Áp dụng tối đa hình thức dạy học trực tuyến Là một trong những trường đầu tiên tổ chức dạy học trực tuyến khi Nghệ An cho học sinh nghỉ học đồng loạt phòng dịch, thầy Trần Văn Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng (TP Vinh) cho biết: Trước khi triển khai, nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên và cho các lớp học thử. Nhận thấy việc dạy học trực tuyến khá thuận lợi nên chúng tôi mạnh dạn áp dụng. Sau khi học sinh đi học trở lại, nhà trường có thể vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến đối với một số môn vào những dịp thích hợp. Tạo sự đa dạng, linh hoạt và thói quen tiếp nhận kiến thức bằng nhiều kênh cho học sinh. Bước vào tuần thứ 2 kỳ nghỉ học liên tiếp, nhiều trường cũng đã chủ động cung cấp nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học qua hệ thống E-Learning, website của nhà trường, địa chỉ email, Zalo, Facebook… Tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (GV tiếng Anh) đang lên lớp dạy học bình thường. Tuy nhiên, phía dưới thay vì có học sinh lại là các giáo viên khác trong tổ bộ môn cùng hỗ trợ và quay clip. “Đứng trên bục giảng trước bao nhiêu học sinh tôi thấy bình thường, nhưng khi đứng trước máy quay khá “run”. Hoặc nhiều khi giáo viên theo thói quen giảng bài trực tiếp, đứng ở vị trí không phù hợp, che tầm quan sát của học sinh hoặc của máy quay… Sau nhiều lần luyện tập, làm lại đến nay chúng tôi đã thực hiện khá trôi chảy, thành công các clip dạy học cho học sinh của mình”, cô Thủy chia sẻ. Thầy Phan Xuân Phàn – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: Nhà trường đã tập trung giáo viên thực hiện kế hoạch dạy học trực tuyến. Các giáo viên được chia làm 4 nhóm với nhiệm vụ: Chuẩn bị kiến thức dạy học các môn, ra câu hỏi ôn tập, chấm kiểm tra học sinh; Đưa hệ thống bài giảng, câu hỏi sẽ đưa lên mạng kịp thời cho học sinh; Thông báo cho học sinh các hoạt động của nhà trường, tiếp nhận thông tin học sinh và nhiệm vụ hậu cần khác. Đối với khối 10 và 11, nhà trường ưu tiên các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Đối với lớp 12 thì quay video bài giảng tất cả các môn và hiện đã hoàn thành. Không để HS gián đoạn kiến thức Trường Tiểu học Yên Na (huyện Tương Dương, Nghệ An) đóng tại địa bàn rộng lớn, có nhiều điểm trường lẻ, học sinh của trường 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc trao đổi bài tập qua mạng Internet là điều không thực hiện được. Trước thực tế đó, các giáo viên quyết định đến tận nhà học sinh để giao bài tập cũng như thăm hỏi, nắm tình hình sức khỏe các em. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc (GV nhà trường) chia sẻ: “Đầu tuần, giáo viên chia thành từng nhóm đến bản mình phụ trách và vào nhà tất cả học sinh. Việc giao bài tập cũng ở mức độ nhẹ nhàng, chủ yếu ôn luyện lại kiến thức đã học, không gây áp lực cho học sinh. Vào cuối tuần hoặc đầu tuần tiếp theo, các cô sẽ đến kiểm tra bài làm của học sinh và giao bài tập mới. Điều đáng mừng, các em thực hiện chăm chỉ. Chúng tôi cũng đồng thời làm công tác tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh phòng dịch bệnh, theo dõi sức khỏe các con”. Trường Tiểu học Tam Quang 2 (huyện Tương Dương) cũng ra quân đến nhà học sinh từ ngày 17/2. Ngoài việc giao bài tập, các cô còn mang nhiều sách báo, truyện từ thư viện cho học sinh mượn đọc. Theo hiệu trưởng nhà trường, việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh được thực hiện từ nhiều năm trước, kể cả dịp hè nhà trường cũng mở cửa cho các em đến thư viện. Vì thế, dịp nghỉ học này, thấy các cô chở theo sách đến nhà khiến các em vui mừng, chờ đợi. Bà Võ Thị Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết: Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện nhiệm vụ phòng dịch và ôn tập cho học sinh trong thời gian nghỉ dạy học. Trong đó nhấn mạnh đến nhiều giải pháp để hướng dẫn học, giao bài tập, sách báo cho học sinh. Đối với vùng có kết nối Internet, thiết bị điện tử sẽ dạy học trực tuyến. Ngược lại, cũng có những vùng khó khăn, biên giới, lòng hồ…, giáo viên phát huy trách nhiệm, tìm giải pháp đưa bài tập, sách báo đến tận tay học sinh. Là tỉnh rộng lớn, Nghệ An có hơn 1.500 trường học ở cả vùng thuận lợi lẫn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Việc dạy học, ôn tập phải phù hợp với điều kiện nhà trường và từng vùng miền. Các tổ chuyên môn xây dựng nội dung ôn tập theo hệ thống từng bài, chủ đề hoặc các nhiệm vụ học tập để học sinh thực hiện hàng ngày, hàng tuần. Đảm bảo phù hợp với hình thức tự học và theo sát phân phối chương trình theo quy định. - Ông Nguyễn Trọng Hoàn (Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An) Hồ Lài Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .