Hai mẹ con bệnh nhân 38 và bệnh nhân 44 cùng xuất viện tại khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Bình Thuận sáng 10-4 - Ảnh: ĐỨC TRONG Cùng nhau họ đã vượt qua dịch bệnh đang hoành hành và gây lo lắng ở nhiều nước trên thế giới. Chọn ở lại với con Lẽ ra sáng hôm ấy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận sẽ làm thủ tục cho chị xuất viện cùng với nhiều bệnh nhân khác sau hơn nửa tháng chữa trị. Chị chính thức thoát khỏi căn phòng u ám với những vật dụng y tế, sát khuẩn và những y bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín người... Nhưng chị chọn ở lại khoa nhiễm để tiếp tục cùng con trai chiến đấu. Chị là bệnh nhân với "mã số định danh" bệnh nhân 38. Trước đây chị là nhân viên làm cho công ty của bệnh nhân 34 "siêu lây nhiễm". Chị bị lây từ bệnh nhân này, và cậu con trai 13 tuổi đã bị lây từ chị. Hai mẹ con được đưa vào khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị. Chị có kết quả xét nghiệm âm tính trước con trai mình. Riêng cậu con trai, đội ngũ y bác sĩ như ngồi trên đống lửa khi cậu có kết quả âm tính lần đầu rồi dương tính trở lại. Tình mẫu tử bao dung. Chị đã hết bệnh nhưng chọn ở lại với con. Không biết khi nào con sẽ bớt bệnh nhưng cứ ở lại rồi tính sau. Và may mắn đã đến, hơn một tuần sau con trai chị khỏi bệnh, được làm thủ tục xuất viện, chị cũng được giải tỏa. Niềm vui vô bờ bến in sâu trong đôi mắt thâm quầng của chị. Trên tay đồ đạc lỉnh kỉnh, hai mẹ con bước lên xe cứu thương rồi rời khoa nhiễm. "Cảm giác trong người giờ này thế nào?", tôi hỏi nhanh chị. Chị mừng không nói được nhiều, chỉ kịp đáp: "Vui lắm anh ạ!". May mắn hơn mẹ con bệnh nhân 38, trước đó hai mẹ con bệnh nhân 37 và bệnh nhân 42 xuất viện sớm một tuần. Người mẹ bồng đứa con 2 tuổi ôm chặt vào lòng, bước chậm từ trong khu điều trị ra ngoài. Đứa con ôm chặt mẹ, ngoan ngoãn, vô tư không biết chuyện gì xảy ra... Bệnh nhân 37 ôm con (bệnh nhân 42) xuất viện - Ảnh: ĐỨC TRONG Những người "mẹ thứ hai" "Con cất điện thoại nha, bác khám chút xíu xiu thôi thì con coi trở lại", bác sĩ Dương Thị Lợi - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, dỗ dành bệnh nhân "nhí" trước khi bắt đầu khám bệnh. Đó mới là khám, việc lấy mẫu còn khó hơn nhiều, các y bác sĩ phải kiên nhẫn chờ bé ngoan ngoãn mới thực hiện được. Và trong hoàn cảnh người thân các bé không được vào chăm sóc, các y bác sĩ vừa là người điều trị, vừa đóng vai "mẹ thứ hai" của các bé. "Xót xa lắm! Các cháu còn bé mà phải cùng người lớn vào điều trị, cách ly hơn 1 tháng như thế, rất tù túng. Diện tích phòng thì hẹp, không đủ để các cháu vui chơi", bác sĩ Lợi ngậm ngùi. Hơn lúc nào hết, đội ngũ y bác sĩ tại khoa chỉ mong muốn các bé nhanh bớt bệnh, mau âm tính để về nhà, về với môi trường phù hợp với các cháu. Bác sĩ Dương Thị Lợi - trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Bình Thuận - chia sẻ cảm xúc khi nhận được tin bệnh nhân cuối cùng có kết quả âm tính - Video: ĐỨC TRONG Và nỗ lực của họ cũng được đền đáp. Hôm nhận được tin bệnh nhân cuối cùng âm tính lần đầu, cả khoa vui mừng đến nỗi bỏ dở chén cơm, nhảy dựng lên ôm nhau khóc không khác gì đứa trẻ. Không vui sao được khi đó là thành quả ròng rã hơn hơn một tháng mà họ cùng ăn cùng ở tại khoa để điều trị cho bệnh nhân. Hơn một tháng ấy, họ đã gác lại những riêng tư, tạm xa gia đình, người thân mà không biết bao giờ mới được gặp lại. Như trường hợp điều dưỡng Nguyễn Thị Liên. Trong thời gian chị cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh, mẹ chị đã qua đời. Đau xé lòng nhưng chị nuốt nuốt mắt, chọn ở lại bệnh viện, nợ mẹ chiếc khăn tang bởi chị không thể để cộng đồng xáo trộn khi ra về... Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .