Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong đó, hầu hết các thầy, cô giáo chấp hành tốt các quy định về đạo đức nhà giáo, không ngừng học tập, tu dưỡng nên có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trong sáng, mẫu mực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh đội ngũ nhà giáo toàn ngành. Bộ GD&ĐT đã ban hành, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức, quy tắc ứng xử của đội ngũ giáo viên. Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT đã bổ sung những quy định về đạo đức nhà giáo. Theo đó, tại Điều 67 của Luật Giáo dục 2019 đã quy định về tiêu chuẩn nhà giáo: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm… Và tại Điều 69 có quy định về nhiệm vụ của nhà giáo: Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo; giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học… Xung quanh vấn đề dư luận rất quan tâm này, trong chương trình, 2 khách mời sẽ giao lưu cùng độc giả, bao gồm: - PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội). - Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội). Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi cho các khách mời qua địa chỉ: gdtddientu@gmail.com. Hải Bình Nội dung buổi giao lưu trực tuyến Có ý kiến cho rằng, một bộ phận giáo viên do căng thẳng với áp lực thi cử nên nhồi nhét kiến thức, chăm chăm dạy học sinh sao cho đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, mà bỏ qua yếu tố tâm lý. Ông có thấy điều này từ đội ngũ của mình hay không? Lê Hạnh, giáo viên Đà Nẵng Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân: Cảm ơn bạn! Ở một câu trả lời trước, tôi đã nói: Ở trường muốn học sinh học tập tốt môn học của mình, học sinh phải quý mến thầy cô, yêu thích bộ môn. Khi đó, học sinh mới có hứng thú học tập. Đó hiển nhiên là nhà trường đã rất chú ý đến yếu tố tâm lý người học. Tâm lý người học tốt mới có thể hướng dẫn học sinh đạt được chuẩn về kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của môn học hoặc của giai đoạn học tập. Xin chia sẻ với bạn một câu chuyện nhỏ: Hôm trước, tôi có ngồi trao đổi với một số bạn bên ngoài ngành giáo dục. Các bạn ấy đều ca thán rằng, học sinh bây giờ phải học nhiều kiến thức nặng nề. Tôi cười cười và xin phép đặt một câu hỏi với các bạn đó như sau: “Trình độ người lao động của Việt Nam so với các nước Nhật, Mỹ, Đức... cao hơn hay thấp hơn?” Câu hỏi này thật dễ trả lời và tôi nói rằng, ở các nước đó tài thật, người học không phải học mấy mà tự nhiên có trình độ lao động lại cao hơn ở Việt Nam, thì lạ thật. Tôi chỉ có thể mượn câu nói của cụ Nam Cao: “Tài thật, tài đến thế là cùng...” Các bạn ấy đều bật cười và ngay lập tức hiểu rằng, muốn người lao động có trình độ cao thì phải học. Càng ngày, xã hội đòi hỏi về trình độ lao động càng cao hơn và vì thế việc học của học sinh cũng phải theo kịp sự đòi hỏi của xã hội. Tôi thấy ngay chuyện trang phục của người làm công tác giảng dạy cũng đã có những ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng, người thầy cần mô phạm; người thì cho rằng, quan trọng là thái độ, chất lượng dạy học. Câu chuyện về GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên hơn 2 năm trước cũng từng gây tranh cãi. Quan điểm của chuyên gia về vấn đề này như thế nào? Tamhoang71@... PGS.TS Trần Thành Nam : PGS.TS Trần Thành Nam. Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành, việc Giáo sư mặc trang phục như vậy như một ẩn dụ truyền thông điệp về sự sáng tạo, về tư duy mở, không bị bó buộc. Trong trường hợp cụ thể như vậy, tôi cho cách làm của GS Thành là phù hợp. Còn môi trường giáo dục, chúng ta yêu cầu học sinh mặc đồng phục để hướng tới sự bình đẳng. Nếu đã yêu cầu học sinh mặc đồng phục, thì giáo viên cũng phải làm gương, không thể ăn mặc tùy tiện đến trường. Ngoài ra, quy định về trang phục sẽ làm giảm các nguy cơ ảnh hưởng đến việc dạy học (làm học sinh xao nhãng, mất tập trung…). Theo ông, hiện nay các quy định về đạo đức nhà giáo đã được quy định một cách chặt chẽ và đầy đủ hay chưa? Ông có kiến nghị, đề xuất gì liên quan đến các quy định này hay không trên cơ sở thực tiễn của nhà trường? tuanvan...89@gmail.com Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân: Vâng cảm ơn bạn! Quy định về đạo đức nhà giáo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trong quy định này, chắc chắn đã được nhiều nhà giáo dục nghiên cứu đưa ra tương đối đầy đủ. Nếu thực hiện tốt các quy định này, đó thực sự là các nhà giáo tốt. Tất nhiên, xã hội phát triển, mỗi giai đoạn sẽ cần bổ sung thêm các chuẩn mực mới, không phải chỉ về đạo đức nhà giáo mà còn về chuẩn mực đạo đức xã hội. Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) trả lời câu hỏi của độc giả. Trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ, những quy định về đạo đức nhà giáo đã được ban hành là khá đầy đủ. Chúc bạn thực hiện tốt các quy định đó để trở thành nhà giáo mẫu mực. Xin hỏi thật, cũng là một nhà giáo, PGS có cảm thấy áp lực lớn nhất trong nghề của mình là gì? Việc lúc nào cũng phải giữ tác phong mô phạm có khiến PGS cảm thấy nản, mệt mỏi hay không? Những lúc như vậy thì PGS vượt qua bằng cách nào? Bùi Ngọc Trí (giáo viên, Hải Dương) PGS.TS Trần Thành Nam : Người làm nghề giáo cũng là một người bình thường, có áp lực, có cảm xúc, tình cảm. Nhưng khi đứng trên giảng đường, mình cần phải thể hiện nghề nghiệp đó một cách chuyên nghiệp. "Người làm nghề giáo cũng là một người bình thường, có áp lực, có cảm xúc, tình cảm. Nhưng khi đứng trên giảng đường, mình cần phải thể hiện nghề nghiệp đó một cách chuyên nghiệp" - PGS.TS Trần Thành Nam. Như tôi đồng thời là nhà tâm lý, khi làm việc với thân chủ, tôi phải bỏ hết mọi lo toan của bản thân mình ra ngoài phòng tư vấn tâm lý để tập trung hiểu được những khó khăn tâm lý của thân chủ. Chỉ với cách thức đó, tôi mới có thể giúp được thân chủ vượt qua những nghịch cảnh. Nghề giáo cũng vậy, cũng có áp lực, khó khăn; nhưng khi đứng trên bục giảng, người giáo viên cần phải có kĩ năng để bỏ mọi lo toan cuộc sống ra bên ngoài và thực hiện tốt vai trò của mình. Mỗi người cần phải nỗ lực, cố gắng hằng ngày, hằng giờ để không chỉ bảo vệ uy tín của bản thân mình và còn bảo vệ được vị thế, uy tín của danh từ chung “thầy cô giáo”. Chúng ta nói nhiều đến kỷ luật tích cực, nhưng thực hiện điều này quả thực không đơn giản. Mong được nghe chuyên gia của chương trình chia sẻ kinh nghiệm để có thể thực hiện tốt điều này? Nguyễn Thị Phúc (giáo viên tiểu học, Hà Nội) PGS.TS Trần Thành Nam : Khi nói đến kỷ luật tích cực, chúng ta dường như thường chú ý đến từ “kỷ luật” như một động từ. Cần thay đổi quan niệm này, coi “kỷ luật” như một tính từ, với cách hiểu: giáo viên cần tạo nên bầu không khí tích cực, có tính kỷ luật. Làm được điều này, cần dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa giáo viên và học sinh. PGS.TS Trần Thành Nam trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ. Để có thể tạo mối quan hệ thân thiết giữa giáo viên và học sinh, những nhu cầu của học sinh cần phải được đáp ứng: Học sinh cần gì ở giáo viên? Học sinh cần cảm thấy mình có giá trị; được lắng nghe, được hiểu, được tôn trọng… Để tạo nên kỉ luật tích cực trong nhà trường, chúng ta không phải dựa trên những hình phạt nghiêm khắc mà cần dựa trên sự chú ý và khuyến khích những hành vi tích cực. PGS.TS Trần Thành Nam Vì vậy, người giáo viên cần coi lỗi lầm của học sinh như một cơ hội để học hỏi và phát triển; cần công bằng trong mọi tình huống ứng xử; tạo điều kiện để học sinh thoải mái bộc lộ; quan tâm lắng nghe ý kiến của học sinh. Giáo viên cần học được kĩ năng lắng nghe học sinh; không chỉ lắng nghe bằng đôi tai mà phải bằng con mắt, bằng trái tim để hiểu cảm xúc đằng sau lời nói của các em. Người giáo viên cũng cần biết tại sao học sinh của mình lại ứng xử sai? Mục đích của hành vi ứng xử sai bản chất của nó là gì? Ví dụ như, hành vi đó do các em đang thiếu kĩ năng, đang muốn tìm kiếm sự chú ý; hay đó là do các em sợ hãi và muốn thoái thác nhiệm vụ mà các em nghĩ mình sẽ không đáp ứng được kì vọng của người giáo viên…, để từ đó đưa ra hình thức động viên, khuyến khích phù hợp. Để tạo nên kỉ luật tích cực trong nhà trường, chúng ta không phải dựa trên những hình phạt nghiêm khắc mà cần dựa trên sự chú ý và khuyến khích những hành vi tích cực. Người giáo viên cần đặt mình vào vị trí người đi học để xem một người giáo viên tuyệt vời thì cần có những đặc điểm gì; hay một người giáo viên chưa tốt thì có đặc điểm gì... để tự hoàn thiện bản thân mình. Theo ông, vai trò của các cấp quản lý giáo dục, trong đó có vai trò của người đứng đầu nhà trường như thế nào trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo trong bối cảnh mới hiện nay? Vân Lê, giáo viên Hà Nam Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân: Vâng cảm ơn bạn! Các nhà quản lý giáo dục đôi khi hay phạm phải sai lầm đó là mình chỉ tuyên truyền, chỉ nói, chỉ thuyết giảng và nghĩ như thế là đội ngũ cán bộ giáo viên của mình đã tốt. Thực tế, nếu làm như vậy, chỉ là sự tuyên truyền sáo rỗng và nhiều thầy cô khi thực hiện tuyên truyền như thế còn hay hơn các nhà quản lý rất nhiều. Vậy, các nhà quản lý cần làm gì? Ngoài việc tuyên truyền, điều quan trọng nhất là phải gương mẫu thực hiện để cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường nhìn vào noi theo. Ngoài ra, trong bất kỳ công việc gì cần một điều rất quan trọng đó chính là việc kiểm tra giám sát. Việc rèn luyện đạo đức của cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường để kịp thời nắm bắt và chỉnh sửa làm thế nào để chính mình và các thầy cô của mình tránh được những sai sót để ngày càng thực hiện nghề nghiệp một cách chuẩn mực nhất. Liên quan đến nâng cao đạo đức nhà giáo, có ý kiến cho rằng, cần xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học; rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm theo quy định... Trường THPT Phúc Lợi có quy định riêng liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo hay không? Rất mong được hiệu trưởng nhà trường chia sẻ để chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm. tuannguyen73...@gmail.com Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân: Cảm ơn bạn! Về đạo đức nhà giáo, chúng ta đã được hướng dẫn thực hiện bởi 4 tiêu chí trong văn bản ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong mỗi nhà trường, đều có quy chế dân chủ, quy chế thi đua khen thưởng để nâng cao quyền dân chủ của mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường và để đánh giá công bằng về việc thực hiện công tác của mỗi cán bộ giáo viên. Một góc khuôn viên Trường THPT Phúc Lợi. Ngoài ra, tại Trường THPT Phúc Lợi đã xây dựng quy chế hoạt động theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Những quy chế này giúp cho các thầy cô thực hiện nghề nghiệp chuẩn mực hơn, tránh được những vi phạm đạo đức nhà giáo. Vì thế, đội ngũ thầy cô của nhà trường luôn được học sinh và cha mẹ học sinh tin tưởng. Ngoài việc tự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường luôn lắng nghe các phản hồi từ học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội bên ngoài để rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế yếu kém của mình, phát huy những ưu điểm, sở trường trong công tác giảng dạy, trong giao tiếp với học sinh, cha mẹ học sinh để xây dựng một tập thể nhà trường thực sự là một tập thể học tập, rèn luyện được những điều tốt đẹp nhất về đạo đức nhà giáo như mong đợi. Nhiều người bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo đang xuống cấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này, cần có giải pháp phù hợp như thế nào để khắc phục tình trạng trên? nguyenha...@gmail.com Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân: Vâng cảm ơn các bạn! Đạo đức của nhà giáo được quy định bởi 4 tiêu chí chính: Đó là phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống phong cách và bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo. Đối với đội ngũ các nhà giáo, đại đa số là các nhà giáo có tư cách đạo đức tốt, có phẩm chất chính trị vững vàng, có phong cách lối sống giản dị phù hợp với nghề và luôn bảo vệ truyền thống đạo đức đã được cha ông ta gây dựng từ ngàn đời về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít các thầy cô còn có những vi phạm về đạo đức nhà giáo mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng. Nguyên nhân là việc rèn luyện tư cách đạo đức nhà giáo ngoài việc được xã hội, được nghề, được nhà trường rèn giũa, thì chính mỗi cá nhân các nhà giáo cũng phải tự rèn giũa tư cách đạo đức của chính mình. Khi chúng ta lơi lỏng việc rèn luyện chính mình tức là chúng ta quên mất phần tự phê. Có những lúc, chúng ta tưởng đó là việc nhỏ và bỏ qua, không chỉnh lý, không rèn giũa tiếp và cho rằng đó là cái sai nhỏ. Tuy nhiên, nhiều cái sai nhỏ sẽ trở thành cái sai lớn. Việc xấu không được sửa, không được chú ý điều chỉnh sẽ trở thành thói quen, rất tiếc đó lại là thói quen xấu. Dù nhỏ vẫn làm ảnh hưởng đến đạo đức nhà giáo và làm cho hình ảnh của các thầy cô trong mắt học trò, trong mắt cha mẹ học sinh và xã hội xấu đi so với mong ước của học sinh và của xã hội. Để khắc phục được tình trạng này, các nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của nghề, về những điều các thầy cô phải làm và cả những điều các thầy cô phải tránh. Bản thân các thầy cô cũng phải coi trọng việc giữ gìn tư cách đạo đức, phải thường xuyên học tập, trau dồi tư cách đạo đức để hình ảnh của người thầy trong mắt học sinh ngày càng tốt hơn. Học sinh có quý mến thầy thì mới chăm học. Học sinh ghét hoặc coi thường các thầy, dứt khoát không thể học tập tốt môn học do các thầy truyền dạy. Tại mỗi nhà trường, việc rèn ý thức đạo đức nghề nghiệp trong tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường phải luôn được các nhà trường coi trọng. Tập thể nhà trường đoàn kết hỗ trợ, giáo viên cố gắng nỗ lực vươn lên và phải luôn lắng nghe những phản hồi từ học sinh, từ cha mẹ học sinh, từ xã hội để rút ra những bài học tự điều chỉnh hành vi của mình đáp ứng được các tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo. Ngành Giáo dục, trong những năm trở lại đây xuất hiện hành vi trái với đạo lý, vi phạm pháp luật của một số thầy, cô giáo. Dưới góc nhìn của chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ và giải pháp cho vấn đề này là gì? Bùi Hiền (CBQL giáo dục, Hà Nội) PGS.TS Trần Thành Nam : Nguyên nhân gốc rễ có lẽ là kĩ năng quản lý cảm xúc của người giáo viên trong những tình huống thực tiễn. Tôi tin rằng, các thầy cô đều hiểu biết rất rõ về các quy định; biết minh cần làm gì, làm thế nào trong các tình huống ứng xử với học sinh. Tuy nhiên, ở trong những điều kiện cụ thể, tình huống cụ thể, khi hành vi của học sinh cũng “leo thang”, làm giáo viên không đủ bình tĩnh để đưa ra những quyết định một cách chính xác. Mỗi người đều có những “điểm sôi” cảm xúc, và trong một số tình huống, giáo viên không thể dừng lại ở “điểm sôi” cảm xúc dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra. PGS.TS Trần Thành Nam: Mỗi người đều có những “điểm sôi” cảm xúc, và trong một số tình huống, giáo viên không thể dừng lại ở “điểm sôi” cảm xúc dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra. Ảnh: Thế Đại. Nguyên nhân thứ 2, có thể những chương trình dạy về xử lý các tình huống sư phạm trong nhà trường vẫn là những tình huống trong điều kiện “phòng thí nghiệm”, “lớp học giả định” được kiểm soát chặt chẽ, nên những tình huống này không giống với thực tế, nên khi va vấp với tình huống thực tế, các giáo sinh sẽ hoang mang, lúng túng trong xử lý. Với nguyên nhân này, các chương trình đào tạo sư phạm hiện nay cần tăng cường thời gian để giáo sinh “hội nhập nghề nghiệp” với môi trường thực. Và việc đánh giá hành vi đạo đức không chỉ gói gọn trong môn học mà là cả quá trình theo dõi và quan sát hành vi của giáo sinh trong tương tác với môi trường tình huống thực ở các cơ sở giáo dục. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như áp lực cuộc sống, áp lực nghề nghiệp. Bên cạnh đó, giáo viên còn bị áp lực bởi kì vọng của cha mẹ học sinh, xã hội, với công việc của mình. Vai trò, vị thế của giáo viên hiện nay bị giảm sút; họ không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất mà là người tổ chức hoạt động học tập, giúp học sinh khám phá, tìm kiếm tri thức cho mình. Dẫn đến các đối tượng có liên quan đôi khi có cách hành xử tạo thêm áp lực cho giáo viên. Có ý kiến cho rằng, dạy học cũng là một nghề, giáo viên cũng là một viên chức, có nên khoác cho họ gánh nặng quá lớn “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" hay không? Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức nhà giáo nên được hiểu như thế nào? Đinh Quang Bảy (Hà Nội) PGS.TS Trần Thành Nam : Đối với ý kiến này, tôi lại nghĩ ngược lại. Hiện nay lại càng cần khẳng định nghề giáo là nghề cao quý vì họ giáo dục nhân cách bằng chính nhân cách của mình. Và trong các nghề quan trọng như bác sỹ, luật sư họ đều có Bộ quy điều đạo đức hành nghề. Tại sao chúng ta không xây dựng Bộ quy điều đạo đức hành nghề nói chung cho nhà giáo khi vấn đề này đang rất được quan tâm, xuất phát từ những giá trị căn cốt. Việc đưa ra quy điều đạo đức hành nghề vừa giúp bảo vệ nhà giáo, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp của nghề giáo. Quy điều đạo đức ấy nên như thế nào? Khi tham khảo các bộ quy điều đạo đức của bác sĩ, luật sư, hoặc các nhà tâm lý, chúng ta thấy nó đều xuất phát từ những giá trị căn cốt. Những giá trị căn cốt đó là gì? Thứ nhất: Thiện tâm và không gây hại. Nhà giáo đấu tranh để đem lại quyền lợi và cẩn trọng để không làm điều gì tổn hại cho học sinh của họ. Thứ 2: Tin cậy và trách nhiệm. Nhà giáo thiết lập mối quan hệ trung thực và tin cậy với học sinh, luôn nhắc nhở mình ý thức về trách nhiệm khoa học và nghề nghiệp với xã hội, với một cộng đồng cụ thể và với người mình đang làm việc cùng. Thứ 3: Chính trực. Nhà giáo luôn tìm cách để tăng cường sự chính xác, trung thực và tin cậy trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Thứ 4: Công bằng. Nhà giáo phải luôn đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận với các lợi ích của công tác giáo dục và mọi học sinh phải được hưởng chất lượng phục vụ, quy trình, thủ tục như nhau từ nhà giáo. Thứ 5: Tôn trọng con người và phẩm giá của họ. Nhà giáo tôn trọng các giá trị của mỗi học sinh cũng như quyền riêng tư, đảm bảo tính bảo mật và quyền tự quyết của học sinh. Thứ 6. Tự chăm sóc bản thân: Cân bằng và kiểm soát cảm xúc, tránh kiệt sức hoặc tổn thương sức khỏe tinh thần. Có lẽ đây là nguyên tắc quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Bản thân nhà giáo cũng cần xem việc tự cân bằng là một nguyên tắc đạo đức để họ có thể phục vụ tốt cộng đồng, vì thực tế nhiều việc xảy ra là do họ không biết cách tự chăm sóc, không cân bằng, kiểm soát được tốt cảm xúc bản thân mình. Trong bối cảnh hiện nay, khi thu nhập của giáo viên còn thấp, ngược lại đòi hỏi với nghề lại ngày càng cao, áp lực ngày càng lớn. Cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các thầy cô, ít nhất để thầy cô có thể sống được bằng nghề. Ông nghĩ sao về điều này? tuantu...@gmail.com Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Từ xưa đến nay, chưa bao giờ thấy nói: Thầy đồ là người giàu, vì thế, chúng ta chấp nhận một cuộc sống thanh bạch. Đổi lại, nghề thầy là nghề được xã hội tôn trọng. Nghề thầy là nghề được truyền lại những tâm huyết, lối sống, hoài bão của cả thế hệ cha anh tới những thế hệ mai sau. Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) tham dự giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thế Đại. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù thu nhập của giáo viên còn thấp nhưng vẫn còn rất nhiều các bạn học sinh đến với nghề thầy, với hy vọng trở thành một người thầy tốt. Chưa nói đòi hỏi của xã hội về trình độ người lao động ngày càng cao, nghề thầy là nghề đào tạo vì vậy cũng đòi hỏi trình độ của thầy ngày càng cao mới đáp ứng được đòi hỏi của nghề, đòi hỏi của xã hội. Cũng như các bạn, tôi cũng là một người thầy và cũng trải qua những khó khăn giống như các bạn, và hiển nhiên tôi mong muốn, đến một thời điểm gần nhất, nền kinh tế đất nước phát triển tốt, Nhà nước có đủ điều kiện về kinh tế để quan tâm và nâng cao đời sống vật chật cho đội ngũ các nhà giáo, làm cho các thầy cô ngày càng yêu nghề, ngày càng cố gắng sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục, qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Là quản lý của nhà trường, tại trường chúng tôi luôn luôn thực hiện tốt việc tiết kiệm trong chi tiêu, quản lý tốt về mặt tài chính để mỗi dịp đón năm mới nhà trường cũng có thể nâng cao được phần phúc lợi cho mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường. Từ đó, giúp cho các thầy cô cảm thấy được sự quan tâm của nhà trường tới cuộc sống vất vả khó khăn của mình và cố gắng hơn trong công tác giảng dạy và học tập. Ở phổ thông, học sinh có môn học Đạo đức, Giáo dục công dân. Không biết trong trường sư phạm, những giáo viên tương lai có riêng một môn học về đạo đức nghề nghiệp hay không? Nguyễn Văn Hiền (Quảng Ninh) PGS.TS Trần Thành Nam : Hiện nay các trường đào tạo sư phạm vẫn chưa có chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp. Bản thân Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cũng đang xây dựng. Tuy nhiên, nội dung này không thể trở thành một môn mà phải là một hoạt động xuyên suốt trong quá trình sinh viên học tập tại trường. Trưởng ban điện tử Báo GD&TĐ (phải) tặng hoa PGS.TS Trần Thành Nam. Ở Trường ĐH Giáo dục, bắt đầu từ năm học này, học phần đạo đức nhà giáo sẽ được dạy theo hình thức “lớp học đảo ngược”, chỉ dành khoảng 5-10 tiết cung cấp kiến cho những người làm nghề giáo dục. Sau đó, sinh viên sẽ sưu tầm, tìm những video, tình huống điển hình liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, để sinh viên tự tham khảo và giải quyết các tình huống. Dựa trên tình huống đó sẽ chia thảo luận và đề xuất giải pháp cho các tình huống từ thực tiễn. Sinh viên cũng được tìm các bộ phim truyền cảm hứng liên quan đến các giá trị đạo đức cốt lõi của nghề nghiệp và viết bản thu hoạch cá nhân dựa trên các clip đó. Sinh viên còn được yêu cầu làm dự án liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp và khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động công ích hoặc hoạt động tình nguyện như một tiêu chí để đánh giá. Giảng viên dạy cho chuyên đề này chính là những trường khoa, sẽ phải truyền đạt các tinh thần nghề nghiệp và làm gương trong các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống. Việc đánh giá đạt hay không đạt chuyên đề này phải dựa trên các kết quả định tính, và đánh giá “360 độ” từ bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô trong nhà trường và thầy cô ở cơ sở giáo dục nơi sinh viên thực tập. Hy vọng với cách triển khai như vậy, chuyên đề đạo đức nghề nghiệp không phải cái gì đó khô cứng, giáo điều mà kết nối với các tình huống nghề nghiệp trong đời sống thực. Gửi câu hỏi ở đây Vui lòng viết tiếng Việt có dấu Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .