Chăm sóc con nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: CTV Đối với trẻ ở độ tuổi cấp I hay cấp II, cha mẹ ít chú ý kiểm tra lịch chích ngừa. Tốt nhất, sau 3 đến 5 năm, chúng ta nên chích ngừa nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng BS CKII Nguyễn Viết Hậu Vẻ mặt âu lo, chị Lê Thị Minh Anh (ngụ Q.8, TP.HCM) đang chăm sóc con nhỏ điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM kể: "Hai ngày đầu thấy cháu bị ho, tôi cho uống thuốc nhưng càng nặng thêm. Ngày thứ ba cháu sốt cao, thở mạnh, đưa đi bệnh viện khám mới biết bé bị viêm phổi. Thời tiết cả ngày lẫn đêm đều nóng thế này khiến bé cứ sốt hoài, tôi lo quá". Tăng 10 - 15% trẻ nhập viện Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận gần 5.000 bệnh nhi đến khám, phần lớn liên quan đến các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi và tiểu phế quản. Nguyên nhân được các bác sĩ lý giải là do dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm dần. Điều này khiến bé dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt các bệnh lý hô hấp như viêm phổi. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng có thể làm thực phẩm dễ ôi thiu, vi trùng phát triển nhanh gây ra bệnh lý về đường ruột như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đàm máu ở trẻ. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ đến khám và nhập viện trong những ngày qua cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, trẻ mắc bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói tăng nhiều, từ 10-15% so với tháng trước. Ngoài ra còn có hàng ngàn trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi... BS Đặng Thị Kim Huyên, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết có nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột. "Các bé thường chạy từ ngoài trời nắng vào thẳng nơi có máy lạnh hoặc nhảy xuống hồ bơi ngay rồi ngâm mình trong bể bơi quá lâu nên rất dễ bị sốc nhiệt. Ngoài ra, việc thời tiết quá nóng bức trong khi bé mặc quần áo bí bức dễ đổ mồ hôi gây mẩn ngứa viêm da" - BS Huyên nói và cho rằng các bậc cha mẹ không nên chủ quan với các biểu hiện của trẻ như ho, sốt, sổ mũi... bởi sẽ khiến bệnh tình bé nặng hơn dẫn đến nhập viện. Theo các bác sĩ, nắng nóng khiến trẻ dễ mất nước, do đó các bậc phụ huynh thường cho trẻ uống nhiều nước. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên để trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas kèm theo đá lạnh. "Tốt nhất nên cho trẻ uống nước ép từ các loại trái cây tươi. Bên cạnh đó, người lớn cần phải chú ý dung hòa nhiệt độ các phương tiện làm mát phù hợp với cơ thể trẻ, hướng dẫn trẻ hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ bị sốc nhiệt" - BS Huyên khuyến cáo. Trẻ nhỏ và người già thích nghi kém BS CKII Nguyễn Viết Hậu - phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho rằng đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi tốt nhất là khoảng 25°C. Sở dĩ cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt thay đổi của nhiệt độ là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Tuy nhiên khi đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hoặc nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp dẫn đến bệnh. Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao... BS Hậu khuyên mọi người nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành. Hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h đến 16h. Đặc biệt phải chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Trong thời tiết nóng bức cần lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp. Bên cạnh đó, theo BS Hậu, mọi người nên chú ý đến các bệnh lý về da. Khi nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn. Đặc biệt là ở trẻ em hay người lớn tuổi mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị lở loét, vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn... Một số bệnh truyền nhiễm ít người chú ý tới như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng... thường xuất hiện trong thời gian này. "Điểm mặt" 6 bệnh lý mùa nắng nóng BS Nguyễn Viết Hậu cho biết có 6 bệnh lý do thời tiết nắng nóng gây ra. Phù do nhiệt: biểu hiện của bệnh lý này là phù ở phần thấp cơ thể như ở mắt cá, bàn chân. Phát ban do nhiệt: xuất hiện nổi mẩn ngứa, mề đay. Chuột rút do nhiệt. Ngất xỉu do nhiệt: thường gặp ở những người đi du lịch trong mùa hè, phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều... gây ra tình trạng mất muối và nước, từ đó làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, làm giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu lên não gây triệu chứng ngất xỉu. Kiệt sức do nhiệt: biểu hiện không chỉ là ngất xỉu thông thường mà kèm theo các dấu hiệu của triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói... Sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt): là loại bệnh có tỉ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não; nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .