Ngày 20-8, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin vừa cứu sống bé gái 22 ngày tuổi, con của sản phụ Trần Thị Huyền Trang (29 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị bệnh tim bẩm sinh, diễn biến nặng ngay sau khi sinh. Trước đó, bé được chẩn đoán chuyển vị đại động mạch từ trong bào thai từ khoảng tuần thứ 22-24 và theo dõi thai kỳ tại BV Từ Dũ. Dị tật này khiến máu đỏ chuyển thành máu đen đi nuôi cơ thể khi bé chào đời. Sản phụ Trang đã đến đăng ký siêu âm tim thai và tham vấn tim thai tại BV Nhi Đồng 1, được các bác sĩ (BS) lên kế hoạch xử trí ngay sau khi sinh. Vào ngày 6-8-2019, bé chào đời với cân nặng 3.170 g, thai 40 tuần, sinh thường. Sau sinh, bé tím dần. Niềm vui của người mẹ khi con được can thiệp phẫu thuật thành công. Ảnh: HL Nhờ biết trước được căn bệnh nguy hiểm của bé, các BS của BV Nhi đồng 1 sẵn sàng tiếp nhận bé sau sinh và can thiệp hỗ trợ hô hấp, đánh giá cấu trúc giải phẫu tim và truyền thuốc duy trì ống động mạch cho bé. Tuy nhiên, sang sáng hôm sau, bé ngày càng tím, sốc, toan chuyển hóa và nhận thấy máu đỏ không đủ đi nuôi cơ thể. Êkíp tim mạch hội chẩn ngay và quyết định làm thông tim mở vách liên nhĩ cấp cứu cho bé. Sau 8 tiếng hồi sức tích cực, bé ổn định dần. Sang ngày hôm sau, bé phải tiếp tục dùng thuốc vận mạch rất cao, nhịp tim rất nhanh, nguy cơ rơi vào tình trạng sốc tim lần thứ 2. BS CK2 Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim, cho hay cả êkíp hội chẩn tại giường của bé với sự tham gia của Khoa hồi sức, gây mê, nội tim mạch, ngoại tim mạch và thống nhất sẽ mổ cho bé ngay trong hôm đó. Ca phẫu thuật dự kiến hết sức khó khăn. “Bé nhóm máu AB+ và ngân hàng máu đã hỗ trợ để có máu cho bé phẫu thuật. Êkíp phẫu thuật gồm 20 người đã mất tám tiếng từ 14 giờ đến 22 giờ để hoàn tất chuyển gốc hai đại động mạch về vị trí bình thường” - BS Tuấn kể. Sau 11 ngày nằm hồi sức, hiện bé ổn định và chuyển lên Khoa tim mạch và chuẩn bị xuất viện. Theo BS CK2 Đỗ Thị Cẩm Giang, khoa nội tim mạch, chuyển vị đại động mạch là bệnh lý tim bẩm sinh cần phối hợp sản nhi, truyền thuốc mở ống động mạch, thông tim để mở vách liên nhĩ và mổ tim để chuyển hai đại động mạch về vị trí bình thường sau sinh. Bệnh lý này trung bình mỗi năm BV Nhi đồng 1 có khoảng 20–30 bệnh nhân và có hơn 100 ca đã mổ với kết quả tốt. Tuy nhiên, hầu hết đều đến BV trong tình trạng tím nặng khi không được chẩn đoán tiền sản. Cũng theo BS Giang, các dị tật tim bẩm sinh có thể phát hiện ra khi siêu âm tiền sản bào thai được 20 tuần tuổi trở lên. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .