GD&TĐ - Phổ điểm Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhìn theo các khối xét tuyển đại học được các chuyên gia đánh giá là đẹp cho các trường đại học tuyển sinh. Mục đích của Kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để xét tuyển đại học, nên phổ điểm như vậy là đạt được yêu cầu đề ra. Một phổ điểm đẹp, cùng quyền tự chủ tối đa theo tinh thần luật định càng đòi hỏi trách nhiệm của các trường với người học và xã hội nhiều hơn. Phổ điểm đẹp, thuận xét tuyển Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng phổ điểm năm 2019 cho thấy đề thi có phần dễ hơn, phù hợp hơn với kỳ thi 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhận xét về phổ điểm từng môn, các ý kiến đều chung nhận định, phổ điểm các môn hơi lệch sang phải nhưng không chạm vào ngưỡng điểm 10 nhiều; môn Giáo dục công dân có nhiều điểm cao nhằm giúp học sinh tốt nghiệp, như vậy là rất hợp lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, với điểm thi như năm nay, có thể điểm xét tuyển chung sẽ tăng dao động từ 1 - 2 điểm so với năm 2018. Điểm xét tuyển ở nhóm trường tốp đầu sẽ tăng khoảng từ 0,5 - 1 điểm, nhóm trường tốp giữa do có số thí sinh đông cùng mức điểm 17 - 18 nhiều nên độ tăng sẽ khoảng từ 1 – 2 điểm tùy trường và nhóm ngành. Đặc biệt, phổ điểm thi đã phản ánh đúng năng lực học tập của thí sinh, giúp các trường thuận lợi cho việc xét tuyển sinh theo yêu cầu riêng của từng ngành, trường. Với mục đích xét tuyển đại học thì phổ điểm này rất đẹp vì điểm phân hóa rất đều, từ 20 trở lên cho đến từ 24 trở lên có độ dốc khá lớn, vì vậy, sẽ giúp các trường thực hiện xét tuyển đại học dễ dàng hơn năm ngoái. Một phổ điểm đẹp như năm nay, cùng với quyền chủ động trong xây dựng phương án tuyển sinh, nguồn tuyển sinh chất lượng cho các trường tốp trên vẫn được bảo đảm. Với các trường tốp giữa, mức điểm tập trung nhiều nhất nên cũng thuận cho xét tuyển. Còn các trường tốp dưới và các trường ngoài công lập, cùng với việc xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia, những trường này đều có phương án xét tuyển từ học bạ và kết quả thi tuyển sinh riêng nên xem ra không có gì khó khăn trong việc xét tuyển. PGS.TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh đến từ Trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng: Các trường đang thể hiện quyền chủ động tối đa trong công tác tuyển sinh, đa dạng hóa các hình thức xét tuyển. Đây là điều có lợi cho cả nhà trường và người học. Trường tuyển sinh hết chỉ tiêu theo đề án xây dựng; người học có nhiều hơn cơ hội trúng tuyển vào các ngành học mà mình yêu thích. Tuy nhiên, có điều quyền lợi cần gắn với trách nhiệm. Một phổ điểm đẹp, thuận cho xét tuyển sinh, nhưng cũng cần các cơ sở đào tạo thể hiện trách nhiệm với sản phẩm của mình. Cụ thể ở đây là trách nhiệm với người học và xã hội. Cho dù đã có quy định rất rõ về việc này nhưng xem ra vẫn cần nhắc lại vì thực tế không phải không có trường sẵn sàng bỏ qua quy định để tuyển sinh hết chỉ tiêu. Ảnh minh họa Trách nhiệm với người học Ngay sau khi kết quả thi THPT quốc gia được công bố, Bộ GD&ĐT đã có Công văn yêu cầu các trường không công bố kết quả xét tuyển, trúng tuyển khi người học chưa tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh đúng quy định hiện hành, đúng hướng dẫn tại Công văn số 796/BGDĐT-GDĐH ngày 6/3/2019 và Công văn số 2832/BGDĐT-GDĐH ngày 2/7/2019 hướng dẫn công tác tuyển sinh. Động thái trên nhằm ngăn chặn việc một số trường, nhóm ngành đã công bố xét tuyển các thí sinh trước khi có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thêm nữa cũng bởi hiện tượng một số trường kê khai không đúng danh sách giảng viên cơ hữu, công bố điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển không đúng Quy chế tuyển sinh, công bố kết quả xét tuyển, trúng tuyển trước khi học sinh THPT được xét tốt nghiệp. Khẳng định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức là danh sách được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 8/8/2019 (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống), Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đây là việc làm kịp thời và cần thiết vì thực tế cho thấy ở nhiều trường tính tự giác trong việc chấp hành các quy định về tuyển sinh và đào tạo chưa cao. Đơn cử như vừa mới có điểm thi, nhưng đã có trường thông báo ngay kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển… khi người học chưa tốt nghiệp THPT. Đồng thời, phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học vào trường theo đúng quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 13 của Quy chế tuyển sinh hiện hành để loại bỏ thông tin về những thí sinh này khỏi danh sách thí sinh tiếp tục tham gia xét tuyển trên hệ thống. Việc công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có). Các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học theo từng phương thức xét tuyển, hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu và thời gian quy định. Cùng với đó, việc thực hiện chưa nghiêm túc các yêu cầu về công khai danh sách giảng viên cơ hữu với các thông tin chuẩn theo yêu cầu của Bộ GDĐT, cũng như thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng các quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu và theo đúng đề án tuyển sinh đã công bố… Dù đã có quy định rất rõ, các trường tự chủ tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển, nếu xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt năng lực, vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Luật Giáo dục đại học 2019 đã quy định rất rõ trách nhiệm của Hội đồng trường và các nhà trường trong điều hành hoạt động. Vẫn biết là mong cho có nhiều người học nên trong thực hiện quyền tự chủ không phải không có trường xây dựng chỉ tiêu xét tuyển quá sức mình. Những mong, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2019 này không có trường nào đến mức phải chịu trách nhiệm về việc làm trái quy định của mình. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .