Thực hiện nhiều công việc quan trọng - Theo dõi những bước đi của ngành Giáo dục trong năm 2019, ấn tượng của ông là gì? - Năm 2019 có thể coi là năm bản lề, vừa là năm bứt phá của giáo dục và đào tạo để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây là năm ngành Giáo dục kết thúc chặng đường đầu tiên sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, là năm cuối thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”. Theo đánh giá của tôi, đây cũng là năm mà ngành Giáo dục đã thực hiện được những công việc quan trọng. Xin điểm qua một số kết quả đáng chú ý: Thứ nhất, Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua; trước đó, năm 2018, Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong việc thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thứ hai, tiếp tục phát huy kết quả những năm trước, thành tích học sinh Việt Nam giành được trong năm 2019 rất đáng biểu dương với 100% học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đoạt giải, trong đó chủ yếu là Huy chương Vàng và Huy chương Bạc. Đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam giành điểm tuyệt đối trong phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế; có thí sinh vừa đoạt Huy chương Vàng, vừa đoạt giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic Vật lý quốc tế. Lần đầu tiên Việt Nam dành Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Kazan - Liên bang Nga. Thứ ba, nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã được ghi tên trên bảng xếp hạng uy tín toàn cầu và khu vực. Đáng chú ý nhất là việc ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tên trong bảng xếp hạng do tuần san Times Higher Education (THE) công bố. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng uy tín này. Cũng trong năm nay, Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục ĐH nằm trong top 500 của bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á của QS năm 2020. Có thể nói, đây là tín hiệu khá tích cực của giáo dục ĐH Việt Nam. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng thông qua hoạt động kiểm định chất lượng. Đến nay đã có hàng chục trường có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường, 12 nghề đạt tiêu chuẩn của Australia; 45 trường, 22 nghề đạt tiêu chuẩn của Đức; Một vấn đề quan trọng đáng ghi nhận tôi muốn nhắc đến là năm 2019, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã quyết liệt trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung cho việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp; tạo nhiều diễn đàn để kết nối doanh nhiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. PGS.TS Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Bộ GD&ĐT cũng có nhiều hành động quyết liệt cho việc đổi mới giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tích cực cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch cho giáo dục đào tạo giai đoạn tới; xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu về đội ngũ nhà giáo để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; dự báo, quy hoạch đội ngũ và xây dựng chính sách nhà giáo; quy định về chuẩn dữ liệu, hướng dẫn kết nối trao đổi dữ liệu tự động từ tất cả các phần mềm quản lý trường học; đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Nhiều nội dung cần chú trọng triển khai trong năm 2020 - Theo nhận định của ông, đâu là công việc quan trọng ngành Giáo dục cần đặc biệt tập trung trong năm 2020? - Năm 2020 là năm đầu tiên Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tôi cho rằng, những công việc trọng yếu của ngành Giáo dục sẽ liên quan đến 2 nội dung trên. Để Luật Giáo dục 2019 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, trước hết cần thực hiện hết sức nghiêm túc, hiệu quả việc phổ biến, hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nội dung của Luật Giáo dục. Cùng với các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục năm 2019, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục triển khai nhanh chóng việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để Luật này nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng đến nay, Nghị định hướng dẫn Luật vẫn chưa được ban hành). Năm 2020, ngành Giáo dục cũng tập trung thực hiện các công việc liên quan tới triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được thực hiện trước hết ở lớp 1 từ năm học 2020 - 2021. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới quy định việc lựa chọn sách giáo khoa tạo sự đồng thuận cao; các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quan trọng nhất là đội ngũ, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, chương trình giáo dục địa phương... Song song với các nhiệm vụ trong tâm đó, ngành GD&ĐT cần phải tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ sau: Thứ nhất: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước gắn với công tác dự báo quy mô phát triển giáo dục. Chỉ đạo mạnh việc sắp xếp lại các trường sư phạm; Thứ hai: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng thiết thực hiệu quả cho đội ngũ nhà giáo thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Thứ ba: Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá học sinh. Thứ tư: Đẩy mạnh hoạt động dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và dự báo nhu cầu đào tạo phù hợp với tình hình mới của đất nước theo cơ cấu ngành nghề, trình độ. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học; gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học. Thứ năm: Đẩy mạnh tự chủ và việc kiểm định, bảo đảm chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Thứ sáu: Cần đặc biệt quan tâm hoàn thành công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch cho giáo dục đào tạo giai đoạn tới. PGS.TS Triệu Thế Hùng (thứ 3 từ trái sang) thăm một cơ sở dạy nghề. Đồng hành cùng ngành Giáo dục - Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ngành Giáo dục cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội; trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ông có thể chia sẻ trong năm 2020, Ủy ban sẽ đồng hành cùng ngành Giáo dục như thế nào? - Với trách nhiệm giám sát các hoạt động của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong những năm qua Ủy ban đã thường xuyên giám sát, làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29/ NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và các vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri, xã hội quan tâm. Sau các đợt giám sát, Ủy ban đã có các kiến nghị, các giải pháp gửi tới Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục để cùng đồng hành cho sự phát triển giáo dục. Năm 2020, Ủy ban sẽ tập trung cho việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để cùng đồng hành giúp ngành Giáo dục thực tốt hơn việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ủy ban cũng sẽ tiến hành giám sát thường xuyên công tác quản lý Nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Giáo dục đào tạo năm 2020; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đặc biệt là việc triển khai việc thi hành Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Hy vọng với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và sự đồng hành của Ủy ban cùng với ngành Giáo dục, năm 2020, ngành GD&ĐT sẽ đạt được những thành công hơn nữa; góp phần cho sự đổi mới, phát triển giáo dục nước nhà. - Xin trân trọng cảm ơn ông! Hiếu Nguyễn (Thực hiện) Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .