Người đến từ vùng dịch là phải cách ly Chiều tối 3-3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và thành viên các bộ thông tin dịch COVID-19 đang gây thiệt hại cho nền kinh tế và Việt Nam (VN) không chủ quan trước dịch đang lan rộng trên thế giới, người đến từ vùng dịch phải được cách ly theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dịch COVID-19 đang gây thiệt hại Ông Mai Tiến Dũng cho biết mặc dù dịch COVID-19 gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, tuy vậy tình hình kinh tế-xã hội trong hai tháng đầu năm của VN vẫn có những điểm sáng, kết quả tích cực. Xuất khẩu của VN ước đạt 36,9 tỉ USD trong tháng 2, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng vẫn có những khởi sắc thông qua tình hình tín dụng khả quan. Tuy vậy, Bộ trưởng Dũng thừa nhận COVID-19 đã làm cho nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải. “Ước tính ban đầu, đến nay lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%; du lịch thiệt hại 7 tỉ USD” - Bộ trưởng Dũng nói. Thông tin về tinh thần của phiên họp Chính phủ ngày 3-3, Bộ trưởng Dũng cho hay: Chính phủ thống nhất kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở VN. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch đã đề ra. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TTXVN Cách ly không chỉ với người Hàn Quốc Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin VN đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19. Hiện tình hình dịch bệnh đã lan rộng ra 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, con số nhiễm ngày càng nhiều hơn. “Chúng ta đã xây dựng kịch bản ứng phó với việc lan rộng này” - Thứ trưởng Long nói. Thứ trưởng Long thông tin, sau khi có tình hình dịch bệnh tăng lên ở Hàn Quốc, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có ý kiến chỉ đạo, áp dụng các biện pháp rất phù hợp. “Đầu tiên, chúng ta yêu cầu tất cả hành khách nhập cảnh vào VN đều phải khai tờ khai y tế. Sau đó, chúng ta đã làm việc với phía Hàn Quốc, tạm dừng việc miễn thị thực visa, điều này có tác động làm giảm lượng khách Hàn Quốc vào VN rất nhiều” - Thứ trưởng Long nói. Cùng với đó, biện pháp cách ly toàn bộ hành khách, không phân biệt người Hàn Quốc, VN và người nước ngoài nếu đến từ vùng dịch trên cùng chuyến bay hay đi lẻ thì chỉ định cách ly ngay tại các sân bay như Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ... Thứ trưởng Long khẳng định cách ly là việc cực kỳ quan trọng trong phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn, khống chế, không để dịch lan vào VN, phát tán ra cộng đồng. Việc cách ly là theo đúng khuyến cáo của WHO. “Tới đây chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly nếu ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào đó dịch diễn biến phức tạp, tăng nhanh và có dấu hiệu lan ra cộng đồng. Từ đó mới tránh được dịch lan tràn vào VN” - Thứ trưởng Long nói. Không còn hãng xe công nghệ, chỉ còn phần mềm đặt/gọi xe Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin về triển khai thực hiện Nghị định 10 và việc các hãng taxi công nghệ đang hoạt động thí điểm sẽ phải dừng chạy từ sau ngày 1-4. Theo ông Đông, ngày 11-2 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng thí điểm taxi công nghệ kể từ 1-4-2020. Do đó, 14 đơn vị đang hoạt động theo Quyết định 24 sẽ phải dừng hoạt động từ ngày đó và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Điều 35 của Nghị định 10 đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành hai trường hợp: Trường hợp một, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành xe, tài xế; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10. Trường hợp hai, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành xe, tài xế hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định 10. Trong đó, gồm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Thứ trưởng Đông cho biết: Nghị định 10 quy định rõ taxi khi kết thúc chuyến đi thì doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm đặt/gọi xe tính tiền phải gửi hóa đơn điện tử về chuyến đi cho khách và cho cơ quan thuế để kiểm soát. Còn các vấn đề dán biển hiệu taxi, phù hiệu các hãng… thì Nghị định 10 đều quy định rõ. “Tóm lại, loại hình nào, tên nào phù hợp với quy định của pháp luật thì sẽ được hoạt động, còn không phân biệt tên Grab hay truyền thống hay là gì gì đó…!” - ông Đông nói. Thời điểm đi học là thẩm quyền Bộ GD&ĐT Về thời điểm cụ thể học sinh có thể đi học trở lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Thẩm quyền thuộc về Bộ GD&ĐT. Bộ này phải căn cứ tình hình cụ thể để quyết định nhằm bảo đảm chương trình giáo dục và an toàn cho học sinh. “Đối với các cháu nhỏ ở bậc học mầm non, tiểu học, do các cháu chưa đủ khả năng tự đảm bảo an toàn trong việc chống dịch nên thời điểm cụ thể cho các cháu trở lại trường học phải căn cứ vào tình hình phòng, chống dịch bệnh để chúng ta đưa ra quyết định” - Bộ trưởng Dũng nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .