Phí bôi trơn kìm hãm doanh nghiệp phát triển Đó là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Tài chính tổ chức ngày 9-1. Năm 2018 thu hồi hơn 32 ngàn tỉ đồng nợ thuế Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, ngành tài chính nói chung và Bộ Tài chính năm 2018 đã “quyết tâm cao” để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. “Việc đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và xử lý thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng năm 2018 dưới 5% tổng số thu ngân sách nhà nước” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay. Bộ này cho hay tính đến ngày 31-12-2018, cơ quan thuế đã thu hồi được khoảng 32 ngàn tỉ đồng nợ thuế; cơ quan hải quan đã thu hồi và xử lý nợ thuế trên 1,52 ngàn tỉ đồng. Về chi ngân sách, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. “Hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách trung ương sau ngày 30-6-2018 chưa phân bổ” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo. Một lĩnh vực khác cũng được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề cập là cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện. Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa đổi sáu luật và 16 nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn Vẫn còn “trên nóng dưới lạnh, phí bôi trơn” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, quy mô nền kinh tế đã đạt tới hơn 5 triệu tỉ đồng đều có sự đóng góp quan trọng của ngành tài chính. Thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các kế hoạch đề ra, đặc biệt là kế hoạch thu chi ngân sách. Các chỉ tiêu đều đã cao hơn con số mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội hồi tháng 11-2018. Thủ tướng đánh giá cao công tác thu hồi và xử lý nợ đọng thuế cũng như tính nghiêm túc của thu chi ngân sách. Những kết quả như bội chi dưới 3,6% GDP, chi thường xuyên giảm xuống còn dưới 62% là những thành tựu đã đạt được. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính đã tích cực hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và trình Thủ tướng, Chính phủ ban hành nhiều nghị định quan trọng. “Tôi vừa ký mấy nghị định quan trọng. Nghị định về xe công tối nay (9-1) tôi sẽ ký” - Thủ tướng cho hay. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ động đốc thúc các địa phương thu ngân sách, nhất là Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã “lăn lộn” để đi đốc thúc. “Mọi năm các đồng chí trình Thủ tướng ký thư đốc thúc thu nhưng năm nay bộ trưởng và các thứ trưởng đã trực tiếp đi đốc thúc” - Thủ tướng nêu. Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng Bộ Tài chính cần phải sửa đổi, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tránh tình trạng chính sách hay thay đổi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. “Ví dụ như thuế tài sản, Bộ chưa xây dựng tốt, chưa truyền thông tốt cho người dân hiểu. Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đạt, giải quyết thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp có nơi chưa thực chất và kịp thời” - Thủ tướng nhận xét và yêu cầu chính sách tài chính phải hướng đến làm giàu cho nông dân và phồn thịnh cho nông thôn. “Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp không chịu lớn” Theo Thủ tướng, phải có các cơ chế để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và lộ trình khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp thông qua các định chế tài chính, thuế, chế độ kế toán đơn giản “không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp không chịu lớn” - Thủ tướng yêu cầu. Thủ tướng giao Bộ Tài chính phải hoàn thiện thể chế để thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ cách mạng 4.0 và kỷ nguyên số. “Làm sao để doanh nghiệp khởi nghiệp không phải chạy sang Singapore. Chính sách tài chính phải giải quyết được vấn nạn này” - Thủ tướng nói. Bên cạnh, Thủ tướng cũng lưu ý đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế. Tình trạng chung chi, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan còn gây bức xúc dư luận. Tình trạng kẹp phong bì để giải quyết công việc trong lĩnh vực này không phải là không có. “Trên nóng dưới lạnh, chi phí không chính thức, phí bôi trơn vẫn còn. Một container nếu “bôi trơn” 1 triệu đồng thì mỗi năm mất hàng chục ngàn tỉ đồng. Cùng với các chi phí không chính thức trong các lĩnh vực khác, chi phí “bôi trơn” chính là lý do kìm hãm doanh nghiệp phát triển” - Thủ tướng nhận xét. Năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện 98,66 ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm... Qua đó, kiểm tra gần 597 ngàn hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và điều tra chống buôn lậu bắt giữ 15,54 ngàn vụ. Kết quả là đã kiến nghị xử lý 64,74 ngàn tỉ đồng. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .