Nhân viên trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo trước khi vào nội thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) diễn ra ngày 26-3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường cho biết DTHCP diễn ra trên 2 tháng qua, đến nay đã xảy ra ở 21 tỉnh, thành phố với tổng số hơn 64.000 con heo bị tiêu hủy. "Hiện nay, chăn nuôi nước ta vẫn chủ yếu quy mô hộ gia đình, trong khi tới đây dự báo tốc độ bệnh này sẽ vẫn lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn nếu không áp dụng các biện pháp phòng vệ" - ông Cường nói. Về chương trình hành động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh DTHCP, Bộ trưởng Cường nhận định cần phân ra làm 2 nhóm. Đối với nhóm hộ nhỏ lẻ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học, rút kinh nghiệm thời gian qua dịch xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Qua đó, việc áp dụng an toàn sinh học như các hộ chăn nuôi có quy mô lớn sẽ có điều kiện ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn. Đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, có tổng đàn lớn, đặc biệt là các hộ quản lý đàn hạt nhân (đàn nái - PV), cần gia tăng các biện pháp phòng hộ để đảm bảo an toàn cho đàn giống, khi dịch bệnh ổn định thì có cơ sở đàn giống tốt cho việc nhân đàn. Một giải pháp nữa là ngăn chặn tối đa bệnh DTHCP lây lan vào phía Nam. "Hiện vẫn còn xe vận chuyển heo, sản phẩm thịt heo từ Bắc vào Nam, do đó phải giám sát chặt bằng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời cùng với các biện pháp khác nhằm giảm thiểu rủi ro, nguy cơ dịch bệnh gây ra đối với đàn heo khu vực phía Nam, nếu để xảy ra thì rất nguy hiểm" - ông Cường nói. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Long - trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y - cho biết đáng lưu ý từ ngày 20-3, bệnh DTHCP có chiều hướng lây lan nhanh ở phạm vi rất rộng, trong đó đã có hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 con (gồm 500 heo nái và 4.000 heo thịt) tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị bệnh. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .