Nhớ 4 chữ ‘thật’ Bác Hồ căn dặn Tháng 5-1965, nhân dịp mừng 75 tuổi, Bác viết bản Di chúc đầu tiên. Hằng năm sau năm 1965, cứ đến tháng 5, Bác xem lại, sửa chữa, bổ sung, lần bổ sung cuối cùng là tháng 5-1969 và cũng năm đó Bác trút hơi thở cuối cùng để đi vào cõi vĩnh hằng. Trong Di chúc, khi đề cập việc riêng, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Việc riêng? Đúng là Bác viết về bản thân mình nhưng ý nghĩa là không riêng cho cá nhân mà là toát lên một nhân cách lớn, cao đẹp của con người suốt đời lo cho việc nước. Một cuộc đời dâng hiến Hơn 60 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, Bác không có điều gì phải hối hận nhưng tiếc thì có; không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đủ đầy cao sang… mà tiếc là không còn sống lâu nữa để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là sự tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của người “Anh hùng dân tộc”. Bác không có điều gì phải hối hận cả, khi “phải từ biệt thế giới này”, vì cả cuộc đời Bác chủ động, sẵn sàng dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác không hối hận khi “phải từ biệt thế giới này” vì Bác tự nguyện đặt cả cuộc đời mình vào cuộc sống của nhân dân. Ngày 14-7-1969, nghĩa là chỉ một tháng rưỡi nữa thôi là mãi mãi đi xa, khi trả lời phỏng vấn của nữ PV báo Granma (của Cuba), Bác nói: “Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Bác hòa nhịp đập với trái tim của những người cần lao đang khát vọng giải phóng vươn lên làm chủ cuộc đời mình, đúng như Bác ghi “Điều mong muốn cuối cùng” trong bản Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Bác từng khẳng định rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác còn nói rằng mỗi khi phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn lao tù, Bác luôn luôn nghĩ đến đồng bào, nghĩ đến độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân; rằng “độc lập cho Tổ quốc tôi; tự do, hạnh phúc cho đồng bào tôi - đó là những gì tôi muốn, đó là những gì tôi hiểu”; rằng “mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”; rằng miền Nam luôn trong trái tim Bác, ngày nào miền Nam còn chưa được thống nhất về Tổ quốc thì ngày đó Bác còn ăn chưa ngon, ngủ chưa yên. Tinh thần, thái độ và hành động phục vụ cách mạng theo quan niệm của Bác, cũng tức là tinh thần làm đầy tớ, làm công bộc cho nhân dân. Bằng sự nghiệp dâng hiến cho giải phóng và chấn hưng dân tộc, trước khi đi xa, Bác đã nhìn thấy thành quả là nước nhà được độc lập, dân tộc Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và sự tiến bộ xã hội. Bác đã sống với cả một cuộc đời như thế và đúng là Bác không có gì phải hối hận khi từ biệt thế giới này vào năm 1969. Khi trả lời phỏng vấn của nữ PV báo Granma (Cuba) ngày 14-7-1969, Bác nói: “Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Trong ảnh: Bác Hồ trong phòng làm việc. Ảnh: Tư liệu Phải chống bằng được “giặc nội xâm” Bác là người có tài nhìn ra điểm mấu chốt nhất của sự việc. Phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân rất cần một điểm tựa như là cái gốc để từ đó mà phục vụ. Trong Di chúc, Bác nêu vấn đề chỉnh đốn Đảng, coi đó là việc cần phải làm trước tiên. Trong chỉnh đốn Đảng, Bác dặn lại tám vấn đề, trong đó có vấn đề mấu chốt là đoàn kết trong Đảng. Bác nêu vai trò quan trọng của đoàn kết và nhấn ở cái điểm cần nhấn nhất: Từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Rồi trong chỉnh đốn Đảng, Bác lặp lại đến những bốn chữ “thật” trong một đoạn ngắn: 1) Phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; 2) Phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; 3) Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; 4) Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Từ những dòng tràn đầy tâm huyết rút ra từ tâm can đó, Bác đưa ra cả một thông điệp rằng muốn Đảng ta thật sạch và vững thì phải chống bằng được giặc nội xâm: Tham ô/tham nhũng, lãng phí, quan liêu; đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu, nêu tấm gương sáng cho mọi người soi vào. Những việc này cho đến hiện nay, Đảng ta đang tích cực triển khai và đang làm tăng niềm tin của dân đối với Đảng. Những nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… đang đưa lại kết quả và cũng là để tiếp tục thực hiện một cách tốt nhất Di chúc Bác Hồ. GS-TS MẠCH QUANG THẮNG (Giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .