Nhà trường tìm cách giải nhiệt Để giúp con đang học lớp 3 Trường Tiểu học Bình Quới (quận Thủ Đức, TPHCM) không cảm thấy mệt mỏi trong thời tiết nắng nóng, chị Thu Dịu cho biết: Buổi sáng cho bé ăn đồ ăn dễ tiêu, dạng lỏng, sau đó uống bổ sung vitamin C. Trước khi con tới trường, chị cũng chuẩn bị bình nước chanh để con uống dần. Chiều về, chị tăng cường rau xanh, tôm, cá và món canh như mùng tơi, bí… để giải nhiệt. “Những ngày này, 4 giờ chiều trời vẫn rất nắng, nóng, tôi thường đón bé trễ một chút để bớt mệt. Lịch học bơi của con vào buổi chiều cũng phải dời sang sáng thứ 7, Chủ nhật” - chị Dịu nói. Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết: Trường gắn các máy phun sương để không khí dịu mát hơn. Các em học bán trú được bổ sung nước uống giải nhiệt như: Nước sâm, tắc, lưu ý nhà bếp thay đổi một số món ăn giúp trẻ ngon miệng hơn. Vào giờ ra chơi, trường cũng nhắc nhở học sinh hạn chế đi ra ngoài sân chơi, uống đủ nước, đồng thời kéo các mái hiên ở hành lang. Đối với học sinh học 1 buổi, giáo viên trao đổi với phụ huynh, căn dặn, nhắc nhở các em đội nón mũ, khẩu trang, kính mắt, áo khoác khi tới trường. Tương tự, tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM), nhà trường cũng nhắc nhở học sinh uống đủ nước, lưu ý nhà bếp thay đổi thực đơn phù hợp, giúp trò ngon miệng hơn. Nhà trường cũng có một sảnh khá rộng, có trang bị quạt, tivi để những học sinh ba mẹ đón trễ có thể ngồi đợi. Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho hay: Với trò học 1 buổi, ba mẹ đón vào dịp trưa, đúng thời điểm nắng nóng nên trường phải căn dặn phụ huynh cũng như học sinh chuẩn bị nón, kính mát, áo chống nắng để tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp. Trường hợp ba mẹ đón trễ, tôi nhắc các con đứng ở sảnh chờ, hoặc ngồi lại trong lớp, tránh ra ngoài cổng nắng nóng, dễ bị say nắng, bỏng da… Phụ huynh chờ đón con dưới nắng nóng. Chăm sóc trẻ mùa nắng thế nào? Theo BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi Đồng 2 –TPHCM), phụ huynh cần lưu ý vì trẻ dễ bị các bệnh liên quan đến nhiệt trong mùa nóng dù cho chúng luôn nghĩ mình là những “chiến binh bất khả chiến bại”. Có 3 nhóm bệnh liên quan đến nhiệt: Chuột rút do nhiệt/phù/ngất, kiệt sức do nhiệt (Heat Exhaustion), đột quỵ nhiệt (Heat Stroke). Trong đó, đột quỵ nhiệt rất nguy hiểm, xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng nhanh và cơ thể không thể hạ nhiệt. Đột quỵ vì nóng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì đe dọa đến tính mạng. Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên có thể không nhận ra các triệu chứng của bệnh liên quan đến nhiệt để nghỉ ngơi hoặc uống đủ nước. Do vậy, cần giáo dục trẻ về tầm quan trọng của việc bù dịch đầy đủ và đúng cách phù hợp. Phụ huynh, giáo viên khi chứng kiến trẻ bị chuột rút do nhiệt hay say nắng cần đưa chúng ra khỏi nơi có ánh nắng trực tiếp, uống nhiều nước hoặc chất lỏng có chất điện giải như đồ uống thể thao. Ra đường khi trời nóng cần cho trẻ mặc quần áo rộng, nhẹ, sáng màu, đội mũ và thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên và thoa mỗi giờ. Tránh đồ uống rất lạnh hoặc có quá nhiều đường… BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên lưu ý. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .