Phải nghiêm túc nhìn nhận sai sót và chân thành sửa chữa Sáng 29-11, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 22, khóa X đã khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị. Xử lý hơn 1.300 phản ánh liên quan đến cán bộ, đảng viên Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết trong năm 2018 công tác này được coi trọng, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Cùng đó, các cơ quan liên quan cũng chú trọng việc giải quyết các nội dung thông tin phản ánh về cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền đã kết luận có 107 tổ chức đảng và 179 đảng viên có vi phạm, trong đó phải thi hành kỷ luật hai tổ chức đảng và 31 đảng viên (đã thi hành kỷ luật 24 đảng viên). Đối với kết quả thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy (về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước), trong năm 2018 cấp ủy các cấp đã xử lý 1.323 thông tin. Theo đó, 59 đảng viên có sai phạm đã bị kỷ luật từ mức khiển trách đến khai trừ; kỷ luật về chính quyền đối với 93 cán bộ, công chức từ mức khiển trách đến buộc thôi việc. Có trường hợp chuyển sang CQĐT để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Nói về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong quá trình chuẩn bị nội dung cho hội nghị, có ý kiến nhận xét trong năm 2018 TP.HCM phải lo một số việc giải quyết bức xúc của người dân, có cán bộ bị kỷ luật. “Điều này cho thấy chúng ta có sai sót trong quản lý, lãnh đạo. Nếu có sai sót thì mình phải nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận và chân thành sửa chữa khuyết điểm. Chính cách tiếp cận đó sẽ góp phần củng cố niềm tin, vị trí của Đảng” - ông Nhân nói. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: “Nếu có sai sót thì mình phải nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận và chân thành sửa chữa khuyết điểm”. Ảnh: TÁ LÂM Kiểm điểm những nơi giải ngân chậm Trước đó, phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã dành phần lớn thời gian nói về việc giải ngân chậm của nhiều sở/ngành, quận/huyện, nhất là tiến độ giải ngân ở các dự án chống kẹt xe, ngập nước. “Chúng ta gặp dân, họ đề nghị sửa đường, chúng ta nói là còn thiếu vốn. Dân đề nghị giải quyết ngập nước, chúng ta cũng nói còn thiếu kinh phí. Cái đó đúng một phần nhưng có phần không đúng bởi vì nhiều sở/ngành, quận/huyện không sử dụng hết kinh phí đầu tư công năm nay” - ông Nhân nói. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng Sở GTVT có 454 dự án, kế hoạch vốn năm 2018 là hơn 4.510 tỉ đồng, tuy nhiên tỉ lệ giải ngân đến cuối tháng 10 mới đạt 58,2%. “Còn 1.900 tỉ chưa giải ngân xong. Bây giờ người dân hỏi đường sá khó khăn có phải vì thiếu kinh phí không nhưng qua đây cho thấy là kinh phí không thiếu. Chúng ta phải suy nghĩ lại” - ông Nhân nêu. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2018, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP.HCM đạt 1.331.440 tỉ đồng, ước tăng 8,3%. Hay như Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM có 106 dự án, kế hoạch vốn là hơn 1.129 tỉ đồng nhưng đến cuối tháng 10 chỉ mới giải ngân được 53,2%. “Hai lĩnh vực người dân bức xúc nhất nhưng giải ngân chưa được 60%. Người đứng đầu của hai lĩnh vực này suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình đối với Đảng bộ và người dân TP?” - ông Nhân nói và đề nghị hai đơn vị này cùng các sở/ngành, quận/huyện khác phải nhìn lại vấn đề đầu tư công trong ba năm qua, không để xu hướng giải ngân chậm như vừa qua tồn tại trong hai năm tới. Từ phân tích đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những yếu kém thì phải nhìn nhận, sửa chữa. Trong đợt tổng kết cuối năm, các đơn vị phải rà soát, kiểm điểm việc sử dụng ngân sách đầu tư công trong ba năm qua, từ đó đề xuất biện pháp thay đổi. Dứt khoát không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng này trong những năm còn lại. Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường lý giải: Tình hình chung là tỉ lệ giải ngân các dự án đầu tư công chậm hơn những năm trước. Riêng lĩnh vực giao thông, do phải tuân thủ trình tự quy định nên khâu giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, chậm trễ. “Nhiều công trình có nguồn vốn nhưng chưa thể khởi công hoặc có công trình đã khởi công nhưng bị vướng một số hạng mục, không được triển khai đồng bộ” - ông Cường nói và cho biết hiện có 58 dự án tiến độ giải phóng mặt bằng chậm trễ với khoảng 940 tỉ đồng bị vướng chưa được giải ngân. Ông cũng khẳng định nếu tháo gỡ được khó khăn này, tỉ lệ giải ngân có thể đạt 80%. Theo ông Cường, giải pháp quan trọng nhất để tháo gỡ khó khăn là quyết tâm chính trị của UBND TP để tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, đặc biệt ở các dự án thuộc chương trình đột phá. Theo dự kiến, hôm nay (30-11), hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề về kinh tế-xã hội. Trong ngày làm việc cuối cùng sẽ có nội dung làm công tác cán bộ. Hàng loạt nơi giải ngân chậm Ngoài Sở GTVT và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng điểm mặt nhiều đơn vị khác giải ngân chậm, như Sở NN&PTNT là 59%; Sở Công Thương chỉ giải ngân được 1,1%; Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM được bố trí hơn 300 tỉ đồng nhưng mới giải ngân 43%; Công ty Cổ phần Công trình Sài Gòn giải ngân 42%. Hay như Sở TN&MT giải ngân 30%; Sở QH-KT cũng giải ngân rất “tiết kiệm”, chỉ đạt 22%. Tương tự, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình đô thị được bố trí 391 tỉ đồng thì mới giải ngân 32%. “Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Tân Thuận được ngân sách bố trí 359 tỉ đồng nhưng giải ngân chỉ 8,1% thì phải suy nghĩ về việc lập kế hoạch như thế nào” - ông Nhân đánh giá. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .