Thứ Hai, ngày 19/11/2018 10:00 AM (GMT+7) Để đến trường "tìm" con chữ, nhiều học sinh tại các huyện miền núi của tỉnh Đắk Lắk phải thức dậy từ 4h sáng, đội đèn đến trường, có em phải mang theo gạo, mì tôm, củi để đến trường ở lại, tự nấu ăn và tự chăm sóc cho bản thân. Làng Ea Kiêu nằm biệt lập giữa đồi núi Mang gạo đến lớp Một ngày trung tuần tháng 11/2018, PV Báo điện tử Infonet có dịp đến thôn Ea Boa (tên thường gọi là làng Ea Kiêu), xã Ea Trang, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) để tìm hiểu về hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh nơi vùng đất đặc biệt này. Ea Kiêu nằm biệt lập với bên ngoài, bao quanh làng là điệp trùng đồi núi. Để ra vào nơi đây, người dân phải đi qua một đường độc đạo, vòng vèo khoảng 5km trên 3 quả đồi với nhiều đoạn dốc hun hút, lô nhô đá tai mèo. Cũng vì giao thông cách trở nên hành trình đi tìm con chữ của học sinh trong làng gặp rất nhiều khó khăn. Cứ mỗi sáng thứ 2, các học sinh tại làng Ea Kiêu lại mang gạo, mì tôm và củi đến trường Cứ mỗi sáng thứ 2, hàng chục em học sinh tại đây lại được bố mẹ chuẩn bị cho một bịch gạo cùng vài gói mì tôm, cá khô và cả củi để đến Trường Tiểu học cơ sở Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang) “tìm” con chữ. Những ngày trời nắng, cha mẹ còn dùng xe honda đón đưa các em đến trường được. Ngược lại khi trời mưa, những dốc cao trơn trượt, những con suối nước dâng cao buộc các bậc phụ huynh phải dẫn các em băng rừng, men theo lối tắt đi bộ đến lớp để tiết kiệm thời gian. Anh Chú Seo Dì (31 tuổi) cho hay, hiện vợ chồng anh có 2 người con đang theo học lớp 1 và lớp 4 tại Trường tiểu học Nơ Trang Lơng. Cứ mỗi sáng tứ 2, anh lại đong 15 bát gạo, bỏ thêm 12 gói mì tôm cùng ít cá khô, ít củi rồi chở con đến trường. Tại trường, đứa lớn kèm đứa nhỏ, các cháu tự bảo ban nhau nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh và học hành. Do đó, cha mẹ chỉ đưa những món khô, dễ chế biến cho con em. Anh Dì chia sẻ: “Nhiều khi đường rất trơn, cha con đi bộ mà cũng té lộn nhào, áo quần lấm lem bùn đất. Đường đến trường xa, nhiều nguy hiểm nên bắt buộc người lớn phải dẫn các em đi chứ không lơ là được. Đời mình cực rồi, không được học hành đến nơi đến chốn. Nay Nhà nước khuyến khích, nhà trường, chính quyền các cấp động viên thì mình cũng gắng cho con cái đi học cái chữ để hiểu biết và có tương lai hơn”. Do đường sá đi lại quá khó khăn nên vào năm học 2016-2017, phụ huynh tại thôn Ea Kiêu đã đề xuất với lãnh đạo Trường tiểu học Nơ Trang Lơng về việc dựng tạm một vài phòng nội trú để con em của họ có điều kiện học hành. Vào được làng Ea Kiêu phải đi qua 3 quả đồi với 5km đường rừng dốc cao Sau đó, lãnh đạo nhà trường đã xin phép cơ quan chức năng và chấp thuận cho phụ huynh đóng góp công sức, vật liệu dựng 3 phòng nội trú để phục vụ các học sinh ở xa có nhu cầu ở lại. Mỗi căn phòng chỉ rộng khoảng 30 m², được bày biện thêm giường, bàn học và một ít xoong nồi, chén bát đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các em trong việc học hành, sinh hoạt. Để đảm bảo an ninh, lãnh đạo nhà trường phối hợp với đoàn thanh niên của xã, thôn tại địa phương và nhờ những giáo viên thay nhau túc trực, trông nom, giám sát nhóm học sinh ở nội trú. Theo ông Hoàng Văn Cường, Trưởng Thôn Ea Boa, trong làng Ea Kiêu hiện có 52, trong đó, 100% hộ dân đều là người dân tộc H’Mông có gốc từ tỉnh Tuyên Quang và Lào Cai. Hầu hết các học sinh tại Ea Kiêu đều thiếu những điều kiện để học hành Đây là một vùng di dân tự phát, được hình thành từ đầu những năm 2000. Trước đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, thuyết phục bà con ra ngoài khu trung tâm thôn Ea Boa sinh sống nhưng không mang lại kết quả. Người dân chấp nhận sống biệt lập trong rừng, đối diện với nhiều khó khăn về giao thông, kinh tế... Còn theo ông Y Đôi Niê-Chủ tịch UBND xã Ea Trang, do đường sá đi lại khó khăn nên đa số học sinh trong làng Ea Kiêu chỉ học hết cấp 1, số học sinh học cấp 2, cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hằng năm, chính quyền địa phương cũng như nhà trường đã làm công tác tư tưởng đối với các bậc phụ huynh, vận động cha mẹ cho con em được đến trường, học hành tử tế để có tương lai tươi sáng hơn. Đội đèn đến trường Một vùng đất đặc biệt khác, nơi cũng có những học sinh phải băng rừng, xé màn đêm đi tìm con chữ là buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk. Từ sớm tinh mơ, khi mặt trời chưa ló dạng, khi lá cây còn ướt sũng nước của những cơn mưa rừng tối hôm trước, các em học sinh nơi đây đã phải thức dậy, sửa soạn cặp sách để đến trường. Em Vừ Văn Tương, học sinh lớp 6E-Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (Xã Ea Kiết) cho hay, để đến lớp kịp thời gian, em cùng đám bạn trong buôn phải xuất phát từ 4 giờ sáng. Khoảng cách từ nhà em đến trường khoảng 15km. Thế nhưng do đường xấu, lại đi lúc tờ mờ nên ra đến trường cũng phải tầm 6 giờ 30. Nhiều học sinh tại buôn H'Mông phải vượt qua nhiều đoạn đường xấu, nguy hiểm để đến trường Còn anh Thào Văn Bình (38 tuổi, ngụ thôn H’Mông) cho biết, anh cũng có đứa con trai đang theo học lớp 8 ở Trường Hoàng Văn Thụ, xã Ea Kiết. Cứ tầm 4-5 giờ sáng mỗi ngày, vợ chồng anh phải dậy sửa soạn, lo cơm nước để con trai kịp giờ đến lớp. “Ở đây, các cháu đi học cực lắm! Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa thì đường trơn, tối, các cháu thường đi từ 4 giờ sáng nên phải đội đèn để soi đường”, anh Bình trao đổi. Tại buôn H’Mông hiện nay cũng có một điểm trường. Được biết, đây là ngôi trường do bà con trong buôn góp công, góp sức dựng lên. Điểm trường này có 4 phòng học với khoảng 150 em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 4 theo học. Theo ghi nhận của PV, ngôi trường được dựng lên bằng gỗ, nền láng bằng xi-măng khá thô sơ. Từ sáng sớm, từng tốm học sinh theo chân nhau đến lớp. Trên tay các em là những gói bánh, kẹo để ăn sáng có giá trị không quá 2 ngàn đồng. Trời mưa, đường trơn, các em phải lội bộ nên chân lấm lem bùn đất. Thậm chí, nhiều em còn phải băng qua một cây cầu tạm bắc qua con suối không tên nước chảy xiết để đến trường. Theo cô Đàm Thị Ngọc-giáo viên dạy môn Anh văn tại điểm trường này, đây là phân hiệu của Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (xã Ea Kiết). Đây là điểm trường khá đặc biệt bởi các em học sinh hầu như đều không có giấy khai sinh. Hơn thế, vì điều kiện khó khăn, nhiều học sinh không được cha mẹ trang bị đầy đủ dụng cụ học tập khi đến trường. Do đó, hằng năm phía nhà trường đều vận động các nhà hảo tâm và trích kinh phí để mua sách vở, hỗ trợ cho các em có điều kiện đến lớp. Nguy hiểm nhất là đoạn qua cầu tạm bắc qua con suối không tên Theo tìm hiểu của PV, từ năm 1999, vì cuộc sống khó khăn, bà con người H’Mông tại các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang lần lượt di cư vào các cánh rừng thuộc địa phận xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar để lập nghiệp. Thế nhưng, theo tập tục du canh du cư, bà con đã phá hàng trăm héc ta rừng để làm nương rẫy, trồng hoa màu. Trước thực trạng đó, đến năm 2012, UBND huyện Cư M’Gar phối hợp với UBND xã Ea Kiết cùng Lâm trường buôn Yà Vầm, cắt 12 héc ta đất, xây dựng khu tái định cư, trường học, trạm xá, kéo điện và cung cấp nguồn nước sạch, vận động bà con rời rừng, ra sinh sống tại khu tái định cư. Tuy nhiên, đồng bào người H’Mông đã quen sống với nương rẫy, không chịu di dời. Sau nhiều lần được các cơ quan, đoàn thể vào vận động, đến nay đã có 67 hộ, chiếm 45% dân số ra định cư ở vùng kinh tế mới. Từ đó, buôn H’Mông được chia làm hai vùng riêng biệt là H’Mông cũ và H’Mông mới. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết: “Để đến trường học, các em học sinh tại buôn H’Mông trong đã phải vượt qua một chẳng đường xấu, nhiều nguy hiểm. Địa phương cũng luôn tìm cách hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần để động viên các em nhỏ nơi đây cố gắng trên hành trình đi “tìm” con chữ”. Chuyện về thầy giáo ở vùng quê nghèo hồi sinh cậu học trò 10 tuổi, nặng 3,9 kg ở Quảng Ngãi khiến nhiều người xúc động. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .