Công ty Thiết kế web

Người dân cần câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc vụ cháy Rạng Đông

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi truonghuong, 11/9/19.

  1. truonghuong

    truonghuong Active Member

    [​IMG]


    Chị Anh - người dân sống ngay cạnh Nhà máy Rạng Đông - cọ rửa đồ đạc trong gia đình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH


    Ông Đỗ Thanh Bái, giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Hội Hóa học Việt Nam) nhận định như vậy với Tuổi Trẻ về vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, TP Hà Nội. Theo ông Bái, cách nhận diện vấn đề vụ cháy ở Công ty Rạng Đông của lãnh đạo phường Hạ Đình và Bộ TN-MT là đúng, trong khi quận Thanh Xuân và Hà Nội đã nhận diện sự cố chậm.

    Ông Đỗ Thanh Bái nói:

    - Khoảng ba ngày sau vụ cháy, UBND quận Thanh Xuân và UBND TP Hà Nội vẫn nhận diện đây là sự cố cháy thông thường là không đúng.

    Trong Luật hóa chất, Luật bảo vệ môi trường, nguyên tắc chung lấy phòng ngừa là chính. Còn trong ứng phó sự cố, nếu xác định mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng phải theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Ở vụ cháy Công ty Rạng Đông, việc chỉ ứng phó như vụ cháy thông thường là sai nguyên tắc ứng phó sự cố ngay từ đầu.

    Theo nguyên tắc trên, lãnh đạo UBND phường Hạ Đình, Bộ TN-MT đã ứng phó đúng theo nguyên tắc phòng ngừa. Vì thế, tôi đánh giá cao cách xử lý của phường Hạ Đình trong việc cảnh báo người dân trước nguy cơ ô nhiễm, chủ động các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

    [​IMG]


    2-3 ngày sau vụ cháy, người ta không công bố thông tin thật. Đặc biệt là cách xử lý thiếu minh bạch dẫn tới những hiểu lầm về mức độ nguy hiểm từ vụ cháy. Đó là chuyện vụ cháy có phát tán thủy ngân hay không? Thủy ngân còn ở dạng trong bóng đèn hay ở dạng nguyên liệu amalgam, hay thủy ngân lỏng?


    Ông Đỗ Thanh Bái



    * Ông đánh giá khi ứng phó cần theo nguyên tắc phòng ngừa là cao nhất. Như vậy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cần hành động thực tiễn ra sao để giảm thiểu tối đa rủi ro cho người dân?

    - Thế giới cũng lấy nguyên tắc phòng ngừa là cao nhất, nên việc ứng phó sẽ tùy theo cấp sự cố để hành động. Tôi cho rằng trong trường hợp sự cố hóa chất ở Rạng Đông thì người chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều động ứng phó, quyết định cao nhất là chủ tịch UBND TP Hà Nội.

    Tuy nhiên, những điều này luật còn quy định chung chung, chưa thể hiện cụ thể dưới dạng các kịch bản ứng phó, nên khi xảy ra sự cố bị lúng túng.

    Vấn đề đặt ra là phải nhận diện nguy cơ sự cố có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, vì vậy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp là phải đánh giá được rủi ro dựa trên đánh giá của các cơ quan chuyên môn để đưa ra quyết định hành động. Mục tiêu của các quyết định hành động cần theo nguyên tắc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là quan trọng nhất. Thậm chí phải di dân, sơ tán dân cũng phải chấp nhận.

    [​IMG]


    Người dân phải đeo khẩu trang khi đi qua hiện trường vụ hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH


    * Có ý kiến sự cố hóa chất ở Rạng Đông xảy ra ngay ở thủ đô, nơi có điều kiện ứng phó thuận lợi hơn các tỉnh, nhưng việc ứng phó lại lúng túng. Nếu xảy ra những sự cố tương tự, việc cảnh báo, ứng phó cần triển khai ra sao để không còn cảnh người dân tự phải quyết định đi hay ở, thưa ông?

    - Vấn đề ứng phó thế nào đã được Chính phủ đề cập từ 3-4 năm trước, đã có nghị định riêng về ứng phó sự cố hóa chất, môi trường ở các cấp vùng, liên vùng.

    Tôi được biết Bộ TN-MT đã mời các chuyên gia tham gia xây dựng quy trình ứng phó sự cố môi trường, Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cũng đã có chương trình xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn các địa phương ứng phó với các sự cố như trường hợp Rạng Đông.

    Tức là vấn đề này đã được quan tâm, nhưng tôi cho rằng một trong những việc quan trọng để ứng phó được là phải xây dựng kịch bản ứng phó. Tiếp nữa là phải diễn tập thường xuyên trong ứng phó, làm từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn.

    Tuy nhiên, đây còn là vấn đề quan niệm của người có trách nhiệm, đôi khi cả lãnh đạo cũng chưa nhận thức được vấn đề này nên việc xây dựng kịch bản, tập huấn ứng phó cũng rất hạn chế, vì thế khi xảy ra sự cố như trường hợp Rạng Đông rất lúng túng.

    Còn nếu làm đúng, cấp cao nhất phải là nơi cung cấp thông tin chính thống cho cộng đồng, trong trường hợp sự cố ở Rạng Đông thì chưa làm được như vậy, đây là bài học quan trọng cần tránh lặp lại. Trong mọi sự cố, người dân luôn cần câu trả lời từ lãnh đạo chính quyền về nguy cơ bị nhiễm độc, họ cần được khuyến cáo kịp thời để tránh được nguy cơ đó.


    Hiện trường phong tỏa lâu, việc khắc phục sẽ chậm

    Theo ông Đỗ Thanh Bái, nếu đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sớm khắc phục được hậu quả thì cần phải đưa ra được những kết luận khoa học sớm. Muốn có kết luận khoa học sớm, cơ quan chuyên môn phải sớm tiếp cận được toàn bộ hiện trường.

    Ông Bái nói thêm: "Vì vậy, giữa cơ quan chuyên môn và cơ quan điều tra phải có sự điều phối. Tôi cho rằng càng để chậm càng không tốt. Vì thế rất cần ưu tiên cho các cơ quan chuyên môn tiếp cận toàn bộ hiện trường, sớm có những cơ sở, dữ liệu để đưa ra kết luận tổng thể, khi đó các giải pháp xử lý mới được triển khai sớm".

    Triển khai tẩy độc ngay trong tháng 9


    * Hà Nội nói "đang cố gắng làm tất cả"

    Ngày 10-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hóa học hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ cháy, xử lý tẩy độc toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy. Ông Chung đề nghị Bộ tư lệnh Hóa học hướng dẫn, giám sát toàn bộ quá trình thu gom, xử lý chất thải do vụ cháy để lại cũng như quá trình tẩy độc theo quy định.

    Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - cho biết ngay sau khi chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị hỗ trợ, bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao Binh chủng Hóa học phối hợp với các cơ quan của Hà Nội xây dựng phương án khắc phục hậu quả, tẩy độc.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Đậu Xuân Hoài - viện phó Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) - cho biết việc tẩy độc sẽ được triển khai ngay trong tháng 9. Tuy nhiên, trước mắt cần phải khảo sát, đánh giá toàn bộ hiện trường, phạm vi, quy mô cần tiến hành tẩy độc, khi đó mới có thể định ra được lộ trình triển khai.

    * Chiều 10-9, Thành ủy Hà Nội đã có buổi giao ban báo chí với nội dung trọng tâm giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đông Anh, trong khi các vấn đề liên quan vụ cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông bất ngờ được thông báo "hủy", không cung cấp thông tin trong buổi họp báo.

    Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi tại sao nội dung dự kiến được đưa trong buổi họp báo liên quan đến vụ cháy Công ty Rạng Đông lại bị hủy bỏ, liệu có phải đến nay Hà Nội vẫn chưa có kết luận nguyên nhân vụ cháy?

    Ông Trần Xuân Hà - phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - cho biết: "Trong những ngày qua, để khắc phục hậu quả, các cơ quan chức năng TP đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, như tài nguyên - môi trường phối hợp chặt với cơ quan trung ương giám sát chặt chẽ về môi trường, hay ngành y tế chăm lo sức khỏe người dân. TP đang cố gắng làm tất cả những việc có thể làm được, làm sao đảm bảo sức khỏe và đảm bảo cuộc sống người dân".

    Trả lời về việc tại sao Hà Nội chưa cung cấp thông tin chính thức liên quan đến vụ cháy, ông Hà nói hiện cơ quan chức năng đang tích cực điều tra. Vì vậy, khi có những vấn đề mới sẽ cung cấp ngay cho cơ quan báo chí để người dân hiểu và chia sẻ với TP.

    N.AN - X.LONG


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này