Hầu hết GV đạt chuẩn, trên chuẩn - Ông có thể chia sẻ một số thông tin cơ bản về bức tranh đội ngũ GV hiện nay? - Tính đến tháng 9/2019, toàn quốc có 1.151.873 GV mầm non, phổ thông (GV công lập là 1.042.075, ngoài công lập là 109.798). So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số GV mầm non, phổ thông còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 71.941 (trong đó, mầm non: 45.242; tiểu học: 12.450; THCS: 4.486; THPT: 9.763). Tuy nhiên, ở các cấp học vẫn tồn tại tình trạng thừa, thiếu cục bộ do không điều tiết được GV trong cả nước cũng như giữa các môn học. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và CBQLGD ở các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tỷ lệ GV đạt chuẩn, trên chuẩn đối với mầm non: 97,6%; tiểu học: 99,8%; THCS: 99,1%; THPT: 99,7%. Hầu hết CBQL, GV có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Đội ngũ CBQLGD đã tham mưu tích cực và hiệu quả cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong việc xây dựng các chính sách cán bộ, GV, HS phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Quá trình dài hơi chuẩn bị đội ngũ - Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị điều kiện về đội ngũ GV ra sao để thực hiện Chương trình GDPT từ năm học 2020 - 2021, thưa ông? - Để chuẩn bị chu đáo điều kiện về đội ngũ GV thực hiện Chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở GD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tập huấn giáo viên. Ảnh minh họa/INT Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát hiện trạng đội ngũ GV các cấp và xác định nhu cầu đào tạo GV. Đồng thời, Bộ GD&ĐT hướng dẫn địa phương có phương án chuẩn bị đội ngũ GV thực hiện Chương trình GDPT. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc bố trí GV có năng lực chuyên môn để dạy lớp 1. Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo GV xác định nhu cầu đào tạo; Thực hiện đào tạo GV Âm nhạc, Mĩ thuật để dạy môn học Giáo dục nghệ thuật cấp THPT; Đào tạo GV Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học; Đào tạo GV theo từng chuyên ngành để bổ sung do tăng quy mô trường, lớp, HS và thay thế số GV nghỉ hưu; Xây dựng chương trình bồi dưỡng GV dạy các môn học mới để thẩm định, ban hành; Ban hành quy định về đào tạo văn bằng 2 mã ngành đào tạo GV. Cùng với đó, xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về đội ngũ GV, CBQLGD để tính toán số lượng GV thừa, thiếu làm căn cứ tuyển dụng bổ sung, điều tiết GV từ nơi thừa sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế và giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sát với nhu cầu sử dụng, bảo đảm việc triển khai Chương trình GDPT. Nhằm nâng cao chất lượng GV đáp ứng Chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của GV. Đây là cơ hội để đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT và hội nhập quốc tế. Đồng thời tích cực triển khai Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, CBQL cơ sở GD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT cùng với UBND các tỉnh, thành phố rà soát hiện trạng đội ngũ GV để báo cáo Thủ tướng xem xét, bổ sung biên chế, sử dụng GV trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, không để tình trạng có HS nhưng không có GV giảng dạy. Ngoài ra, các cơ sở GD trên cả nước đang triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp GV, CBQLGD, qua đó đánh giá được năng lực của GV, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV theo chuẩn nghề nghiệp và thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên nhằm giúp GV cập nhật, bổ sung kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ phát triển nghề nghiệp. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQLGD (Bộ GD&ĐT). Có HS phải có GV đứng lớp - Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định “không được hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập”. Việc không ký hợp đồng với GV sẽ gây khó khăn trong bảo đảm đủ GV trong ngành Giáo dục. Giải pháp đối với việc này là gì? - Theo thẩm quyền được giao, Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về biên chế, hợp đồng và tuyển dụng, sử dụng viên chức. Thẩm quyền của Bộ GD&ĐT theo phân công của Chính phủ chỉ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và ban hành các văn bản quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông công lập. Để tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong thực hiện biên chế đối với GV (liên quan đến quy định “không được hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập” quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP), thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương còn thiếu GV theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, năm 2019 đã bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non cho 14 tỉnh tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “có HS thì phải có GV đứng lớp”, để xử lý kịp thời tình trạng thiếu GV ở các cấp học hiện nay ở các địa phương, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện hợp đồng lao động GV trong một số trường hợp cụ thể, trong đó có trường hợp GV nghỉ thai sản, GV nghỉ ốm, đau, tai nạn dài hạn hoặc GV nghỉ hưu nhưng chưa kịp tuyển dụng GV thay thế. - Không ít trường tiểu học trên toàn quốc còn thiếu GV tiếng Anh. Cần khắc phục tình trạng này như thế nào để bảo đảm đội ngũ giảng dạy môn học này khi triển khai Chương trình GDPT 2018? - Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDPT công lập đã quy định cụ thể định mức GV đối với trường tiểu học dạy 1 buổi/ngày là 1,2 GV/lớp, với trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 1,50 GV/lớp để thực hiện dạy học các môn học theo chương trình giáo dục cấp tiểu học (bao gồm các môn học như Tiếng Anh, Tin học...). UBND cấp tỉnh cần giao đủ biên chế theo định mức cho các trường tiểu học; rà soát, sắp xếp, bố trí cơ cấu GV phù hợp theo định mức quy định (trong đó có GV tiếng Anh) để bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình, SGK mới. - Xin cảm ơn ông! Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .