cấp cho bác sĩ màu sắc, cách cư xử của rắn để giúp bác sĩ nhận dạng loại rắn. Nếu đem được rắn tới bệnh viện thì tốt, tuy nhiên không có khuyến cáo bệnh nhân phải cố gắng bắt bằng được rắn vì có thể làm cho bệnh nhân phải di chuyển, không loại trừ bị rắn cắn lần hai, lần ba. Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử mà chỉ cần bất động vùng bị rắn cắn. Bệnh nhân bất an và di chuyển nhiều sẽ càng làm cho nọc rắn di chuyển nhanh hơn. Bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp.

    ThS-BS VÕ NGỌC ANH THƠ, Phó Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy

    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này