Bé NTH năm nay đã bảy tuổi nhưng lúc nào mẹ bé là chị ĐTHY (42 tuổi, ngụ huyện Kim Động, Hưng Yên) cũng phải sắp xếp người trông nom con cẩn thận do H. mắc chứng tăng động, liên tục chạy nhảy. Chị Y. kể khi con chị lên ba tuổi, gia đình đã thấy H. có biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm hơn những đứa trẻ khác. “Lúc đó mọi người trong nhà vẫn cứ nghĩ cháu hiếu động hơn bạn bè cùng tuổi có thể là do cháu thông minh, nhanh nhẹn hơn” - chị Y. chia sẻ. Nhầm lẫn giữa tăng động và hiếu động Đến tuổi đi học mầm non, bé H. thường gào khóc, tỏ ra sợ hãi khiến chị Y. phải dùng nhiều biện pháp cưỡng ép con đến lớp. Khi ở lớp bé lại thu mình, thích chơi riêng, không hợp tác cùng giáo viên. Giờ tan học bé cũng phải chờ cả trường về hết, sân không còn một bóng người mới chịu theo mẹ về nhà. Khi H. bắt đầu vào lớp 1, cô giáo chủ nhiệm thường xuyên phàn nàn với gia đình việc bé hay mất tập trung, nghịch ngợm mọi lúc mọi nơi, kể cả trong giờ học. Lúc này chị Y. mới đưa con đến khám tại BV Nhi Trung ương và được các bác sĩ cho biết bé H. mắc chứng tăng động, giảm chú ý. “Khi biết con mắc bệnh tôi đã rất hối hận, lẽ ra khi cháu có những biểu hiện dễ kích động, tấn công người khác hoặc tranh giành thứ gì đó không được là cáu gắt… tôi phải đưa cháu đi khám sớm. Để càng muộn thời gian điều trị càng khó khăn. Bác sĩ có nói bệnh này phải điều trị lâu dài 5-10 năm, vừa uống thuốc vừa bổ sung ăn những loại thức ăn tốt cho não bộ, nhất là các thức ăn đồ uống giàu sắt. Mong là sau điều trị, con tôi sớm ổn định” - chị Y. tâm sự. Chị ĐTHY cùng con trai tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: HÀ PHƯỢNG Chị LP và con trai điều trị tại BV Châm cứu Trung ương. Ảnh: HÀ PHƯỢNG “Săn” vé giá rẻ đưa con đi chữa bệnh Giống chị Y., chị LP (huyện Phù Cát, Bình Định) suốt năm năm qua phải cực khổ trăm bề, không dám rời con nửa bước chân. Chứng tăng động giảm chú ý khiến con trai chị - bé LĐH liên tục quậy phá, nghịch ngợm, hễ khuất tầm mắt người lớn là bé lại chạy mất tăm. Bé ĐH mắc chứng tự kỷ từ nhỏ, lên hai tuổi vẫn chưa biết nói, không bập bẹ âm tiết, muốn gì chỉ dùng tay chỉ, vẫy hoặc quẫy đạp… Đến năm lên năm tuổi, bé ĐH vẫn không thể nói được một từ hoàn chỉnh, nhiều khi không nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh. Gia đình đã đưa bé đến BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám, tại đây ĐH được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, bé luôn thu mình, rúc vào người mẹ khi gặp người lạ. Điều trị một thời gian dài không có tiến triển, chị P. quyết định “săn” vé máy bay giá rẻ đưa con ra Hà Nội chữa bệnh khi con tròn năm tuổi. Tại BV Châm cứu Trung ương, ĐH lại được chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý. “Đây là lần thứ hai tôi đưa cháu ra Bắc chữa bệnh. Nghe nói bệnh này phải điều trị lâu dài, rất tốn kém nhưng do thấy cháu có thay đổi sau hai lần điều trị nên vợ chồng cũng ráng, được thêm lần nào hay lần đó” - chị P. nói. Cần phát hiện, can thiệp sớm Thường xuyên điều trị cho trẻ mắc tăng động giảm chú ý, ThS-BS Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần BV Nhi Trung ương, cho biết trẻ mắc hội chứng này có một số biểu hiện đặc trưng: Thường không có khả năng chú ý cao tới chi tiết hoặc mắc lỗi cẩu thả trong học tập ở trường, công việc hay các hoạt động khác; không tuân theo các chỉ dẫn, không chú ý lắng nghe khi thực hiện các nhiệm vụ hay các hoạt động có tính tổ chức; thường làm mất đồ dùng... Các biểu hiện giữa bé trai và bé gái có thể khác nhau. Các bé trai thường biểu hiện hiếu động quá mức, trong khi các bé gái có xu hướng kém chú ý. Tuy gây ra những khó khăn nhất định cho trẻ trong học tập, giao tiếp, song trẻ mắc tăng động giảm chú ý vẫn có khả năng phát triển và hòa nhập cộng đồng nếu được phát hiện và can thiệp sớm. “Nếu một trẻ có các dấu hiệu trên kéo dài quá sáu tháng, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để có hướng điều trị kịp thời cho trẻ. Thường trẻ bị mắc hội chứng này chỉ có thể dùng thuốc kết hợp ăn những chất bổ sung cho não bộ, đặc biệt cha mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện, quan tâm đến con hơn” - BS Minh khuyến cáo. Phương pháp chăm sóc một trẻ rối loạn tâm lý và tự kỷ là không giấu giếm. Ngoài việc cho bé đến lớp mầm non để sinh hoạt cùng cô giáo và các bạn, nên tích cực cho bé ra ngoài tiếp xúc với nhiều người hơn để trẻ mạnh dạn và được nghe, nói nhiều. Cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải thay phiên nhau trò chuyện với con. Khi ăn uống nên cho trẻ tự xúc ăn, khuyến khích trẻ tự lập trong mọi việc có thể. BS DƯƠNG VĂN TÂM, Trưởng khoa Điều trị liệt vận động- Ngôn ngữ trẻ em, BV Châm cứu Trung ương Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .