Theo BS Huỳnh Tiểu Bình, Khoa Nhi BV quận 11, TP.HCM, nhiều trẻ em đang được sử dụng kháng sinh trong các trường hợp không cần thiết hoặc dùng kháng sinh không cần đơn thuốc của bác sĩ… Chính điều này làm gia tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh, khiến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém. Dùng kháng sinh mới nhanh hết bệnh? Theo BS Bình, kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn, không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi. Vì vậy hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… đều không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt luôn cả những vi khuẩn có lợi. Nếu cho trẻ sử dụng kháng sinh quá nhiều trẻ sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Cha mẹ thường có hai tâm lý khi dùng kháng sinh cho trẻ. Thứ nhất là muốn BS cho kháng sinh với quan niệm phải có kháng sinh mới nhanh hết bệnh, chứ không là phải tái khám nhiều lần. Quan niệm này không đúng vì chỉ khi đúng chỉ định thì BS mới kê toa có kháng sinh để giảm tình trạng lạm dụng dẫn đến kháng thuốc và tăng chi phí khám chữa bệnh. Thứ hai, một số người có tâm lý không muốn cho trẻ dùng kháng sinh vì lo ngại ảnh hưởng sức khỏe trẻ. Việc này làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn, có khi trẻ phải nhập viện cũng như phải dùng kháng sinh cao cấp hơn hoặc kháng sinh chích, khá tốn kém. Kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn. Ảnh: Internet Ngoài ra, việc cha mẹ tự ý cho trẻ giảm liều hoặc dừng kháng sinh trong những ngày điều trị cuối khi thấy trẻ khỏe hơn cũng là cơ hội cho vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển. Thực tế các triệu chứng thường được cải thiện trước một khoảng thời gian nhưng vẫn còn vi khuẩn gây bệnh sót lại. Nếu tự ý cắt giảm thuốc, số lượng kháng sinh sẽ không đủ để tiêu diệt những vi khuẩn này. Những vi khuẩn còn sót lại có thể sẽ sinh sản và tái tạo lại quần thể. Kết quả là trẻ sẽ dễ bị tái phát bệnh sau một thời gian. Việc cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: Tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh. Về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, trẻ sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong. Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ Trẻ em ở mỗi độ tuổi khác nhau có thể trạng, cân nặng khác nhau nên liều lượng thuốc được bào chế cũng khác nhau. Vì vậy cha mẹ không nên xem trẻ em là người lớn thu nhỏ và không nên nghĩ rằng người lớn dùng thuốc gì thì trẻ em dùng thuốc nấy, chỉ cần bớt liều lượng đi là được. Đặc biệt, khi trẻ bị ốm và phải dùng tới kháng sinh, cha mẹ nhất thiết phải cho trẻ đi khám bệnh để BS chẩn đoán và kê toa thuốc chính xác, đúng bệnh. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc cho trẻ cho sử dụng hoặc điều trị theo sự mách nước của những người không có chuyên môn. Khi trẻ có các dấu hiệu cảm sốt, ho, sổ mũi… cha mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp tự nhiên như lau mát, mặc quần áo thông thoáng dễ hút mồ hôi, cho trẻ uống nhiều nước. Các loại thuốc ho được bào chế từ thảo dược an toàn cho trẻ có thể dùng trong trường hợp này. Cạnh đó còn có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 9% để làm sạch mũi trẻ, giúp cho đường hô hấp của trẻ được thông thoáng. Nên cho trẻ chích ngừa cúm hằng năm để giảm ho, sốt, sổ mũi. Ảnh: Internet Nếu đã áp dụng những phương pháp trên mà tình trạng bệnh của trẻ không thuyên giảm, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để khám bệnh. Khi trẻ được BS chỉ định thuốc, cha mẹ cũng nên hỏi BS về toa thuốc của trẻ bao gồm loại nào là kháng sinh. Trong trường hợp trẻ đã từng dị ứng với loại thuốc nào hoặc với loại chất hóa học nào thì cha mẹ cần trao đổi với BS để BS lựa chọn một loại thuốc khác cùng tác dụng nhưng không gây dị ứng cho trẻ. Đối với những bệnh thật sự cần dùng kháng sinh, cha mẹ nên cho con uống đầy đủ theo chỉ định. Sau khi uống hết toa thuốc, cần đưa con đi tái khám đúng hẹn. Không nên khi uống thuốc được vài ngày, thấy bé khỏe hơn thì tự động ngưng thuốc hoặc đến hẹn không tái khám. Bởi vì mặc dù các biểu hiện như ho, sưng họng, sốt… triệu chứng của trẻ đã giảm nhưng các vi khuẩn vẫn còn. Sau cùng, việc dùng kháng sinh chỉ là trị bệnh, có thể phòng bệnh bằng nhiều cách như cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng hoạt động thể chất phù hợp với trẻ, và quan trọng là chích ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế. Nên cho trẻ chích ngừa thêm vaccine cúm hằng năm để giảm các triệu chứng cảm cúm như sốt, ho, sổ mũi… Điều này cũng góp phần làm giảm việc lạm dụng kháng sinh. Hôn mê gan, biến chứng rất nguy hiểm (PLO) - “Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM vừa cứu sống một trường hợp hôn mê gan. Đây được xem là một biến chứng rất nguy hiểm của xơ gan vì bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu không điều trị kịp thời”. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .