Phân loại rác thải tại nguồn được đưa vào luật Sáng nay, 26-5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Theo Bộ trưởng, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, hoàn thiện bao gồm 16 chương, 186 điều và có nhiều cải cách mạnh mẽ. Trong đó cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính; giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày; thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường... Đáng chú ý về công tác quản lý chất thải (chương VI), dự luật đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. “Đã bổ sung các quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, tái chế, xử lý chất thải; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành sản xuất khác” – Bộ trưởng TN&MT nói. Theo đó, dự luật quy định đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thì khuyến khích phân loại theo 5 loại để từ đó có các quy định quản lý cụ thể nhằm thúc đẩy việc phân loại, nâng cao hiệu quả tái chế, quản lý chất thải rắn. 5 loại đó là chất thải rắn có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh,...); chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác); chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Dự luật quy định cách tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh và cách thức quản lý phù hợp với đặc điểm khu vực đô thị và nông thôn. Về nội dung này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT nhận định được đây là quy đinh tiến bộ, chặt chẽ hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. “Tuy nhiên, cần xem xét thêm việc quy định lộ trình áp dụng biện pháp tương ứng với hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn, quy định cụ thể việc thu gom, phân loại và lưu giữ tạm thời chất thải rắn thông thường trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả của việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường” – báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT nêu. Điều 79, dự thảo luật quy định về Phân loại chất thải rắn sinh hoạt 1. Khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân như sau: a) Chất thải rắn có khả năng tái chế; b) Chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; c) Chất thải nguy hại; d) Chất thải cồng kềnh; đ) Chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. 2. Hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau: a) Chất thải rắn có khả năng tái chế được chứa, đựng trong các bao bì theo quy định và được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; b) Chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phải được chứa, đựng trong các bao bì và chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; c) Chất thải nguy hại được chứa, đựng trong các bao bì, vật dụng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 146 Luật này hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải nguy hại. 3. Hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ khoản 1 Điều này phải thực hiện các yêu cầu sau: a) Tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy khác để làm phân compost, làm thức ăn chăn nuôi hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình để sử dụng tại chỗ; b) Chất thải rắn có khả năng tái chế được chứa, đựng trong các bao bì theo quy định hoặc các bao bì, vật dụng chứa, đựng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; c) Chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy khác không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; d) Chất thải nguy hại được chứa, đựng trong các bao bì, vật dụng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 146 Luật này hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải nguy hại; đ) Chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phải được chứa, đựng trong các bao bì theo quy định và chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. 4. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 5. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc sau: a) Dựa trên khối lượng phát sinh; b) Hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; c) Chất thải rắn có khả năng tái chế, chất thải nguy hại được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý; d) Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đ) Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm thấp hơn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác; e) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thì phải trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. 6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. 7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. 8. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ dân phố, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .