Công ty Thiết kế web

Nụ cười cần lao Việt ngày cuối năm 2018 đẹp đến nao lòng

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi truonghuong, 31/12/18.

  1. truonghuong

    truonghuong Active Member

    [​IMG]


    Ông Nguyễn Đức Nam cười rạng rỡ trong ngày lao động cuối cùng của năm 2018 - Ảnh: HÀ THANH


    Chiều cuối cùng của năm 2018, Hà Nội trời rét buốt, Tuổi Trẻ Online tìm gặp những người lao động đang hăng say lao động.

    Trên ruộng đồng hay ngoài đường phố, họ luôn làm việc với nụ cười thường trực trên môi. Ngày cuối cùng của năm 2018, ai cũng hào hứng lao động hết công suất với ước mong một năm mới đầy sức khỏe, gia đình hạnh phúc.

    Mong gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn


    Ước mong của người lao động trong ngày cuối năm - Clip: MINH PHƯỢNG


    Dòng xe vội vã ngày cuối năm, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông với mái đầu điểm hoa râm. Ông lái chiếc xe máy điện màu đỏ chầm chậm, nụ cười luôn thường trực trên môi.

    Ông là Nguyễn Đức Nam (56 tuổi, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị tật bẩm sinh ở tay trái, khó phát âm. Trời Hà Nội rét cắt da cắt thịt, ông vẫn chạy chiếc xe gắn bó với ông suốt 3 năm qua để bán chút hàng rong.

    Mỗi ngày ông thường chạy xe bán hàng từ 7h sáng đến 12h đêm mới về đến căn nhà trọ. Ông kể công việc này giúp ông kiếm được 100.000 - 200.000 đồng/ngày đủ để gửi về cho vợ và đứa con đang học ở quê.

    [​IMG]


    Chiếc xe máy điện, bộ đồ nghề này đã gắn bó với ông Nam suốt 3 năm nay - Ảnh: HÀ THANH


    "Tết Tây vẫn đi bán hàng để nuôi con chứ. Tết không về quê, qua tết mới về vì những ngày này dễ bán hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Năm mới ước mong gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn. Còn ước có tiền thì có ai không ước chứ", ông Nam nói chậm rãi từng từ, nụ cười hiền lành khi nhận ra chúng tôi là người cùng quê.

    Ở một quán cà phê, cô sinh viên Nguyễn Thị Bạch Cúc (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Nội vụ) vẫn tất bật lau dọn, phục vụ bàn. Mấy ngày nghỉ, Cúc không về quê vì quê ở tận Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc xa xôi.

    [​IMG]


    Cô sinh viên Bạch Cúc hăng say với công việc làm thêm tại quán cà phê - Ảnh: HÀ THANH


    Ngày thường Cúc làm một ca, nhưng ngày cuối cùng của năm cô bé nhận làm luôn hai ca giúp nhân viên khác.

    "Không mệt lắm, nay nhà xa, sắp tới lại thi nên em ở lại vừa học vừa làm. Năm mới em mong mọi chuyện hanh thông, nhất là mong việc học được thuận lợi", Cúc mong ước.

    Anh tài xế xe Grab Nguyễn Đắc Quyền (36 tuổi, quê Bắc Ninh) hào hứng chia sẻ từ sáng đến khi gặp chúng tôi, anh chạy 7 cuốc xe ôm được gần 300.000 đồng. Anh là tài xế chở công nhân của Công ty Samsung, chở xong công nhân anh về chạy xe Grab, tối lại tiếp tục đi đón công nhân.

    "Hôm nay có một anh công nhân nhờ đón giúp nên sẽ đón đến khuya mới về. Vợ con về quê hết nên hôm nay không đi chơi. Làm cái nghề này, chả có ngày nào được nghỉ, chỉ có tết Âm lịch được nghỉ thôi", anh Quyền tâm sự.

    [​IMG]


    Nụ cười rạng rỡ của anh lái xe Grab Nguyễn Đắc Quyền - Ảnh: HÀ THANH


    Mong sức khỏe trong năm mới

    Ông nông dân trồng đào Trần Quang Thân ở làng Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội suốt mấy chục năm nay gắn bó với công việc trồng đào.

    Ông kể, việc này không tính giờ giấc được, giờ giấc do mình, có khi đến tận ngày 30 tết Âm lịch cũng chưa được nghỉ hay mới ngày mùng 1 Tết đã đi làm.

    Ngày cuối cùng của năm cũ, vợ chồng ông Thân vẫn tất bật buộc lại mấy cây đào cho kịp cắt bán cuối năm.

    [​IMG]


    Nụ cười của người đàn ông trồng đào Trần Quang Thân làm bừng sáng cả khu vườn - Ảnh: HÀ THANH


    "Mong khỏe cái đã, chứ còn mong này mong kia thì không biết, có sức khỏe là có tất cả. Còn làm vườn, mặc dù có kinh nghiệm nhưng tùy thuộc vào thời tiết. Ông cha ta có câu: "Khôn ngoan không lại với trời", tính gì thì tính, giỏi gì thì giỏi nhưng trồng đào vẫn phụ thuộc một phần vào thời tiết", ông Thân chia sẻ.

    40 tuổi, chị Lê Thị Linh, quê ở Tuyên Quang làm công nhân vệ sinh suốt 8 năm nay. Ngày cuối cùng của năm, chị vẫn vào ca từ 15h chiều. Từ quê xuống Hà Nội, chị Linh thuê căn nhà trọ ở tạm, có mấy cái tết đã không về quê.

    "Tận 30 tết mới nghỉ mà đêm làm đến khuya, về đến nhà đã sang canh. Ngày thường thì về được chứ tết Dương lịch lẫn tết Âm lịch hiếm khi được nghỉ lắm. Những ngày lễ như này thì việc còn nhiều hơn, làm vất vả hơn, tất nhiên làm ngày lễ tết thì lương được hơn một chút", chị Linh bộc bạch.

    Hỏi chị về mong ước trong năm mới, chị Linh cười tươi để lộ chiếc răng mẻ ở giữa: "Chỉ mong sức khỏe và công việc đều đặn, mong lương làm sao đảm bảo cho anh chị em công nhân phấn khởi".

    [​IMG]


    Chị Linh cười, để lộ chiếc răng sứt duyên dáng. Năm mới chị mong ước sức khỏe, anh em có tiền lương hợp lý cho phấn khởi - Ảnh: HÀ THANH


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này