Thông tin này được đưa ra trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Quảng Trị ban hành. Theo Kế hoạch này, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông và đạt được một số kết quả. Tỷ lệ học sinh sau tổt nghiệp THCS hàng năm học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng (từ 2,5% đến 5,3%), tuy nhiên còn khá thấp so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp khá ổn định (13,0% đến 13,4%). Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của người dân đối với giáo dục nghề nghiệp còn chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền, truyền thông phân luồng học sinh chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; hoạt động truyền thông phân luồng ở các huyện diễn ra chưa đồng bộ, chưa thu hút sự tham gia của nhiều trường nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đội ngũ làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản. Các trung tâm GDNN-GDTX khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ vừa thừa vừa thiếu, chưa thu hút được học sinh vào học. Quy mô đào tạo nghề của các trường trung cấp, CĐ trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.. Từ nhận định thuận lợi, khó khăn, kế hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 60% trường THCS, 100% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở huyện Đakrông đạt ít nhất 50% đối với cấp THCS; Khoảng 60% trường THCS, 100% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, được bồi dưỡng về công tác hướng nghiệp; đối với các trường ở huyện Đakrông đạt ít nhất 50% đối với cấp THCS; Phấn đấu ít nhất 15% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với huyện Đakrông đạt ít nhất 8%; Phấn đấu ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với huyện Đakrong đạt ít nhất 10%. Để thực hiện mục tiêu, các giải pháp được đưa ra gồm: Nâng cao nhận thức; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; Đào tạo, bồi dưỡng, phái triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, trung tâm GDNN-GDTX. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ gắn giáo dục phổ thông với giáo dục hướng nghiệp; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục hướng nghiệp và chính sách đối với học sinh học nghề. Tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .